Quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống đuối nước trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
Những nỗ lực cũng như cam kết của Việt Nam trong thực hiện các chương trình, dự án phòng chống đuối nước trẻ em đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Đuối nước ở trẻ em Việt Nam giảm mạnh sau 10 năm

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong tai nạn thương tích, đuối nước là một nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam. Trong 10 năm qua, tỷ lệ đuối nước ở trẻ em Việt Nam đã giảm đáng kể. Năm 2010, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của khoảng 3.300 trẻ, năm 2020, có hơn 2.085 trẻ tử vong do đuối nước, số lượng giảm mạnh. Tuy nhiên, về tỷ lệ tử vong cho trẻ em, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu, chiếm tới 7,7%.

Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ ngành, đoàn thể triển khai Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chương trình đã tạo ra sự chuyển biến tích cực của các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan trong công tác chỉ đạo, triển khai phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Khung pháp lý thực hiện công phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em được hoàn thiện, các quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn được xây dựng.

Cả nước đã xây dựng hơn 6 triệu ngôi nhà đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn, 26.000 trường học đạt tiêu chí Trường học an toàn, 6.000 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Cộng đồng an toàn. Số trẻ em bị tai nạn thương tích, tử vong do tai nạn thương tích đã giảm so với giai đoạn trước. Đặc biệt, số trẻ em bị tử vong do đuối nước giảm trung bình 100 trẻ mỗi năm.

Từ tháng 6/2018, Việt Nam đã triển khai chương trình dạy bơi an toàn cho trẻ em từ 6-15 tuổi, 90% trẻ em mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; hơn 50% trẻ em tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; có 709 lớp dạy bơi được tổ chức với 14.635 trẻ từ 6-15 đã được dạy bơi an toàn; hỗ trợ lắp đặt 14 bể bơi cho 12 địa phương; nâng tiêu chí đạt kết quả khóa học là trẻ bơi được 25m và nổi 90 giây; giáo dục kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6-15 tuổi.

Đặc biệt, các đơn vị liên quan đã tổ chức dạy kỹ năng giám sát an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em dưới 5 tuổi. Hỗ trợ nâng cao năng lực và phát triển mạng lưới liên ngành, đến nay mạng lưới đã có 15 thành viên gồm các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức quốc tế.

Quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống đuối nước trẻ em ảnh 1

Từ tháng 6/2018, Việt Nam đã triển khai chương trình dạy bơi an toàn cho trẻ em từ 6-15 tuổi.

Năm 2022, mục tiêu đặt ra là phải triển khai các chương trình can thiệp hiệu quả và bền vững, góp phần giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em. Hỗ trợ xây dựng và triển khai chương trình phòng, chống tai nạn thương tích nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng trên phạm vi quốc gia. Ngày 25/7 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng 9 bộ ngày tổ chức ký kết Kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030.

Mô hình điểm về phòng chống đuối nước trẻ em

Trước những nỗ lực cũng như cam kết của Việt Nam trong thực hiện các chương trình, dự án nhằm giảm tử vong do đuối nước trẻ em, dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và tạo một môi trường an toàn cho trẻ em, các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Chia sẻ tại Hội thảo về triển khai chương trình phòng chống đuối nước trẻ em 2022 vừa qua, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá cao và ghi nhận những kết quả trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em của Việt Nam giai đoạn vừa qua. Việt Nam đang thực hiện can thiệp để giảm đuối nước trẻ em; tổ chức tốt mạng lưới phòng, chống đuối nước trẻ em; xây dựng bộ tài liệu chuẩn hóa về phòng, chống đuối nước trẻ em. Đặc biệt là triển khai và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong công tác này.

“Hy vọng thời gian tới, số trẻ em được học bơi sẽ tăng gấp đôi so với mục tiêu. WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ và phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam để cải thiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, với trọng tâm là phòng, chống đuối nước trẻ em. Hy vọng, Việt Nam sẽ triển khai thành công để các nước khác có thể học tập”, đại diện WHO tại Việt Nam nói.

MỚI - NÓNG