Quay về với Tết 'sinh thái'

Quay về với Tết 'sinh thái'
Ngày 26 tết năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa ở tòa nhà Vimeco (Hà Nội) sẽ gói mẻ bánh chưng đầu tiên sau nhiều năm ăn bánh chưng mua sẵn.

> Xóm bánh chưng ngát tỏa mùi hương
> Đón Tết trong giá rét, mưa phùn

Cực kỳ hào hứng với sự kiện này, nhất là 2 bé con lai Việt - Pháp 13 và 8 tuổi của gia đình, nên từ cách đây mấy ngày, cả nhà chị Hoa đã có một chuyến về quê ngoại ở Hưng Yên chặt lá dong, rồi mua sẵn gạo nếp và đậu.

Ngày 26 tết, 2 con lợn còi gia đình nuôi ở trang trại cách Hà Nội 60 km cũng được mang về làm thịt để gói bánh và giò xào.

Quay về truyền thống

Vốn rất coi trọng vệ sinh thực phẩm, nên từ lâu nay chị Hoa hơi ngại thực phẩm làm sẵn mua ở chợ mà thích món ăn nhà làm.

Nhà có trang trại rộng, mọi năm bố chị vẫn gói giò nhưng gói bánh chưng thì cả nhà vẫn ngại, nào rửa lá, đãi gạo, đãi đậu, gói và luộc bánh kéo dài cả ngày mà ăn thì chẳng bao nhiêu.

Nhưng năm nay chị muốn cho bọn trẻ được hưởng một cái tết y hệt như ngày chị còn bé, sống cùng cha mẹ nên chị quyết định ăn tết truyền thống.

Từ trước đó 1 tuần, chị đã hỏi bạn bè đăng ký số lượng bánh chưng để chuẩn bị gạo cho đủ, rồi lên lịch để bọn trẻ có thể cùng nhau rửa lá, bắt đầu khâu đầu tiên chuẩn bị một nồi bánh chưng tết.

Gạo và đậu đã có, lá dong đã chặt về. Ngoài ra còn có 4 gia đình bạn bè cũng được mời về chung vui.

Gia đình chị Thanh Hương ở Khương Hạ, Hà Nội cũng sẽ đón 1 cái tết con rắn có bánh chưng nhà làm.

Từ 2 năm trước, chị Hương đón bố mẹ chồng ở Hải Hậu, Nam Định lên sống cùng và từ đó có lệ tết đến là gói bánh chưng kiểu Hải Hậu, Nam Định ở Hà Nội.

Trước khi gói bánh, gạo nếp cái hoa vàng được ngâm đãi sạch và trộn với nước gừng, thịt lợn dùng để gói bánh cũng được trộn với một số hương liệu là hạt tiêu, gừng và thảo quả.

Chiếc bánh gói không dày những đậu, thịt như ở thành phố mà mỏng hơn, da bánh màu vàng chanh nhẹ chứ không xanh như màu da bánh chưng mua sẵn và tỏa mùi thơm ấm áp của gừng, một mùi vị hơi lạ so với hương vị bánh chưng Hà Nội.

Phong trào “tự làm, tự nấu”

Những ngày chuẩn bị Tết Nguyên đán náo nức sẽ góp một quãng chùng vào một bản nhạc lúc nào cũng căng cứng và ngột ngạt cho người đô thị trong tiết xuân Hà Nội.

Chính vì thế, năm nay cái tết của nhà chị Thanh Giang ở Giảng Võ, Hà Nội rất xôm tụ với các thứ của nhà và của bạn bè làm: gà đặt của nhà bạn gái nuôi từ trước đó nửa năm nhưng giá vẫn “hữu nghị” 180.000 đồng/kg, giò xào nhà tự gói từ nguồn thịt lợn đặt từ Nam Định, bánh chưng gói chung với gia đình người bạn.

Ngay cả mứt để đãi khách dịp tết, cô bạn cùng cơ quan cũng làm tặng chị 2 hộp mứt cà chua và mứt quất, màu đỏ và vàng sậm của mứt đựng trong giấy bóng kính đẹp không khác gì mứt nhà hàng, hứa hẹn một cái tết vừa vui vừa đầm ấm.

Còn nhớ trước đây Joe - anh chàng người Canada nói tiếng Việt rất sõi và duyên - từng băn khoăn rằng bạn bè mời Joe đến nhà thường nói “Joe ăn đi, đây là bánh bao nhà tự làm, bánh chưng nhà tự làm…đấy", nhưng theo Joe làm gì có bánh bao nhà làm! Nhiều người cũng đồng tình với Joe, muốn làm bánh bao phải có men bánh bao để ủ bột đủ độ cho bột nở, phải biết nặn và hấp bánh sao cho bánh vừa tròn trịa và trắng trẻo.

Thế nhưng giờ đây chuyện nặn và làm bánh bao tại nhà là “muỗi” với chị em. Mua bột bánh bao đã có sẵn gói men ở siêu thị, rồi làm như hướng dẫn! Chỉ cần như vậy, sau 3g một chị vụng ơi là vụng cũng có thể có đĩa bánh bao nhân thịt và lạp xưởng đãi chồng con.

Tiện dụng như thế nên phong trào “tự làm, tự nấu” năm nay đang cao hơn hết thảy. Thứ gì không làm được thì đặt của nhà bạn bè, vừa vui lại vừa yên tâm về mặt chất lượng.

Không khí tự làm, tự nấu góp tết cũng là để giữ cái hồn tết Việt ở đô thị, nơi dòng chảy cuộc sống hầu như không ngủ, lúc nào người ta cũng bận rộn kiếm sống và không lúc nào hết lo lắng, kể cả những người giàu.

Theo Lan Anh
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG