Chiều 14/8, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 101 điều, giảm 1 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7.
Về sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, một số ý kiến đề nghị quán triệt nguyên tắc không quy định việc xây dựng công trình, công trình nhà ở; chỉ cho cải tạo, sửa chữa trên cơ sở phải giữ được nguyên trạng về mặt bằng, không gian, không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh |
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật quy định: Việc triển khai xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích và sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng nhà ở riêng lẻ đã có tại khu vực bảo vệ I và phải bảo đảm nguyên trạng về mặt bằng và không gian.
Trường hợp dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình trong khu vực di sản thế giới, vùng đệm di sản thế giới phải tuân thủ yêu cầu bảo vệ môi trường, ngăn ngừa, kiểm soát các yếu tố tác động tới di sản thế giới theo quy định của luật này và quy định của UNESCO.
Về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp (Điều 45), một số ý kiến đề nghị rà soát, quy định chặt chẽ, đặc biệt làm rõ nội hàm “chuyển nhượng”, “mua bán”, “kinh doanh” di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau.
Tiếp thu ý kiến, dự thảo quy định cụ thể theo hướng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân không được chuyển quyền sở hữu, kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho; di vật, cổ vật thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được kinh doanh, mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước; bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước.
“Trường hợp mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng thông qua đấu giá thì thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản”, ông Vinh cho hay.
Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần có chính sách cho di sản sẽ hình thành trong tương lai. Theo đó, cần giữ gìn các di sản có tiềm năng trở thành di sản văn hoá trong tương lai như: Tác phẩm điện ảnh, bộ phim nhựa sản xuất trong chiến tranh, di vật của lãnh tụ, dòng họ để giữ gìn các tiềm năng này.
“Cần nghiên cứu phát hiện, xem xét bảo vệ và phát huy giá trị. Nếu không phát hiện sớm thì sau này theo thời gian mất đi khôi phục thì rất khó”, ông Cường nói.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế |
Viện dẫn chuyện bảo tồn tại quê hương - Vịnh Hạ Long, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội băn khoăn về quy định xây dựng công trình, dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, công trình kinh tế - xã hội tại khu vực bảo vệ II.
Cụ thể là phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ đối với di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia.
Ông Thanh đề nghị cân nhắc vấn đề này, vì các công trình phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đệm, khu vực bảo vệ II phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tạo thêm thủ tục hành chính.
“Vậy có cần thiết không, vì các công trình trên nằm ở trên bờ, cách xa khu vực vịnh”, ông Thanh nêu.