Quốc hiệu Việt Nam có từ khi nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tên gọi Việt Nam đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử nhưng chưa phải là quốc hiệu chính thức. Phải đến năm 1804, Việt Nam mới chính thức trở thành quốc hiệu nước ta gắn liền với một lãnh thổ và lãnh hải rộng lớn, toàn vẹn tương tự như ngày nay, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 23/4 tại TP. Huế diễn ra Hội thảo khoa học “220 năm quốc hiệu Việt Nam - những chặng đường lịch sử (1804-2024)”, do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh TT-Huế tổ chức.

Quốc hiệu Việt Nam có từ khi nào? ảnh 1

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: V.T.H

PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, dự và chủ trì hội thảo. Tham dự còn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy TT-Huế Phan Ngọc Thọ, cùng các học giả, nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử.

Theo các nghiên cứu khoa học, trong lịch sử nước ta, tên gọi Việt Nam đã xuất hiện từ lâu, nhưng chưa phải là quốc hiệu chính thức. Phải đến năm Giáp Tý, ngày Đinh Sửu 17/2 (tức 28/3/1804), khi vua Gia Long làm lễ Khánh an kính cáo ở Thái miếu bên trong Hoàng thành Huế, chính thức đặt tên nước là Việt Nam.

Quốc hiệu Việt Nam có từ khi nào? ảnh 2

PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chủ trì hội thảo. Ảnh: V.T.H

Trong lời chiếu, nhà vua khẳng định, đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống, cải chính quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa.

Dưới triều Nguyễn, quốc hiệu Việt Nam được duy trì gần 4 thập kỷ qua 2 đời vua Gia Long và Minh Mạng. Đến năm 1838, hoàng đế Minh Mạng đổi quốc hiệu là "Đại Việt Nam Quốc", thường gọi là Đại Nam (hoặc Đại Việt Nam) với lòng tự hào về một quốc gia văn hiến và hùng cường trong khu vực. Như vậy, chữ "Việt" không hề mất đi.

Quốc hiệu Việt Nam có từ khi nào? ảnh 3

TS. Phan Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh TT-Huế, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: V.T.H

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, triều Nguyễn kết thúc. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập đã tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tại hội thảo, các tham luận tập trung vào nghiên cứu quốc hiệu Việt Nam qua các tư liệu lịch sử, cũng như sự phát triển của đất nước qua các thời kỳ.

Theo TS. Phan Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh TT-Huế, quốc hiệu là tên chính thức của một quốc gia, biểu thị chủ quyền lãnh thổ, vừa thể hiện các yếu tố hợp pháp về chính trị, luật pháp, quân sự, văn hóa, ngoại giao.

Quốc hiệu Việt Nam có từ khi nào? ảnh 4

Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo nhằm làm rõ thêm vị thế Việt Nam qua những lần thay đổi quốc hiệu. Ảnh: V.T.H

Còn theo ý kiến tham luận của Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP. Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng, qua 220 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, quốc hiệu Việt Nam đã chứng kiến nhiều biến thiên chính trị của nước ta, chẳng hạn đã hai lần chứng kiến đất nước thống nhất. Một lần vào năm 1804, khi chính thức trở thành quốc hiệu và một lần vào năm 1976 khi đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, và hiện nay đang chứng kiến vị thế ngày càng được khẳng định của Việt Nam trên trường quốc tế.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.