Truyền thuyết kể rằng Âu Cơ vốn là một nàng tiên chuyên về trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải cho trời. Nhân tiết đầu xuân du ngoạn, nàng lẫn vào mây xanh nhìn xuống hạ giới thấy bãi mía, nương dâu ngút ngàn. Hỏi ra mới biết là động Lăng Xương bên bờ sông Đà, cảnh vật dưới trần còn đẹp hơn tiên cảnh. Nàng bèn rời tiên cung bay xuống thưởng ngoạn.
Bất ngờ bên bờ sông, hiện ra một chàng trai tuấn tú, tướng mạo khác thường… Hai người chào hỏi nhau rồi chuyện trò vui vẻ xem ra rất tâm đầu ý hợp. Họ đi dạo bên bờ sông xanh, giữa nương dâu ngút mắt, từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, quên cả ăn cả uống… Người con trai có tướng mạo phi thường đó chính là Lạc Long Quân vua của nước Văn Lang. Nhà vua đi tuần thú khai Xuân trông thấy tiên sa, mới dừng lại chờ đợi… Khi đầu mày cuối mắt đều ưa, Long Quân mới ngỏ lời cầu hôn nàng Âu Cơ. Nàng nói: “Chàng là giống Rồng, thiếp là nòi Tiên, thủy hỏa tương khắc, lấy nhau thế nào được”.
Long Quân liền nói: “Ta biết, thủy hỏa tương khắc đấy, nhưng âm dương vẫn hòa hợp. Tuy không được ở với nhau lâu dài nhưng duyên trời một khắc ấy là trăm năm…”. “Nếu sau một thời gian ngắn sống với chàng thiếp lại về trời… thế là được” - Âu Cơ ưng thuận.
Long Quân đưa nàng Âu Cơ về núi Nghĩa Lĩnh. Đúng ba năm, ba tháng mười ngày vào giờ Ngọ ngày 25 tháng Chạp Mậu Tý, mây lành bao phủ, tướng lạ hiện tiền, hào quang sáng chói khắp phòng, hương thơm ngào ngạt cả vùng, Âu Cơ trở dạ sinh ra 100 quả trứng ngọc…
“Đúng giờ Ngọ, 15 tháng Chạp Ất Sửu, bào thai nở thành 100 trứng nở thành 100 con trai, lúc ấy hào quang rực rỡ, hương thơm sực nức đầy nhà. Trong có một tháng không cần bú mà đã lớn khôn, tướng mạo khác thường, tinh thần lẫm liệt, cái thế anh hùng, cao to 3 thước, 7 tấc…". (Trích Ngọc ngả Đền Hùng).
Lại theo truyền thuyết, khi các con đã khôn lớn, Long Quân bảo: Bây giờ là lúc Tiên Rồng chúng ta phải chia tay, ta về miền biển còn nàng lên núi, mỗi người đem theo một nửa số con, phong cho Lân Lang là con cả ở lại làm vua.
Âu Cơ dẫn 50 con ngược sông Thao đến Trang Hiền Lương, thấy một vùng đất sơn thủy hữu tình, chẳng khác gì tiên cảnh. Âu Cơ dừng lại, chọn Trang Hiền Lương làm nơi lập ấp sinh sống, và sai các con đi tiếp khai khẩn các vùng đất xa xôi…
Mẫu Âu Cơ dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, bắc cầu qua khe suối, đào giếng Loan, giếng Phượng lấy nước sạch ăn uống. Khi vùng đất Hiền Lương trở nên trù phú, các con đi khai khẩn những vùng đất mới, vượt qua mọi núi non hiểm trở để tạo dựng cơ nghiệp cho muôn đời, mẫu Âu Cơ mới quyết định bay về trời. Vào lúc nửa đêm ngày 25 tháng Chạp, mưa to gió lớn mù mịt đất trời, Mẫu Âu Cơ đằng vân. Vì không muốn các con biết mình rời hạ giới, Mẫu vội vàng đến nỗi đánh rơi dải yếm, vướng vào ngọn đa cổ thụ cạnh giếng Loan, giếng Phượng.
Sáng hôm sau trời quang, mây tạnh, dân Trang Hiền Lương không thấy Mẫu, mọi người lo lắng bổ đi tìm. Gần trưa có người nhìn lên ngọn đa thấy có dải yếm đào vắt ngang mới biết Mẫu đã về trời. Dân lập đền thờ Mẫu ngay dưới tán đa, định lễ cầu cúng một năm hai lần vào ngày Tiên Giáng mồng 7 tháng Giêng và ngày Tiên thăng 25 tháng Chạp…
Nhớ lần đến khu đền Mẫu Âu Cơ, tôi cùng thạc sĩ Đặng Đình Vượng và chị Đào Thị Nhạn, những người bỏ nhiều công sức cho khu di tích. Phía trước mặt chúng tôi là núi Giác giống như một chiếc án thư khổng lồ, kỳ vĩ, sau lưng là vòng cung sông Thao tựa thân rồng uốn lượn… Khu đền nằm trên một vạt đồi bằng phẳng, rộng gần 3 héc ta ở giữa xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Hiền Lương ở vị trí tận cùng Tây Bắc, tỉnh Phú Thọ, giáp tỉnh Yên Bái, cách thành phố Việt Trì 80 cây số. Từ Thủ đô Hà Nội lên khu đền Mẫu có thể đi đường bộ, đường thủy hoặc đường sắt. Đường bộ đi từ Việt Trì qua cầu Phong Châu sang hữu ngạn sông Thao rồi ngược đường 32C. Đường thủy, xuất phát từ ngã ba Bạch Hạc ngược sông Thao đến bến Hiền Lương. Đường sắt, từ ngã ba Việt Trì xuống ga Đan Thượng hoặc từ thành phố Yên Bái xuôi 20 km sẽ tới.
Đền Mẫu Âu Cơ ẩn dưới tán đa cổ thụ. Cây đa hiện nay do rễ phụ của cây đã cũ tạo nên nhiều gốc trên một diện tích khá rộng. Nhân dân ở đây vẫn cho rằng cây đa có từ thời Mẫu Âu Cơ bốn nghìn năm trước. Bất giác, tôi nhìn lên ngọn đa nơi có yếm đào của Mẫu Âu Cơ trước khi bay về trời còn để lại.
Chúng tôi vào dâng hương…
Đền Quốc Mẫu Âu Cơ xưa kia chỉ thờ một mình Mẫu. Có pho tượng Mẫu bằng gỗ quý cao 93 cm ngồi trên long ngai, hai tay tì lên đầu gối, mặc áo đại trào, đầu đội mũ miện, chân đi hài cong.
Theo sử sách, đời vua Lê Thánh Tông, năm thứ 6 niên hiệu Quang Thuận (Tây lịch 1465) sai quan lễ bộ tri bảng thần Nguyễn Hiền sao lại bản sự tích Mẫu Âu Cơ để truyền lại. Bản sự tích nói rằng hoàng đế thời đó sai giám quan quốc sư viết sắc phong thần và đến trang ấp Trang Hiền Lương trao cho phụ lão 30 quan tiền để lập miếu thờ, hương hỏa đời đời.
Lễ hội Quốc Mẫu Âu Cơ một năm diễn ra hai lần. Ngày 7 tháng Giêng là lễ cầu chính, mở hội lớn ba ngày, chuẩn bị trước cả tháng. Dân làng họp để bầu chọn xóm đăng cai (xóm Chợ, xóm gò, xóm Lón). Nếu xóm nào quanh năm hòa thuận, không xảy ra trộm cắp hoặc con cái chửa hoang thì được đăng cai. Xóm lại chọn gia đình nào con hiền thảo, gia đình hòa thuận ấm êm, mới được đăng cai.
Có một điều thật thú vị, phần lễ tế ở đây đều do nữ đảm nhận. Từ năm 1941 đến nay đội tế gồm 11 cô gái xinh xắn, chưa chồng được phân ra làm các chức việc: Một cô làm chủ tế mặc áo dài đỏ, quần trắng, đi hài, đầu vấn khăn đỏ, quấn đai kim tuyến ở bên ngoài. Hai cô làm bồi tế khăn và áo dài phớt hồng, quần trắng, đi hài. Hai cô làm Đông Tây xướng, một cô làm thông tán đọc chúc văn…
Chúng tôi đi thăm giếng Loan, giếng Phượng, nhà Tả mạc, Hữu mạc, ao sen… quần thể di tích hài hòa, tụ lại nơi đây khí thiêng sông núi. Một khu đất rộng để quan khách đến trồng cây. Mỗi cây gỗ quý được ghi tên một người trồng. Tôi cũng trồng một cây Trắc Bách Diệp. Nhìn những giọt sương mai còn đọng lại trên tán lá tôi lại nhớ tới câu chuyện mà thạc sĩ Đặng Đình Vượng kể.
Đặng Đình Vượng quê ở đây, từng làm Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa. Anh kể rằng vào những năm 60 của thế kỷ trước, một sáng mùa xuân, khói sương còn bảng lảng chưa rõ mặt người, có một cụ bà đi chợ sớm nhìn thấy phía trước có bóng ai to cao lừng lững. Cụ chào, không thấy thưa, hỏi, không nói. Rảo bước đến gần mới nhận ra.
Thuở ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được học: Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, sinh một bọc trứng, nở ra trăm người con, năm mươi người theo cha xuống biển, năm mươi người theo mẹ lên rừng. Chỉ có thế! Mấy chục năm qua, bôn ba khắp đất nước, đi cũng nhiều nơi trên thế giới mà bây giờ khi tóc đã pha sương mới đến thắp hương ở Quốc mẫu u Cơ. Dù nơi linh thiêng này chỉ cách Hà Nội chưa đến 200 km.
Đến đây, tôi mới hiểu được rất nhiều điều. Con người sống ở đâu cũng vậy, phải biết đâu là nguồn cội, đâu là tổ tông. Như cây có cội, như sông có nguồn. Không hiểu được tường tận nguồn cội thì sao có đủ nhân cách để làm người. Thì làm sao có thủy, có chung, có sau có trước. Biết bao bài học quý giá trong nhân dân, trong những câu chuyện kể, trong những truyền thuyết hào hùng mà chúng ta nhiều khi vì miếng cơm manh áo trước mắt, đã bỏ qua.
Khi ngồi viết bài này, tôi đã nhiều lần tự hỏi, những câu hỏi bắt đầu từ sử sách. Sử sách ghi Âu Cơ con của Đế Lai, nhưng truyền thuyết lại kể Âu Cơ là nàng tiên giáng trần. Âu Cơ là nàng tiên, khi dựng xong cơ nghiệp ắt nàng tiên phải đằng vân, để lại ánh hào quang muôn thuở. Cũng như Thánh Gióng, đánh xong giặc không đòi hưởng vinh hoa phú quý đã vội cởi áo giáp bay về trời. Bao truyền thuyết đẹp đẽ ấy nhắc nhở chúng ta điều gì?
Câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ theo truyền thuyết là câu chuyện tình đẹp đẽ tưởng như hiển hiện từ nghìn đời nay. Câu chuyện không những cho chúng ta hiểu thêm về nguồn gốc tổ tiên với dòng giống Tiên Rồng, hiểu thêm về Quốc mẫu, về cội nguồn của mọi cội nguồn để người dân nước Việt dù ở đâu cũng là anh em, cũng bắt đầu từ một bọc trứng, từ một người mẹ vĩ đại - Âu Cơ. Câu chuyện còn nói về sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên - bà mẹ thiên nhiên vĩ đại - mà chúng ta luôn tôn thờ, gìn giữ.