> 27 thí sinh dự chung kết Sao Mai 2011 tại Huế
Ba thí sinh sẽ góp mặt trong đêm chung kết xếp hạng (từ trái sang): Đào Tố Loan, Vũ Thắng Lợi, Nguyễn Khánh Ly. Ảnh: Đại Dương. |
Các vị giám khảo thường được hình dung là những người nổi tiếng, có uy tín chuyên môn và xã hội, hình mẫu để thí sinh vươn tới. Do đó không lạ khi khá nhiều thành viên BGK bảng thính phòng năm nay cũng là giảng viên thanh nhạc.
Hầu hết giọng hát từng đoạt giải Nhất dòng thính phòng rồi cũng đều trở thành giảng viên. Tuy nhiên có một điều khá bất thường khi BGK năm nay có tới 2 thành viên thuộc BTC: NSƯT Huyền Thanh (phó ban Văn nghệ VTV) và nhạc sĩ Tuấn Phương (phó phòng Ca nhạc, ban Văn nghệ VTV)- thay vì chỉ 1 như mọi năm.
Giám khảo là người nắm quyền sinh sát. Chỉ cần 1 vị có cảm tình với thí sinh, cho điểm gần tuyệt đối là cục diện thay đổi. Nhưng với luật chơi mới, vị giám khảo thứ tám mới nắm quyền quyết định?
Bảng thính phòng năm nay khá nhiều đổi mới. Biên độ chọn bài mở rộng hơn, không ít bài mới và khá hay, cũ nhưng vẫn lạ, thậm chí pha các yếu tố nhạc nhẹ, dân gian. Nhưng cuối đêm thi, kết quả vẫn như… vòng trước. Dường như Nguyễn Khánh Ly là yếu tố cố định của bảng thính phòng. “Kết quả Sao Mai dòng thính phòng lại gây sốc”, “Khánh Ly tiếp tục gây bất ngờ”, “Sao Mai Khánh Ly “mua” tin nhắn? là vài tít báo dành cho đêm thi 14-8.
Theo thông tin từ người dẫn chương trình thì điểm số của Ly đứng thứ 5. Đây là sự đánh giá quá hào phóng của BGK. Được đánh giá có kỹ thuật “ít tính thính phòng” nhất bảng thính phòng phía Bắc, vào vòng toàn quốc, cô hát còn yếu hơn cả ở vòng miền Bắc. Nhiều chỗ run rẩy, lạc giọng, có chỗ khàn khàn như nhạc nhẹ.
Với cách chọn bài cũng thiên về nhạc nhẹ, người ta đặt câu hỏi sao Ly không thi ở bảng nhạc nhẹ mà lại lạc vào bảng thính phòng để rồi… đoạt giải. Với sự trợ giúp từ hơn 1,2 vạn tin nhắn, cô đã loại được 2 thí sinh ở trên mình để vươn lên vị trí thứ 3, có mặt trong đêm chung kết xếp hạng. Điều này đồng nghĩa với việc Khánh Ly cầm chắc giải Nhì.
BTC cam kết không bỏ sót tài năng, thực tế trên cho thấy ít nhất 1 thí sinh xứng đáng (là người đứng thứ 3 trong bảng điểm của BGK) đã bị loại- để người nhận được nhiều tin nhắn bình chọn nhất nghiễm nhiên có giải. Vậy vai trò của BGK ở đâu khi những người cần mẫn ngồi nhắn tin lại được trao quyền quyết định.
Với một thí sinh vô danh, hẳn không thể có ngay hàng vạn người hâm mộ sẵn sàng nhắn tin. Nếu thí sinh đó không phải người hát hay nhất, truyền cảm nhất, mà vẫn nhận được số bình chọn cao nhất thì rất dễ thí sinh đó vô địch về số lượng người nhà, người thân quen, thậm chí là người… thuê sẵn sàng nhắn tin.
Ngày 9-8 vừa qua, trên một diễn đàn xuất hiện lời rao M. cần 100 bạn nhắn tin bình chọn Sao Mai nhé, với nội dung: “Chủ nhật này lại nhắn tin tiếp, địa điểm sẽ ngồi gần rạp phim quốc gia. Bên mình lo nước uống, chỉ cần mọi người sạc pin, và ngồi nhắn tin cho đến khi kết thúc chương trình.
M. cần 100 người, lương vẫn 70 nghìn. Ai có bạn bè gì thì rủ nhé… 7h30 có mặt. Mọi người liên lạc số ĐT 0973.617…” Trên một diễn đàn của những người chơi cá cảnh, đến chiều 15-8 vẫn còn chạy dòng banner: “Ủng hộ thành viên N. K.Ly tham gia chung kết Sao Mai. Nhắn tin theo cú pháp…”
Vì có những khán giả nhắn tin hoàn toàn không dựa trên tiêu chí chuyên môn nên việc cho phép họ tác động vào kết quả chuyên môn là điều bất hợp lý. BTC nên đặt ra một giải riêng cho thí sinh nhận được nhiều bình chọn nhất, không nên để lẫn lộn với giải chính thức. Thậm chí thí sinh được nhiều người nhắn tin nhất cũng không đồng nghĩa “được khán giả yêu thích nhất”. |