Ra mắt sách về người cộng sản Nguyễn Đức Cảnh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần 200 trang sách của tác giả Nghiêm Đa Văn cung cấp khá trọn vẹn thông tin về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của chàng thanh niên Nguyễn Đức Cảnh. Cuốn sách ra mắt đúng dịp kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Nghiêm Đa Văn chọn lối truyện ký để tái hiện con người và cuộc đời của chiến sĩ cộng sản Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932). Tác phẩm Nguyễn Đức Cảnh (NXB Kim Đồng) gồm 13 chương, phác họa chân dung về người cộng sản kiên trung. Nguyễn Đức Cảnh là niềm tự hào của các thế hệ trẻ Việt Nam, với lời căn dặn: “Mình là người cách mạng, làm chủ vận mệnh đất nước, làm chủ số mệnh của mình”.

Ra mắt sách về người cộng sản Nguyễn Đức Cảnh ảnh 1

Cuốn truyện ký Nguyễn Đức Cảnh ra mắt trong bối cảnh năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Tác giả dẫn dắt người đọc về lại bối cảnh những năm đầu của thế kỷ XX, ở làng muối Diêm Điền. Làng quê heo hút là nơi sinh ra anh khóa Nguyễn Đức Tiết, sau đỗ đạt làm tới quan tuần phủ - thân sinh ra Nguyễn Đức Cảnh. Từ mảnh đất quê hương này trong suốt những năm tháng ấu thơ, Nguyễn Đức Cảnh chứng kiến đời sống khổ cực của đồng bào. Thừa hưởng tinh thần yêu nước từ cha, người thanh niên lăn xả vào các hoạt động của Hội ái hữu của học sinh nghèo, viết đơn khiếu nại giúp người hoạn nạn, dạy học cho trẻ em nghèo, làm thợ in đồng cam cộng khổ với cánh thợ thuyền…

Với kinh nghiệm viết tiểu thuyết lịch sử, tác giả thành công biến sử liệu trở thành những trang viết mềm mại. Hướng tới độc giả từ 10 tuổi trở lên, tác phẩm Nguyễn Đức Cảnh tái hiện sống động bối cảnh lịch sử đầu thế kỷ 20, con đường đấu tranh của các bậc Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, sự hình thành và dẫn dắt cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó làm nổi bật hình tượng người thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, đi theo cách mạng và trở thành người lãnh đạo của phong trào, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân.

Dù chưa phải là cuốn sách đồ sộ về Nguyễn Đức Cảnh, nhưng tác giả Nghiêm Đa Văn điểm lại những dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của chiến sĩ cộng sản đất Thái Bình. Những trang sách đầy cảm xúc. Trải đủ ngón đòn tra tấn của giặc Pháp nhưng Nguyễn Đức Cảnh vẫn giữ vững khí tiết.

Bên cạnh một chiến sĩ sắt đá trong chiến đấu vẫn có một góc rất đời. Một trong những chi tiết chân thực và cảm động là khi Nguyễn Đức Cảnh được gặp lại mẹ trong xà lim. Tấm lòng với người mẹ được gửi gắm trong bài thơ Tạ từ phảng phất chất Kiều (trước khi giặc đem ông về sông Lấp, Hải Phòng để hành hình). Muốn gửi bài thơ về cho mẹ nhưng lại không dám viết lên tờ giấy nhỏ bé, vì nghĩ tới những đồng chí hi sinh để đem được những mẩu giấy nhỏ vào xà lim. Bài thơ cảm động gói ghém tình cảm ấy được đồng chí, đồng đội của Nguyễn Đức Cảnh truyền miệng tới thuộc lòng: “Hồn còn mang nặng lời thề/Nát thân chưa dễ đền nghì trời mây/Tạ từ vĩnh quyết từ nay/Cúi xin từ mẫu chóng khuây nỗi buồn...”.

MỚI - NÓNG