Quyết định 13 của Chánh án TAND TP Hà Nội: Lạ lùng vì sao?

TP - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định, Quyết định ban hành Quy định báo cáo nghiệp vụ xét xử giải quyết các vụ án của Chánh án TAND TP Hà Nội đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc độc lập xét xử quy định trong Hiến pháp.

Quyết định 13 của Chánh án TAND TP Hà Nội: Lạ lùng vì sao? ảnh 1 Minh họa: khều

Trao đổi với Tiền Phong về Quyết định ban hành Quy định báo cáo nghiệp vụ xét xử giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự và các khiếu kiện hành chính với Chánh án TAND TP Hà Nội do ông Nguyễn Đức Bình, Chánh án TAND TP Hà Nội ký ban hành ngày 23/1/2013, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định Quyết định này là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc độc lập xét xử quy định trong Hiến pháp.

Can thiệp vào sự độc lập của thẩm phán

Tại cuộc họp của Ủy ban Tư pháp, bà đã nêu Quyết định số 13 của Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội là một “Quyết định lạ lùng”. Vậy bà có thể nói rõ hơn về những điều “lạ lùng” của Quyết định này?

Tôi cho rằng Quyết định 13 của Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã trái với tinh thần của Khoản 2 Điều 103 Hiến pháp 2013, theo đó “Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm”. Nguyên tắc độc lập xét xử này cũng đã được quy định trong Hiến pháp 1992 và cụ thể hóa trong các luật về tố tụng hiện hành.

Để đảm bảo nguyên tắc này, thẩm phán phải được độc lập trong hoạt động nghiệp vụ xét xử, đồng thời cũng phải đảm bảo mối quan hệ giữa chánh án, phó chánh án với thẩm phán, giữa tòa án cấp trên với tòa án cấp dưới sao cho phân biệt rạch ròi nội dung gì là quản lý thẩm phán về mặt tổ chức theo sự phân cấp của Chánh án TANDTC, nội dung gì là thực hiện nhiệm vụ “tổ chức công tác xét xử” thuộc tòa án cấp mình.

Tuy nhiên Quyết định 13 đã có nhiều khả năng dẫn đến hoạt động xét xử của thẩm phán, không chỉ của Tòa án thành phố Hà Nội (là Tòa mà theo luật, ông chánh án có trách nhiệm tổ chức công tác xét xử) mà đến cả thẩm phán Tòa án cấp dưới (thuộc thẩm quyền tổ chức công tác xét xử của chánh án cấp huyện) khó có thể đảm bảo tính độc lập.

Vài minh chứng thể hiện sự “lạ lùng”, không bình thường hay nói đúng hơn là trái pháp luật của Quyết định 13:

Hoạt động bình thường của Tòa án

Trao đổi với Tiền Phong, Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Đức Bình, người ký Quyết định 13/QĐ-CA, Ban hành quy định báo cáo nghiệp vụ xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự và các khiếu kiện hành chính với Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho biết “Đây là hoạt động bình thường của Tòa án”.

Về mục đích của báo cáo nghiệp vụ (điều 2) “đảm bảo việc đánh giá chứng cứ khách quan, áp dụng pháp luật chính xác”, theo luật thì thẩm quyền, trách nhiệm này phải thuộc về hội đồng xét xử, kết quả đánh giá chứng cứ như thế nào, áp dụng pháp luật như thế nào không thể quyết định trước khi xét xử mà còn phải căn cứ vào diễn biến tranh tụng tại phiên tòa, theo đó “phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”, để đảm bảo nguyên tắc độc lập thì không ai được can thiệp, định hướng, lãnh đạo vấn đề này.

Về đối tượng và trình tự báo cáo, điều 4: Trước khi báo cáo nghiệp vụ với Chánh án (TAND thành phố Hà Nội) “các vụ án do cấp huyện thụ lý thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa phải báo cáo nghiệp vụ với Chánh án Tòa án nơi công tác. Sau đó, Thẩm phán, Chánh án Tòa án đã thụ lý vụ án báo cáo nghiệp vụ với Chánh tòa chuyên trách và Phó Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố về nội dung vụ án”; “Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh tòa chuyên trách, Trưởng phòng Phòng Giám đốc - Kiểm tra, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố phải chuẩn bị....... ý kiến về những vướng mắc khi giải quyết vụ án và quan điểm của Thẩm phán, lãnh đạo về hướng giải quyết”.

Về các loại vụ án báo cáo nghiệp vụ gồm cả “...các vụ án hình sự sơ thẩm dự kiến xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn hoặc cho bị cáo được hưởng án treo; các vụ án dân sự về thừa kế có kỷ phần chỉ được hưởng bằng giá trị;... các vụ án liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, Quyết định này còn mở rộng đến mức “các vụ án khác mà Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thấy cần thiết”.

Đối với các loại vụ án này, pháp luật đã quy định khá rõ về những căn cứ để giải quyết nên tôi không giải thích được lý do gì mà Quyết định 13 lại yêu cầu báo cáo không những trong phạm vi tòa cấp huyện mà còn phải báo cáo lên cả 2 tầng nấc của Tòa cấp trên?

Quyết định 13 của Chánh án TAND TP Hà Nội: Lạ lùng vì sao? ảnh 2 Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội ảnh: C.K

Lo ngại về “án bỏ túi”

Hiện nay dư luận rất lo ngại và bức xúc về thực trạng “duyệt án” hay “án bỏ túi”, vậy bà đánh giá thế nào về quyết định 13?

Quyết định 13 đặt ra nghĩa vụ phải báo cáo án qua rất nhiều cấp, đối với nhiều loại án, trong nhiều trường hợp rất tùy tiện, bất kể thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có nhu cầu xin ý kiến, xin tư vấn về những khó khăn vướng mắc hay không. Tôi cho rằng đây là một quyết định can thiệp rất rõ ràng, trái pháp luật vào sự độc lập của thẩm phán, ảnh hưởng đến tính độc lập của hội đồng xét xử cũng như không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng.

Quyết định này cũng ảnh hưởng đến nguyên tắc “hai cấp xét xử”, vì nếu Tòa chuyên trách cấp tỉnh đã cho ý kiến về đường lối xét xử thì việc sau này khi có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm thì cấp này lại xem xét lại chính đường lối của mình thì liệu nhiệm vụ của cấp phúc thẩm là “xem xét lại tính đúng đắn của quyết định sơ thẩm” có còn ý nghĩa?

Về bản chất Quyết định 13 này đã quy định về “duyệt án”, “chỉ đạo án” qua nhiều nhiều cấp, nhiều tầng nấc.

Chánh án tòa án cấp tỉnh, thành phố có quyền ban hành quyết định này không thưa bà?

Theo quy định của luật, Chánh án tòa án cấp tỉnh không có quyền ban hành quy định ảnh hưởng tới quyền độc lập xét xử của thẩm phán, ảnh hưởng đến nguyên tắc tranh tụng, đến nguyên tắc hai cấp xét xử.

Qua những phân tích của bà có thể thấy Quyết định 13 đã trái luật. Vậy phải xử lý với Quyết định 13 như thế nào?

Việc đảm bảo thực hiện nguyên tắc về độc lập xét xử, ngăn chặn những sai phạm trong hoạt động tố tụng, đảm bảo quyền con người, quyền công dân và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động về tư pháp không chỉ đối với riêng Tòa án Hà Nội.

Về các bước xử lý, trước tiên phải yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao báo cáo về việc này. Ngay tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp tôi đã đề nghị Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn báo cáo lại vấn đề này với Chánh án Trương Hòa Bình để yêu cầu TAND TP Hà Nội giải trình về cơ sở pháp luật khi ban hành những quy định trên và chính Chánh án TANDTC phải trả lời Ủy ban tư pháp về tính hợp pháp của Quyết định này.

Rà soát lại toàn bộ tòa án trên cả nước

Theo thông tin chúng tôi nhận được, ngày 17/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có văn bản “đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao tiến hành kiểm tra xem xét tính hợp pháp của Quyết định số 13 của Chánh án TAND TP Hà Nội.

Đồng thời chỉ đạo kiểm tra các TAND trên cả nước xem có quy định tương tự như ở TAND TP Hà Nội hay không để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, bảo đảm thi hành đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thông báo cho Ủy ban Tư pháp biết kết quả xử lý Công văn này trước khi bắt đầu kỳ họp Quốc hội (ngày 20/10/2014)”.

MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
TPO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan. Theo kế hoạch di dời, phần ga hành khách của ga Đà Nẵng sẽ được dời về khu vực hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).