Quy chế tuyển sinh mới từ 2025: Xét tuyển vào lớp 6

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ GD&ĐT vừa công bố quy chế tuyển sinh THCS, THPT. So với quy định cũ, quy chế mới có nhiều điểm thay đổi đáng chú ý.

Xét tuyển lớp 6 cần khách quan, công bằng

Đối với tuyển sinh THCS, ngoài đối tượng học sinh tiểu học, thông tư bổ sung đối tượng tuyển sinh là học viên hoàn thành chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2, trong độ tuổi vào học lớp 6 theo quy định tại Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Tuyển sinh THCS được thực hiện theo phương thức xét tuyển.

Tiêu chí xét tuyển do sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Quy chế tuyển sinh mới từ 2025: Xét tuyển vào lớp 6 ảnh 1

Thí sinh thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) năm học 2024-2025. Ảnh: NGHIÊM HUÊ

Đối với trường THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp THCS thuộc đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, tiêu chí xét tuyển do đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí hướng dẫn hoặc thực hiện theo hướng dẫn của sở GD&ĐT nơi trường đặt trụ sở.

Ông Đỗ Đức Quế, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT khẳng định, quy định xét tuyển đối với tuyển sinh lớp 6 đồng nghĩa với việc chấm dứt tình trạng các trường chất lượng cao, ngoài công lập tổ chức thi tuyển sinh hằng năm dù bất kì hình thức nào (thi các môn văn hóa, thi đánh giá năng lực,…). Việc xét tuyển như thế nào là quyền tự chủ của Sở GD&ĐT, các ĐH, trường ĐH… quản lí trực tiếp.

Thời gian qua, tại Hà Nội, một số trường tổ chức các bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6 như THCS Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), Trường THCS Lương Thế Vinh, Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy),…

Bà Nguyễn Huyền Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ cho biết đang trao đổi và xin ý kiến lãnh đạo Trường ĐH Ngoại ngữ (cơ quan chủ quản) thực hiện theo hướng dẫn của quy chế mới.

Ông Đỗ Đức Quế, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT khẳng định, quy định xét tuyển đối với tuyển sinh lớp 6 sẽ chấm dứt tình trạng các trường chất lượng cao, ngoài công lập tổ chức thi tuyển sinh hằng năm dù bất kì hình thức nào (thi các môn văn hóa, thi đánh giá năng lực…).

3 phương thức tuyển sinh lớp 10

Đối với tuyển sinh bậc THPT, quy chế của Bộ GD&ĐT quy định có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10, gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Đối với phương thức thi tuyển vào lớp 10 THPT, để đảm bảo thống nhất và đảm bảo quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, thông tư quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi hoặc bài thi thứ ba do sở GD&ĐT lựa chọn.

Đáng chú ý, quy chế quy định: “Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp”.

Môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học được công bố sau khi kết thúc học kỳ I nhưng không muộn hơn ngày 31/3 hằng năm.

TS. Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) băn khoăn, Bộ GD&ĐT quy định thí sinh phải thi 3 môn bắt buộc của sở GD&ĐT quy định hằng năm (đối với địa phương tổ chức thi tuyển) và 1 môn thi chuyên.

Nhưng hiện nay, ngoài hệ thống trường THPT trực thuộc sở GD&ĐT còn có các trường THPT chuyên trực thuộc ĐH, trường ĐH hoặc viện nghiên cứu ví dụ như Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM)… Vậy, 3 môn thi bắt buộc như Bộ quy định, các trường có được phép tự xác định hay không?

Đối tượng xét tuyển của các học sinh dự thi vào những trường chuyên đặc thù này đến từ nhiều địa phương, mỗi địa phương có một phương thức hoặc môn thi thứ 3 khác nhau nên không thể lấy kết quả thi từ địa phương. Ông Nguyễn Phú Chiến nêu thực tế tại Trường THPT chuyên Ngoại ngữ đang tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 các môn Toán và Khoa học tự nhiên, Văn và Khoa học Xã hội, Ngoại ngữ (môn chuyên).

Ba môn thi vẫn đảm bảo theo quy chế mới của Bộ GD&ĐT nhưng khác ở chỗ không tách riêng thành Toán, Văn, Tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học Xã hội (môn thi thứ 3) và môn chuyên là ngoại ngữ. Thời gian qua, thí sinh thi tuyển vào trường chỉ cần thi trong thời gian 1 buổi. Nhưng nếu thực hiện theo quy chế mới của Bộ GD&ĐT, thí sinh phải thi 2 buổi.

Trao đổi về băn khoăn này, ông Đỗ Đức Quế, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT khẳng định, các trường THPT chuyên trực thuộc ĐH, trường ĐH, Bộ GD&ĐT được quyền thực hiện tự chủ theo quy chế trường chuyên. Tức là các ĐH, trường ĐH giống như một sở GD&ĐT, ngoài 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) thì được quyền quyết định môn thi thứ 3 và các môn chuyên.

MỚI - NÓNG
Trao 300 suất quà Tết đến đồng bào khó khăn ở Quảng Trị
Trao 300 suất quà Tết đến đồng bào khó khăn ở Quảng Trị
TPO - Ngày 9/1, nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025, Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) phối hợp với Báo Tiền Phong, Tỉnh Đoàn Quảng Trị tổ chức tặng 300 suất quà, mỗi suất quà 600.000 đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại TP. Đông Hà, huyện Gio Linh và huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.