Quy định nêu gương là cam kết chính trị với toàn dân

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm - Hà Nội vào đầu tháng 10/2018. ảnh: Ngọc Châu
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm - Hà Nội vào đầu tháng 10/2018. ảnh: Ngọc Châu
TP - Theo Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, trong quá trình xây dựng chỉnh đốn đảng, những năm gần đây Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quy định về nêu gương. 

Sáng 23/11, giới thiệu Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương (T.Ư) tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt các nội dung Hội nghị T.Ư 8, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính khẳng định “việc ban hành Quy định nêu gương là một cam kết chính trị của T.Ư với chính mình và toàn đảng, toàn dân”, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngăn chặn suy thoái, tham nhũng, tiêu cực…

Còn một bộ phận cán bộ tham nhũng, tiêu cực

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, trong đó nhiều nơi được triển khai đến tận cấp huyện, xã… Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư đề nghị các đại biểu nâng cao tinh thần trách nhiệm, chú ý lắng nghe báo cáo viên trình bày, nghiên cứu tài liệu, thảo luận, liên hệ thực tiễn địa phương, đơn vị mình. Đồng thời chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống, nhất là thực hiện ngay quy định về trách nhiệm nêu gương.

Đề cập Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho rằng, việc ban hành quy định này trong thời điểm hiện nay là mong muốn chính đáng của người dân. Theo Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, trong quá trình xây dựng chỉnh đốn đảng, những năm gần đây Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quy định về nêu gương. Quá  trình thực hiện bước đầu cũng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngăn chặn suy thoái, tham nhũng, tiêu cực…

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Cụ thể, trong 2 năm trở lại đây, Ủy ban kiểm tra các cấp và các cơ quan chức năng đã kỷ luật nhiều tổ chức đảng và hàng nghìn cán bộ đảng viên vi phạm, trong đó có cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu. Đặc biệt, đã có 59 cán bộ diện T.Ư quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 13 Ủy viên T.Ư và 1 Ủy viên Bộ Chính trị.

Để cụ thể hoá các nghị quyết, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, ông Chính cho rằng, việc ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương trong thời điểm hiện nay rất cần thiết. Trong đó, nhìn thẳng vào sự thật, tập trung vào những khuyết điểm, yếu kém trong cán bộ, đảng viên do thiếu gương mẫu gây ra nhằm giáo dục cảnh báo, răn đe, phòng ngừa, khắc phục,  góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. “Tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp cao Đảng, Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng, có sức mạnh lớn về mặt tinh thần, có sức lan toả mạnh mẽ trong cán bộ đảng viên và nhân dân. Việc ban hành Quy định nêu gương là một cam kết chính trị của T.Ư với chính mình và toàn đảng, toàn dân”, ông Chính nhấn mạnh.

Chức vụ càng cao càng phải gương mẫu

Đi vào các nội dung cụ thể, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cho biết, các nội dung trong nghị quyết tập trung vào trách nhiệm cụ thể. Theo đó “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”. Lãnh đạo cấp cao càng phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; chống tham nhũng, lãng phí, chống lạm dụng quyền lực, lợi dụng chức vụ quyền hạn, chống “chạy chức”, “chạy quyền”.

Theo Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, trong những năm gần đây, Đảng và nhà nước có nhiều chủ trương, giải pháp, hành động quyết liệt trong phòng chống tham nhũng, lãng phí và đã đạt được kết quả bước đầu. Nhiều vụ án kinh tế quan trọng, phức tạp, trước đây đã đưa ra xét xử và xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn phức tạp, tập trung vào cán bộ có chức, có quyền. Cá biệt có trường hợp tham nhũng chính sách, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” để tập thể cá nhân lợi dụng trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách trái với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước. Vì vậy, T.Ư yêu cầu thống nhất cao ý chí, hành động, nêu cao trách nhiệm nêu gương để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, có sức lan tỏa, sớm khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, chỗ này làm, chỗ kia không làm.

Về kiểm soát quan hệ đối với gia đình, người thân, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nghị quyết yêu cầu chống lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng nhằm vụ lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn, uy tín, sử dụng vay mượn tiền, tài sản cá nhân trái quy định. Bên cạnh đó, không để vợ chồng, bố mẹ, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ quyền hạn uy tín của mình để vụ lợi và để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cũng cho biết, vừa qua phát hiện một số vụ việc lợi dụng quyền lực, uy tín lãnh đạo để thao túng một số vấn đề liên quan đến đất đai, mua sắm. Như vậy yêu cầu cán bộ cấp cao phải cảnh giác trong mối quan hệ và phòng chống hiệu quả những hành vi nêu trên. Phải kiểm soát, không để vợ, chồng, con sống xa hoa, phô trương lãng phí, vi phạm pháp luật. T.Ư yêu cầu gắn việc thực hiện quy định này với việc kiểm điểm đánh giá xếp loại đảng viên và lấy phiếu tín nhiệm theo định kỳ, kịp thời xử lý những biểu hiện vi phạm.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng đánh giá, công tác phục vụ Hội nghị có tiến bộ với điểm cầu trực tuyến nhiều hơn, đại biểu tham dự đông hơn, tinh thần học tập nghiêm túc hơn. Đã có hơn 405.000 đại biểu tham dự Hội nghị tại hơn 2.759 điểm cầu trực tuyến. Nhiều tỉnh, thành phố đã nối đường truyền tới cấp huyện và cấp xã. Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư yêu cầu các cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết, biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt, nhắc nhở, phê bình, xử lý theo quy định của Đảng đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả.

“Một hành động dù nhỏ của người đứng đầu như tắt điện, nước, đóng cửa… trước khi ra về cũng thể hiện sự nêu gương. Việc nêu gương cũng thể hiện ở lối sống giản dị, tiết kiệm. Không thay đổi xe, sửa sang văn phòng khi được đề bạt”. Ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nói

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.