Quốc vương Malaysia thoái vị sau khi cưới hoa hậu Nga

Quốc vương Malaysia Muhammad V thoái vị hôm 5/1. (Ảnh: CNN)
Quốc vương Malaysia Muhammad V thoái vị hôm 5/1. (Ảnh: CNN)
TPO - Một ngày sau khi có tin Quốc vương Malaysia Muhammad V thoái vị, câu chuyện trở thành chủ đề nóng khi người dân Malaysia thể hiện rất nhiều quan điểm trên các diễn đàn và mạng xã hội.

Đó là những cảm giác buồn, thờ ơ hoặc hoài nghi. Và đối với một số người, diễn biến lớn này trong Hoàng gia đặt ra rất nhiều câu hỏi.

TS Ooi Kee Beng, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Penang, một cơ quan tư vấn chính sách của chính phủ, nói rằng việc thoái vị là “sự kiện bước ngoặt kỳ lạ”, nhưng không hoàn toàn bất ngờ.

Tháng 11 năm ngoái, vị Quốc vương 49 tuổi nghỉ 2 tháng để dưỡng bệnh. Nhưng sau đó có tin rằng ông đã cưới một hoa hậu 25 tuổi người Nga sau khi cô này cải sang đạo Hồi.

Đám cưới của Quốc vương với Hoa hậu Mátxcơva 2015 Oksana Voevodina vấp phải nhiều hoài nghi trên mạng xã hội, và một số người không đồng ý chuyện người đẹp này trở thành Hoàng hậu của Malaysia, nước vẫn duy trì thể chế quân chủ lập hiến.

Theo báo The Malaysian Insight, những bức ảnh và phim hồi cô Voevodina còn làm người mẫu đã được lan truyền trên mạng, khiến nhiều người Malaysia “nhíu mày”, đặc biệt ở bang quê nhà Kelantan của Quốc vương. Bang này đang do Parti Islam Se-Malaysia, một đảng Hồi giáo bảo thủ, quản lý.

Giữa hàng loạt tin đồn, Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia hôm 6/1 đưa ra cảnh báo rằng những bình luận tiêu cực trên mạng đã “lợi dụng vấn đề”.

Một số cư dân mạng kêu gọi người Malaysia tôn trọng đời tư của Quốc vương, còn một số khác khen ngợi sự hài hước của ông. Trong bài phát biểu mở đầu trước Quốc hội Malaysia, Quốc vương đã đùa rằng các nghị sĩ mới được bầu hãy ngồi xuống chứ đừng có chạy (một số chính trị gia đã có một cuộc đi bộ 1 ngày trước đó).

Cư dân mạng Jason Soo nói trên Facebook rằng ông ấy “là vị vua duy nhất trong lịch sử bảo chúng ta ngồi xuống chứ đừng chạy”.

Than thở về sự thiếu minh bạch, một cư dân mạng khác là Jay Renaud nói rằng sự kiện  này gợi nhớ “Malaysia thời cũ”, và rằng lý do thoái vị thực sự sẽ không bao giờ được tiết lộ.

Hôm 6/1, báo The Malaysian Insight, dẫn lời các cận thần trong 9 cung điện khác trên khắp đất nước cho biết 5 trong số 9 tiểu vương đã nhất trí sau các cuộc bàn bạc không chính thức rằng Quốc vương nên thoái vị. Điều này được cho là vì cuộc hôn nhân, sự kiện bị coi là “sợi rơm cuối cùng khiến con lạc đà quá tải sụp xuống”.

Tin tức về việc mất sự ủng hộ của đa số tiểu vương được thông báo cho Quốc vương vào tối thứ Bảy tuần trước, tại một bữa tiệc tối trong khách sạn Shangri-La ở Kuala Lumpur, tờ báo cho biết.

Sau 2 năm và 24 ngày đảm trách nhiệm kỳ 5 năm, Quốc vương Muhammad V thoái vị hôm 5/1, và Phó Vương Nazrin Muizzuddin Shah tạm ngồi vào vị trí này.

Quốc vương và Phó vương mới sẽ được bầu vào ngày 24/1 và sẽ tuyên thệ vào ngày 31/1.

9 tiểu vương của các bang thuộc Malaysia sẽ bầu ra Quốc vương mới với nhiệm kỳ 5 năm. Theo cơ chế luân phiên hiện nay, mỗi tiểu vương đều có cơ hội trở thành Quốc vương Malaysia.

GS Ahmad Fauzi Abdul Hamid, ở ĐH Universiti Sains Malaysia, cho biết cơ chế bầu quốc vương này là sự bảo đảm quan trọng cho tính ổn định của hệ thống quân chủ lập hiến.

“Sự kiện này cho thấy hệ thống quân chủ lập hiến vẫn hoạt động trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù quốc vương qua đời hay thoái vị”, GS Fauzi nói.

Chính phủ Malaysia không có tiếng nói nào trong toàn bộ quy trình này.

Quốc vương Malaysia có quyền lực hạn chế theo quy định của hiến pháp, nhưng có quyền bổ nhiệm thủ tướng và từ chối yêu cầu giải tán quốc hội.

Quốc vương Malaysia chính thức là người bảo vệ đạo Hồi, người trong coi di sản của người Malay và cũng là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Malaysia.

TS Ooi nhấn mạnh rằng nếu Tiểu vương Johor được bầu làm Quốc vương tiếp theo thì sẽ rất khó khăn cho đất nước, vì lịch sử quan hệ giữa gia đình hoàng gia Johor với Thủ tướng Mahathir Mohamad không tốt đẹp. Nhưng Thủ tướng Mahathir sẽ không thể tác động đến quy trình bầu chọn Quốc vương.

Theo theo Today Online
MỚI - NÓNG