Với mong muốn tất cả vì một xã hội mà mọi trẻ em đều bình đẳng và có cơ hội, các thí sinh đã cùng Điều phối viên của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt trải nghiệm các nội dung như: khái niệm quyền con người và quyền trẻ em; các nguyên tắc của quyền trẻ em; thực trạng vi phạm quyền trẻ em và các giải pháp. Trò chơi mang tên "Đôi giày của tôi" nhằm giúp các em trải nghiệm về "khái niệm quyền con người"
Tại đây, các em cùng nhau vẽ tranh và thuyết trình về ước mơ lớn nhất của cuộc đời mình. Em Nguyễn Phương Trà My, Lớp 10D2, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội với ước mơ đưa nghệ thuật ca trù vươn ra thế giới, chia sẻ: “Nhờ có buổi tọa đàm này em được học hỏi ở các anh chị và các bạn nhiều điều. Em rất bất ngờ và hào hứng với các hoạt động bởi trước đây ước mơ của em chỉ giữ trong lòng, nhưng qua đây em đã có cơ hội chia sẻ với mọi người. Thông qua đó, càng thôi thúc em cố gắng hơn và càng phải tự khẳng định mình hơn, phải “thức dậy” để thực hiện ước mơ và hoàn thiện mình hơn trong con đường mà em theo đuổi”.
"Tớ nghĩ rằng cần phải có trách nhiệm bảo vệ quyền cho chính những đứa con của mình sau này, cũng như những trẻ em khác"
Tại buổi tọa đàm, các em cũng được xem phim ngắn về “Số liệu điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2014”. Trong đó, có các số liệu như: Cứ 1.000 trẻ em, có gần 20 em tử vong trước 5 tuổi, trong đó có 12 em tử vong trong vòng 4 tuần đầu sau sinh; Cứ 4 trẻ em thì 1 em chưa được tiêm chủng đầy đủ trước khi tròn 1 tuổi; trong 100 trẻ dưới 6 tháng, chỉ có khoảng 24 em được bú mẹ hoàn toàn; gần ¼ trẻ dưới 2 tuổi chưa có khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng; Trung bình cứ 10 em nhỏ thì 3 em chưa được đi học mẫu giáo; nhiều trẻ em thiếu thời gian học tập và vui chơi vì phải lao động phụ giúp gia đình. Ở nông thôn, cứ 5 trẻ em thì 1 em phải tham gia lao động; Cứ 10 trẻ em thì 7 em bị xử phạt bằng bạo lực…
Bà Trần Hồng Điệp– Điều phối viên của Quỹ VìTầm Vóc Việt cho biết: “Thông qua các trò chơi trải nghiệm và hoạt động tương tác, các em có cơ hội thấu hiểu về quyền con người, quyền trẻ em và các nguyên tắc cơ bản của quyền. Quan trọng hơn cả, chúng tôi hy vọng các em tự tin chia sẻ quan điểm, những góc nhìn của các em về các vấn đề trẻ em Việt Nam đang gặp phải. Qua đó các em cùng nhau xác định hành động, những điều mà chính các em có thể làm để tạo nên sự thay đổi tích cực”.
"Chúng mình chính là những nhân tố tạo nên sự thay đổi - We are the agents of change..."
Cùng nhau nhìn lại quá trình học tập và trải nghiệm tại buổi Tọa đàm, các em đã trực tiếp xây dựng lên “Cây hành động” mà ở đó chính các em cam kết sẽ hành động và cùng tạo nên sự thay đổi tích cực trong xã hội.
Một số thông điệp các em mong muốn và cam kết thực hiện như: Cần phải có những hoạt động tuyên truyền để quyên góp xây dựng trường cho trẻ em vùng cao. 100% trẻ em đến trường phải được phát triển toàn diện; những hành vi vi phạm về quyền trẻ em sẽ được đẩy lùi.
Các em cũng đưa ra các kế hoạch cùng nhau tìm hiểu, tuyên truyền và vận động người thân, gia đình, bạn bè cùng hiểu rõ hơn về quyền và trách nhiệm, cũng như các nguyên tắc cơ bản của quyền con người; giúp đỡ, can thiệp, bảo vệ trẻ em bằng nhiều cách khác nhau khi phát hiện thấy hành động xâm hại; tích cực lên tiếng, chủ động nói lên suy nghĩ của mình về quyền trẻ em khi thấy có vấn đề; đăng, chia sẻ những bài viết về vấn đề này trên mạng xã hội như facebook, zalo...
Chúng mình cùng cam kết hành động để bảo vệ quyền trẻ em nào!