Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm trước khi chất vấn

Văn phòng Quốc hội họp báo trước kỳ họp. Ảnh: như ý
Văn phòng Quốc hội họp báo trước kỳ họp. Ảnh: như ý
TP - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày để xem xét về công tác nhân sự. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Lấy phiếu tín nhiệm trước khi chất vấn

Chiều 18/10, Tổng thư ký Quốc hội chủ trì cuộc họp báo trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV. Nội dung được nhiều cơ quan báo chí quan tâm, đặt câu hỏi trong cuộc họp này là những vấn đề xung quanh việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân cũng như Nghị quyết số 85/2014/QH13, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, với tổng cộng 48 người (trừ Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới được Quốc hội bầu). Theo ông Phúc, hoạt động này sẽ được tiến hành trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm.

“Chúng tôi tham mưu chương trình việc lấy phiếu tín nhiệm tiến hành trước khi chất vấn. Vì chất vấn chỉ tiến hành với một số thành viên Chính phủ có liên quan nội dung trong nghị quyết chuyên đề giám sát, chất vấn. Còn các thành viên khác không có nội dung chất vấn. Trong khi đó, chất vấn có thể có những nội dung tốt hoặc chưa tốt, mà việc này dễ ảnh hưởng đến lấy phiếu tín nhiệm. Nếu tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trước khi chất vấn thì “tất cả đều như nhau”, như thế sẽ công bằng”, ông Phúc lý giải.

Tổng thư ký Quốc hội nói thêm, việc đánh giá tín nhiệm của đại biểu không phải chỉ dựa vào phiên chất vấn mà các ĐBQH sẽ căn cứ vào cả quá trình công tác và mức độ hoàn thành nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Bên cạnh đó còn căn cứ vào văn bản, báo cáo tự đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ của những người thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm. Chính vì vậy, Văn phòng Quốc hội đã gửi sớm toàn bộ hồ sơ của những người trong diện được lấy phiếu trước 30 ngày để đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có thời gian nghiên cứu.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho hay, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong thời gian kỳ họp Quốc hội diễn ra, các ĐBQH cần thực hiện nghiêm việc nêu gương, tránh gặp gỡ, giao lưu liên hoan tiệc tùng. “Việc này rất phản cảm nên phải làm nghiêm. Từ nay các cuộc họp không liên hoan gì cả. Nhất là vào dịp lấy phiếu tín nhiệm như thế này càng không nên”, ông Phúc nhấn mạnh.

Làm nhân sự ngay đầu kỳ họp

Tại buổi họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 24 ngày, khai mạc vào 22/10 và bế mạc ngày 21/11. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 9,5 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Đặc biệt trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày để xem xét về công tác nhân sự. Cụ thể, ngay trong ngày đầu của kỳ họp, Quốc hội nghe tờ trình giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Sau khi thảo luận, bỏ phiếu, công bố kết quả, Chủ tịch nước sẽ thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức.

“Đây là lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước”, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh. Về khả năng Chủ tịch nước chủ trì họp báo sau khi nhậm chức, ông Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, tới nay, có 2 lần các Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo sau khi được bầu để thông tin về chương trình hành động của mình.

“Văn phòng Quốc hội sẽ trao đổi về việc này, còn có tổ chức họp báo hay không là quyền của Chủ tịch nước”, cũng theo ông Phúc, trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn và bỏ phiếu phê chuẩn bổ nhiệm bộ trưởng mới.

* Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt vấn đề về việc thành viên thuộc văn phòng đoàn ĐBQH bị nhắn tin đe dọa, tống tiền, cụ thể là trường hợp của Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, Văn phòng Quốc hội đã nhận được báo cáo nội dung đúng như báo chí phản ánh. “Tôi đã có văn bản gửi Bộ Công an xác minh thông tin này”, Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định và cho biết thêm, một số người khác cũng nhận được tin nhắn tương tự từ lâu chứ không phải bây giờ mới có, trong đó có người đã nghỉ hưu.

* Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong thời gian kỳ họp Quốc hội diễn ra, các ĐBQH cần thực hiện nghiêm việc nêu gương, tránh gặp gỡ, giao lưu liên hoan tiệc tùng. “Việc này rất phản cảm nên phải làm nghiêm. Từ nay các cuộc họp không liên hoan gì cả. Nhất là vào dịp lấy phiếu tín nhiệm như thế này càng không nên”, ông Phúc nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.