Nếu chỉ nhìn những động tác sử dụng máy quay phim, cách thao tác trên máy tính, ai cũng nghĩ đó là người quay phim chuyên nghiệp… Nhưng khi nhìn kỹ những vết sẹo trên gáy và một mắt đã bị lòa, mới biết rằng đây chỉ là một ông già đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, một thương binh nặng, hạng 4/4…
Giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ vào thời kỳ ác liệt, năm 1964, Nguyễn Văn Chung, anh thanh niên làng Bầu, xã Thanh Hồng (Thanh Hà, Hải Dương), đến tuổi 19. Cùng với trai làng, anh hăng hái lên đường nhập ngũ, rồi may mắn được đi học một lớp chuyên về hội họa tạo hình của Tổng cục Chính trị.
Năm sau, Chung được bổ sung vào đơn vị đi B chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Xông pha trận mạc, anh ba lần bị thương, gãy tay, mảnh đạn găm trong đầu, nhiễm độc, để lại di chứng tai ù, lòa mắt, méo mồm sau một ca phẫu thuật mổ sọ não…
Ông Nguyễn Văn Chung, trên đường tác nghiệp ghi hình |
Từ khi phục viên về làng, hơn bốn chục năm qua, người cựu chiến binh Nguyễn Văn Chung cùng với gia đình làm nhiều nghề để mưu sinh. Mặc dù còn nhiều thương tật trong mình, những vết dao mổ, vết chỉ khâu chằng chịt trên đôi chân, trên cổ…, nhưng máu văn nghệ từ thời tuổi trẻ vẫn rạo rực trong ông.
Từ khi công nghệ thông tin bùng nổ, nhất là khi mạng xã hội Facebook ra đời và nhanh chóng đi vào đời sống, ông già ngoại tuổi bảy mươi thấy ham và nghĩ phải học quay phim.
Ông kể “Biết bố ham mê quay phim, các con mua cho tôi một chiếc máy quay, rồi chúng hướng dẫn cách làm. Ban đầu mày mò làm thử, sai hỏng làm lại. Rồi cũng biết cách viết lời bình, đẩy lên mạng chia sẻ. Tôi tập chọn nhạc, lồng nhạc cho từng video, để người xem không thấy nhàm… Thấy có người xem, bình luận, càng ham”.
Từ đấy ông Chung mê say đi tìm những hình ảnh gần gũi, sinh động, giữa đời thường, gắn bó với làng quê để quay. Cảnh đẹp quê hương lọt vào ống kính máy ghi hình, qua tâm hồn người thương binh đã lòa một mắt.
Không thể ngờ, những hình ảnh ở một chốn quê thuần nông, mộc mạc ấy, đã chạm vào trái tim nhiều người, nhất là những người con xa xứ.
Được xem cảnh làng quê Thanh Hồng vào lúc đổi mùa, một Nickname ở Đức đã bình luận “Ở bên này đã đổi giờ mùa đông sang hè, nhưng trời còn lạnh lắm anh ạ. Được nhìn qua màn ảnh nhỏ, anh tả về quê hương, em thấy ấm lòng”…
Lại lần khác ông mô tả phiên chợ Bầu quê hương, một người có tài khoản Sau Nguyên ở tận trời Âu xa xôi đã viết lời bình luận “Chú ơi, lâu lắm rồi không về thăm quê mình, cháu thấy nhớ quá, nay nhờ fb của chú , cháu thấy cảnh chợ như ở bên cạnh mình vậy”. Rồi có một bạn khác bình phẩm: “Bác ơi kể từ năm 2004 rời quê hương tới nay cháu chưa được lần nào được đi chợ tết quê nhà, cũng như ngắm chợ tết qua màn hình. Hôm nay nhờ đoạn ghi hình của bác, cháu đã được cảm nhận như đang được hòa nhập vào không khí phiên chợ cuối năm đó…”.
Xã Thanh Hồng, quê ông, một xã thuần nông, bao đời nay người dân chỉ sống bằng trồng lúa và những vườn vải thiều . Nhưng trong thời đổi mới đã xuất hiện một số xưởng may, thu hút nhiều thanh niên vào lao động, ông Chung thích lắm. Niềm vui của ông đã gửi trong từng thước phim chân thực và rộn rã trong nét nhạc, được ông suy ngẫm chọn tìm…
Thật không ngờ, những người con xa xứ được xem video họ vô cùng cảm động. Chỉ một ngày có hàng nghìn người like (thích)
Một Việt kiều ở Mỹ có tên Miên Phung, đã bình “Nhìn hình ảnh này em càng nhớ nhà, càng thấy quê ta thay đổi… Bác là Bồ tát của em”.
Đọc những dòng chữ ấy, người thương binh hỏng mắt lại sáng lên niềm tin yêu cuộc sống, tan đi những cơn đau, và nỗi ưu phiền…
Ông Chung có một gia đình hạnh phúc. Người vợ tảo tần, chung thủy sớm khuya chăm sóc chồng mạnh khỏe, làm chỗ dựa tinh thần để các con đi làm ăn xa.
Mỗi lần thấy chồng vắng nhà, người vợ chỉ biết ông đã lên đường quay phim, nhưng đi đâu, bao giờ về không biết. Bởi những đổi thay từng ngày từng giờ trên quê hương cứ cuốn ông đi… Lúc ở trong làng, khi ngoài xã. Có khi là một vườn vải chín, vườn ổi trĩu quả, một đàn vịt bầu trên dòng mương, một ngôi chùa làng vừa được tôn tạo khánh thành hay cảnh gặt mùa.
Có thời kỳ, các con đón bố vào Sài Gòn chơi, cho thanh thản, thế là ông như con chim được dịp mở cánh bay. Ông háo hức mang máy đi các tỉnh miền Tây, đi đến đâu quay phim, ghi hình đến đấy để về nhà chọn cảnh, chọn nhạc viết lời bình, một cách say mê .
Facebook đang phổ biến, làm phong phú đời sống tinh thần của con người. Nhưng, đâu đó vẫn có người sa đà, lạm dụng thiết bị, và kẻ cơ hội đã đưa tin giả, những lời thị phi, tung hỏa mù hay đầu độc người nhẹ dạ cả tin… mất đi niềm tin cuộc sống…
Thế nhưng, có một người thương binh say mê với facebook hơn chục năm nay lấy đó làm niềm vui, góp thêm niềm tin giữa cộng đồng. Người thương binh năm nay đã yếu hơn, ít đi xa như những năm trước. Nhưng chỉ tính 10 năm cầm máy quay, ông đưa lên mạng trên một ngàn video ngắn, kể “câu chuyện” về những nét đẹp văn hóa, về quê hương, làm đẹp lòng người dân quê, làm ấm lòng người xa xứ...
Suốt tháng quanh năm bận rộn với quay phim, mặc dù không ai đặt hàng, cũng chẳng bao giờ nghĩ tới nguồn thu, vụ lợi.
Từng ngày, từng tháng đủ cả nắng mưa ấm lạnh, bàn chân ông cứ đi...
Đáp lại là những niềm vui, là những thước phim ngắn có lời bình, lồng nhạc, hình ảnh chân thực về cuộc sống làng quê…, Và cứ thế đã hình thành một cái tên quen thuộc trên trang mạng, với tên “Văn chung nguyễn”.
Chúng tôi đã về thôn Bầu, thăm gia đình ông. Đó là một căn nhà tuềnh toàng, ở gần khu chợ Bầu.
Bà Phạm Thị Lựu vợ ông kể: Ban đầu ông đi cả ngày, tôi cũng lo, sợ vất vả, ốm đau nên tôi gàn. Sau nghĩ ông làm vậy cho vui, cho quên những nỗi đau của người thương tật. Sau đó có người khen hay, lại được những người sinh sống ở nước ngoài thích thú. Các con thấy thế cũng ủng hộ, còn mua thiết bị tốt hơn cho bố dùng… Mà cũng lạ, ông ấy ham mê hoạt động, đi đây đi đó, gần gũi với thiên nhiên người khỏe ra, tôi mừng lắm...
Ông Chung khỏe, bà Chung mừng! Đã bốn chục năm qua, bà đồng hành bên ông vượt qua những chặng đường khốn khó, nuôi con trưởng thành và theo dõi những thay đổi của ông mỗi khi trái gió trở trời và cả những niềm vui của ông trong những đêm khuya bên chiếc máy vi tính trong căn buồng nhỏ hẹp...