Quê nhà thương nhớ nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Hình ảnh nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh gần gũi, giản dị đến từng nhà, hỏi thăm từng người luôn in đậm trong ký ức của người dân quê nhà.
Nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh thoát ly gia đình, tham gia hoạt động cách mạng từ nhỏ. Đến khi trở thành người Lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, dù bận trăm công nghìn việc, Đại tướng luôn dành thời gian và tình cảm đặc biệt về thăm quê hương Thừa Thiên - Huế. Hình ảnh vị Đại tướng gần gũi, giản dị đến từng nhà, hỏi thăm từng người luôn in đậm trong ký ức của người dân quê nhà. Nghe tin ông qua đời, ai cũng bùi ngùi xúc động.

Ngôi nhà xưa của gia đình Nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh nằm bên dòng sông Truồi, ở thôn Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Mấy hôm nay, bà con hàng xóm lui tới ngôi nhà này hỏi thăm, chia buồn với gia đình. Ông Lê Trung Thành, cháu họ gọi Nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh là chú, cũng là cán bộ của Trung tâm Văn hóa huyện Phú Lộc làm nhiệm vụ trông coi ngôi nhà này.
Quê nhà thương nhớ nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh ảnh 1 Nhà thờ tộc của gia đình Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại thôn Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc.
Ông Thành kể, lần nào về thăm quê, chú Lê Đức Anh cũng ra bờ sông đứng thật lâu nhớ lại ký ức tuổi thơ. Ông đi thăm bà con trong làng, sang thăm bà con làng Trường Hà, xã Vinh Phú, huyện Phú Vang nằm bên bờ phá Tam Giang, nơi ông sống thời thơ ấu. Ông Lê Trung Thành nhớ chú Lê Đức Anh thích ăn món canh rau muống và cá kho, uống nước chè xanh xứ Truồi. Lần cuối cùng ông Thành được gặp chú mình là tại Bệnh viện Trung ương 108 - Hà Nội mới đây. Nghe tin ông bị ốm, bà con trong quê ra thăm. Nhìn ông nằm trên giường bệnh ai cũng lo lắng. Ông Lê Trung Thành nhớ lại: "Mỗi lần chú về rất gần gũi, ngồi với bà con ăn bữa cơm canh rau muống với cá kho, rất đơn giản. Chú là người khiêm tốn và giản dị, rất là liêm khiết. Tháng 6 năm ngoái, tôi có dịp ra Hà Nội thăm chú. Tuy không nói được, tôi nhìn vào ánh mắt chú thì cảm nhận được tình cảm người cháu ở quê hương ra thăm. Tôi nắm tay ông rất lâu. Đó là lần gặp cuối cùng".
Quê nhà thương nhớ nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh ảnh 2 Ông Lê Trung Thành, cháu họ gọi Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là chú.
Trong ký ức của người dân làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn in đậm hình ảnh dung dị, gần gũi, chân tình của Nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh. Mỗi lần về thăm quê, ông đến thăm từng nhà, hỏi thăm từng người, căn dặn con cháu cố gắng học hành, khuyên bà con đoàn kết yêu thương.
Ông Trần Đình Hàng, 85 tuổi là người hàng xóm thân thiết với gia đình Đại tướng nói rằng, ông Lê Đức Anh là người biết lo cho dân. Có lần chính quyền địa phương và bà con mong muốn làm Nhà văn hóa mang tên ông tại quê nhà nhưng ông không đồng ý vì ngại mang tiếng, đụng chạm đến đền bù giải tỏa đất của bà con. Thuyết phục mãi, cuối cùng ông mới đồng ý làm nhưng với qui mô nhỏ hơn. Năm 2012, Nhà văn hóa mang tên Lê Đức Anh được xây dựng.

Bây giờ, Nhà văn hóa này trở thành Nhà lưu niệm, trưng bày giới thiệu hơn 5000 đầu sách, các kỷ vật về cuộc đời sự nghiệp của Nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh. Những ngày này, mọi người gấp rút dọn dẹp, sửa chữa các hạng mục hư hỏng, xuống cấp để đón người dân đến dâng hương, tưởng niệm vị tướng tài của quê hương. 
Quê nhà thương nhớ nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh ảnh 3 Nhà Văn hóa mang tên Đại tướng Lê Đức Anh tại thôn Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc.
 Ông Trần Đình Hàng nhớ mãi hình ảnh lần cuối cùng ông Lê Đức Anh về thăm quê cách đây 5 năm: "Tôi có gặp ông về đây 4, 5 lần rồi. Thằng cháu nội tôi được ông ôm bế bồng rồi ông hỏi thằng này con cái nhà ai. Ông quan tâm tình hình quê hương, tình cảm nhiều, người sống có đạo đức, hiền hòa".
Thoát ly gia đình tham gia hoạt động các mạng từ nhỏ, đến khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhà Nước, Nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh luôn dành thời gian và tình cảm đặc biệt đối với quê nhà. Nghe tin ông qua đời ai cũng bùi ngùi xúc động.

Ông Võ Nguyên Quảng, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trường Đoàn Đại biểu Quốc hội Khóa 9 tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều kỷ niệm với Nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh. Ngày đó, Chủ tịch Nước Lê Đức Anh là Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lần đầu gặp Đại tướng, cứ nghĩ ông là một tướng lĩnh nghiêm nghị, khó gần. Nhưng khi làm việc, ông Quảng cảm nhận Chủ tịch Nước là một con người có lối sống giản dị, chân thành, cởi mở và liêm khiết.

Ông Quảng kể, có lần Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ra Hà Nội chúc mừng sinh nhật ông tại nhà riêng. Nhìn căn nhà công vụ chật chội, anh em trong Đoàn lo lắng việc tiếp khách bất tiện. Nguyên Chủ tịch Nước chỉ cười nói, đất nước còn khó khăn, mình ở như thế này là tốt lắm rồi. Ông Võ Nguyên Quảng bảo rằng: Mỗi lần về thăm quê, nhìn cảnh mùa mưa lụt ngập trắng đồng, mùa hè ruộng khô cháy, mất mùa, ông lưu ý tỉnh đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phục sản xuất. Công trình Hồ Truồi tại huyện Phú Lộc mang đậm dấu ấn của Nguyên Chủ tịch nước. Công trình hơn 5 triệu mét khối nước tưới mát đồng ruộng cho nhiều xã ở huyện Phú Lộc và Hương Thủy. 
Quê nhà thương nhớ nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh ảnh 4 Ông Lê Trung Thành hàng ngày trông coi, bảo vệ Nhà lưu niệm và Nhà thờ tộc của Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Ông Võ Nguyên Quảng nhớ mãi những lời dặn dò của Nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh: "Mỗi lần về đây là anh đi các huyện, luôn hỏi tình hình đời sống của nhân dân, lo lắng căn dặn cán bộ, đảng viên chăm lo đời sống cho nhân dân. Anh nói, trong cuộc kháng chiến, bà con rất khổ, bây giờ có điều kiện phải chăm lo đời sống cho nhân dân. Tình cảm của nhân dân, cán bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế đối với đồng chí Nguyên Chủ tịch nước vô cùng sâu sắc"

Đại tướng Lê Đức Anh đã đi xa, nhưng hình ảnh một vị tướng tài ba, nặng lòng với quê hương vẫn sống mãi trong lòng người dân “xứ Huế”.
Theo Theo VOV
MỚI - NÓNG