Quốc hội nói tiếng Dân

0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu bầu các chức danh chủ chốt tại phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa XV Ảnh: NHƯ Ý
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu bầu các chức danh chủ chốt tại phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa XV Ảnh: NHƯ Ý
TP - “Từ những quyết sách được đưa ra cho thấy Quốc hội đã thực sự lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân về sự vận dụng tối đa tính linh hoạt, tinh thần trách nhiệm cao”, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ với Tiền Phong.

Khởi đầu cho thành công khóa mới

Quốc hội là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân. Hơn 75 năm qua, đặc biệt trong kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của người dân được thể hiện qua những quyết sách gì, thưa ông?

Trải qua lịch sử hơn 75 năm hình thành và phát triển, những quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc cũng như yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, tạo những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị ở nước ta.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, một kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng, là tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân được thể hiện qua nhiều quyết sách, nhất là về phòng chống đại dịch COVID-19. Với phương châm “nhanh nhất, ngắn nhất và đảm bảo chất lượng nhất” và “làm hết việc chứ không làm hết giờ”, Quốc hội quyết định rút ngắn thời gian họp từ 12 ngày xuống còn 9 ngày. Bằng sự đồng thuận và tập trung trí tuệ, Quốc hội đã ban hành 29 Nghị quyết. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội quyết định trao quyền chủ động, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Từ những quyết sách được đưa ra, cho thấy Quốc hội đã thực sự lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước về sự vận dụng tối đa tính linh hoạt, tinh thần trách nhiệm cao. Đồng thời khai thác triệt để kinh nghiệm, trí tuệ của tập thể lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội, nhất là người đứng đầu - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và trách nhiệm của mỗi vị đại biểu Quốc hội. Từ đó, nhân lên sức mạnh tổng hợp, góp phần tạo dấu ấn tốt đẹp khởi đầu cho sự thành công của Quốc hội khoá XV, một nhiệm kỳ hứa hẹn tiếp tục đổi mới, phát triển.

Vì sao kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa mới lại được coi là “kỳ họp đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt”, thưa ông?

Đây là một kỳ họp đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, vì kỳ họp diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, bùng phát mạnh tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam, có nguy cơ lan rộng. Các cơ quan chức năng, lực lượng tuyến đầu và cả hệ thống chính trị đang căng mình phòng, chống dịch để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng, đời sống Nhân dân. Song, với sự quyết tâm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự đề ra trong một thời gian ngắn nhất nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu chất lượng.

Cũng tại kỳ họp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu rất quan trọng, đó là những định hướng lớn của Đảng ta cho Quốc hội hoạt động, đổi mới và thực hiện thật tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ khoá XV. Thành công của kỳ họp đã thể hiện sự chủ động, đổi mới, linh hoạt trong cách thức tổ chức công việc, phương pháp làm việc, tiến hành quy trình, thủ tục kỳ họp và sự nỗ lực, tập trung, đồng hành, phối hợp chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội, Chính phủ.

Giải quyết những bất cập từ thực tiễn

Để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri, giải quyết những bất cập cuộc sống đặt ra, theo ông, những dự án như Luật Biểu tình, Luật Đất đai, Luật về Hội sẽ được xử lý ra sao trong nhiệm kỳ này?

Chúng ta đều biết, Quốc hội có 3 chức năng chính là lập hiến, lập pháp; giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, chức năng lập pháp của Quốc hội luôn có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Thời gian qua, hoạt động lập pháp của Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân.

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), do đây là dự án lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động sâu rộng đến nhiều mặt kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, nên cần có thời gian chuẩn bị, xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, thận trọng. Tại kỳ họp vừa qua, Ủy ban Thường vụ đã đề nghị Quốc hội không ban hành ngay Nghị quyết về đất đai và cho giữ nguyên dự án luật trong Chương trình để xin ý kiến tại hai kỳ họp. Nếu dự án luật bảo đảm chất lượng tốt, đạt sự đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Với dự án Luật Biểu tình và Luật về Hội, đã được cho ý kiến tại khóa XIV, sau đó bị đưa ra khỏi chương trình vì chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Các dự án luật này có nội dung mới, phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân; trong quá trình soạn thảo, xem xét vẫn còn nhiều ý kiến rất khác nhau. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu thấu đáo, chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính khả thi. Khi nào đủ điều kiện, chất lượng và không còn hoặc còn rất ít ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ sẽ báo cáo Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm.

Đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn khi Luật Trưng cầu ý dân, dù đã được thông qua nhiều năm, nhưng chưa được áp dụng trong thực tiễn, thưa ông?

Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016. Trong đó quy định: Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đề nghị trưng cầu ý dân là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định đề xuất để Quốc hội xem xét, quyết định. Luật cũng quy định, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân: vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước…

Quốc hội nói tiếng Dân ảnh 1

“Theo dự báo của nhiều tổ chức thế giới, các nhà chuyên môn, nhà khoa học thì dịch bệnh COVID-19 khó có khả năng kiểm soát được sớm. Vì vậy, chúng ta cũng cần nhận thức rằng, trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội sẽ phải hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Do đó, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội rất nặng nề, nhiều khó khăn, thử thách. Song chúng ta cần xác định đây cũng là cơ hội “biến nguy thành cơ”, “biến không thể thành có thể”, “biến bất lợi thành có lợi””.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

Căn cứ quy định nêu trên, thời gian qua, các cơ quan chức năng nhận thấy chưa đến mức phải tổ chức trưng cầu dân ý đối với các dự án luật. Tuy nhiên, sự tham gia của người dân vào nội dung dự án luật cũng vẫn được tổ chức, triển khai thực hiện trong quá trình soạn thảo. Tùy từng trường hợp cụ thể, cần thiết thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định, giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân theo quy định, ví dụ như Bộ luật Hình sự, hay Bộ luật Dân sự…

Trân trọng cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.