Quy định mới của Bộ GD&ĐT có giải quyết tận gốc lạm thu?

Ông Bùi Hồng Quang
Ông Bùi Hồng Quang
TP - Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT, hy vọng có thể giải quyết triệt để các khoản lạm thu khi triển khai Thông tư Số 29/2012 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục, từ mầm non đến đại học.

> Xử nghiêm thu tiền cưỡng ép

Ông Bùi Hồng Quang
Ông Bùi Hồng Quang.

Có ý kiến cho rằng, Thông tư này ra đời là để hợp thức hóa các khoản lạm thu?

Không nên đặt vấn đề như vậy. Nguyên tắc xuyên suốt thông tư là tự nguyện. Tự nguyện thực sự. Chứ tự nguyện kiểu ghi danh sách sẵn rồi học sinh chỉ việc ký là không được. Lần này, thông tư quy định các cơ sở giáo dục phải công khai kế hoạch thu chi về tài chính tại cơ sở giáo dục để người học và xã hội cùng tham gia giám sát, đánh giá.

Lạm thu diễn ra từ nhiều năm. Thông tư này ra đời có muộn không?

Hàng loạt văn bản đã ra đời nhằm chấn chỉnh việc lạm thu ở các trường từ năm 2010. Gần đây nhất là bốn văn bản nhưng cũng chưa giải quyết dứt điểm vấn đề. Nay, ngoài quy định việc quản lý và sử dụng, thông tư này mang tính pháp lý cao hơn.

Chúng ta có giải quyết được triệt để lạm thu hay không phải có nhiều biện pháp tiếp theo như phổ biến, quán triệt đầy đủ. Thông tư 55 trước đó, Điều lệ Hội Cha mẹ học sinh, nhiều nơi không biết, phụ huynh không biết.

Thông tư lần này quy định trách nhiệm của phụ huynh. Phụ huynh phải họp với ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS). Họ có quyền từ chối các khoản đóng góp không hợp lý.

Thông tư cũng quy định rất rõ trách nhiệm những người đứng đầu. Làm bất cứ điều gì cũng phải có sự thống nhất giữa hiệu trưởng, chủ nhiệm và hội đồng trường.

Các cơ quan quản lý giáo dục cần tham mưu cho UBND các cấp tăng cường kiểm tra giám sát tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Bên cạnh kiểm tra, phải có chế tài quy định xử lý kỷ luật mạnh.

Năm nay, Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ ưu tiên kiểm tra các tỉnh thành phố lớn, nhất là các cơ sở giáo dục , các địa chỉ mà các cơ quan ngôn luận đã nêu. Hình thức và cách thức kiểm tra sẽ kỹ hơn, không chỉ nghe báo cáo mà kiểm tra tới từng lớp, trường; gặp gỡ phụ huynh xem sự tự nguyện đến đâu, hình thức đóng góp kiểu gì…

Nếu xử lý theo đúng thông tư lần này, có gọi được tên người chịu trách nhiệm về lạm thu?

Thông tư 55 đã quy định trách nhiệm của người đứng đầu. Chẳng hạn, với sai phạm ở bộ phận tiếp nhận, thủ trưởng cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm.

Những văn bản trước đây cũng đã chỉ rõ người đứng đầu nhưng vì sao việc lạm thu vẫn tiếp tục diễn ra?

Tôi cho rằng là việc phổ biến chưa đến nơi đến chốn; việc chỉ đạo, kiểm soát cũng chưa tới; việc xử lý chưa nghiêm minh …

Theo thông tư này, chế tài xử lý cụ thể thế nào?

Giáo viên là viên chức. Giáo viên nào vi phạm sẽ bị xử lý theo Luật Viên chức

Thông tư lần này có giải quyết triệt để được lạm thu hay không?

Hy vọng như vậy.

Thông tư 29 quy định với 4 nội dung cơ bản: Nguyên tắc tài trợ, hình thức tài trợ, quản lý sử dụng , quy định trách nhiệm của cơ sở GD và cơ quan quản lý có liên quan.

Nguyên tắc chung là tài trợ để tăng cường CSVC, hỗ trợ hoạt động dạy học; các cơ sở GD không được coi huy động tài trợ là điều kiện cung cấp dịch vụ, không được quy định mức tài trợ; các nhà tài trợ không được gắn các điều kiện ràng buộc tài trợ với việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục, không được khai thác lợi ích kinh tế; quy định trách nhiệm của các UBND các tỉnh, TP và các sở GD&ĐT, thủ trưởng các cơ sở GD&ĐT.

Đặc biệt các cơ sở giáo dục phải công khai kế hoạch thu chi về tài chính để người học và xã hội tham gia giám sát, đánh giá.

Tuy nhiên, thông tư này đã đặt ra nhiều câu hỏi: Các khoản thu ở trường có nên được gọi là “tài trợ”, liệu thông tư này có chấm dứt được hiện tượng lạm thu diễn ra đã nhiều năm nhưng chưa chấm dứt được mặc dù ngành GD&ĐT đã tốn khá nhiều văn bản…

Hồ Thu ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG