Sụt lún gấp 10 lần nước biển dâng
Báo cáo đưa ra tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL lần thứ 4 diễn ra tháng 7 vừa qua, Bộ KH&ĐT đánh giá, những năm gần đây, vùng ĐBSCL đối mặt với sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún. Ước mỗi năm, cả vùng mất từ 300 - 500ha đất và hàng chục ngàn hộ dân có nguy cơ phải di dời do trong vùng nguy hiểm sạt lở. Ngoài ra, việc khai thác nước ngầm quá mức đang gây sụt lún đất. Trong 30 năm qua, nhiều vùng ở ĐBSCL nước ngầm hạ xuống hơn 5m, gây sụt lún đất trung bình cho toàn khu vực cao gấp 10 lần tốc độ nước biển dâng.
Bộ KH&ĐT cũng dẫn các báo cáo khác nhau và đưa ra nhiều nguyên nhân của tình trạng sạt lở vùng ĐBSCL. Nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) đưa ra dự báo, đến năm 2040, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn 3 - 5% (số còn lại bị giữ ở các đập thượng nguồn - PV). Hậu quả, phù sa giảm làm gia tăng sạt lở bờ sông, biển vùng hạ du. Bên cạnh đó, việc khai thác cát quá mức trên các sông ở ĐBSCL cũng gây mất ổn định lòng và bờ sông, gây sạt trượt bờ sông; các khu dân cư sát bờ sông với nhiều công trình xây dựng làm tăng tải, trong khi bờ sông là đất phù sa yếu nên dễ sạt lở, sụt lún.
Ông Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL) nhận định, với thực tế hiện nay, sạt lở vùng ĐBSCL còn diễn ra thêm hàng chục năm nữa do phù sa sông Mê Kông về ngày càng giảm; khai thác cát sông và nước ngầm quá mức. Theo ông Thiện, việc thiếu phù sa làm cho nước "đói" nên phải “ăn” vào bờ, đáy sông, dẫn tới sông sâu hơn, bờ cao và nặng hơn, tạo mái dốc nên dễ trượt sụt, sạt lở để bù vào. Sông Tiền và sông Hậu - hai sông chính vùng ĐBSCL hiện có đáy sâu hơn trước, nên phải rút đáy từ các sông nhánh ra để bù. Các sông nhánh lại tiếp tục rút đáy các nhánh của nó, sạt lở theo đó mà lan khắp nơi, tới cả các sông, kênh nội đồng. “Điều này lý giải vì sao sạt lở vùng ĐBSCL hiện không chỉ ở các sông chính như trước đây, còn xuất hiện tại các sông, kênh rạch nội đồng”, ông Thiện nói.
Cần giải pháp bền vững
Để ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, thời gian qua các địa phương vùng ĐBSCL đã dùng nhiều nguồn lực xây dựng công trình kè ở những vùng sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên, giải pháp làm bờ kè kiên cố để chống sạt lở vừa tốn kém vừa chưa chắc hiệu quả, khi một số vị trí bờ kè này sau vài năm cũng xuất hiện sụt lún, sạt lở.
Tại Hậu Giang đang triển khai các mô hình kè sinh thái chống sạt lở. Bờ kè có lớp đầu tiên bằng hàng rào cọc tre, tràm, sau đó lót lưới để đắp đất, phần đất đắp này được trồng cây tràm, bần, tiếp sau đó trồng dừa, cà ná. Sau 2-3 năm, bờ bao ổn định đủ sức chống sạt lở, cây trồng có giá trị kinh tế (dừa, cà ná) cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Thiết (xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết, trước đây, tuyến kênh trước nhà rất nhỏ, nhưng sạt lở nên kênh ngày càng rộng, còn đất sản xuất, đường giao thông cứ hẹp dần. Để chống sạt lở, chính quyền và người dân đã triển khai hệ thống kè sinh thái, giờ tình hình sạt lở đã giảm nhiều, lại có thêm hàng cây xanh mát, cho giá trị kinh tế.
Hiện trường vụ sạt lở tuyến đê bao tại xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long ngày 18/6/2024 Ảnh: Cảnh Kỳ |
Chi cục Thủy lợi Hậu Giang tính toán, chi phí thực hiện mỗi mét vuông kè sinh thái chỉ khoảng 150.000 đồng, bằng 1/10 so với kè bê-tông, lại dễ thực hiện, triển khai hiệu quả xuống từng hộ dân. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, song song với các công trình kè kiên cố, tỉnh cũng phát động phong trào làm kè sinh thái chống sạt lở và đã mang lại hiệu quả. Trong 4 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã triển khai được hệ thống kè sinh thái dài hơn 200km, tập trung trên tuyến kênh cấp 1, 2. Cùng với đó, địa phương cũng vận động người dân hạn chế xây dựng các công trình kiên cố ven sông, di dời dân khỏi những vùng nguy cơ sạt lở cao…
Theo một số chuyên gia, với vùng ĐBSCL, giải pháp xây bờ kè bê-tông kiên cố chống sạt lở là việc “bất đắc dĩ”, nên chỉ làm ở những nơi xung yếu. Không nên làm kè kiên cố tràn lan, bởi không đảm bảo an toàn tuyệt đối và rất tốn kém, không bao giờ đủ tiền để chạy theo sạt lở, vì thực tế tình trạng bờ kè bị sụp đổ cũng xảy ra nhiều nơi. Do vậy, nên ưu tiên di dân khỏi khu vực bờ sông nguy cơ sạt lở để giảm chất tải lên bờ, giảm khai thác cát và nước ngầm. Hệ thống cống ngăn mặn cũng cần được đầu tư và vận hành có tính toán, hài hoà trong điều tiết nước, tránh cản dòng chảy làm hụt nước phía trong nội đồng gây co ngót đất tạo sụt lún (như xảy ra ở khu vực U Minh của Cà Mau và Kiên Giang mùa khô vừa qua).
Tại buổi tiếp xúc cử tri Cần Thơ diễn ra ngày 14/7 vừa qua, trả lời kiến nghị của cứ tri về ưu tiên nguồn vốn đầu tư các công trình phòng chống sạt lở, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Thời gian qua, Chính phủ đã ưu tiên nguồn lực để ứng phó sạt lở, sụt lún cho vùng ĐBSCL. Mới nhất, năm 2023, Chính phủ quyết định bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho các địa phương trong vùng thực hiện các dự án chống sạt lở.
PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Giám đốc ĐHQG TPHCM đưa ra nhận định tại một hội thảo mới đây rằng, phải chăng sụt lún, sạt lở vùng ĐBSCL có phần tới từ khai thác cát và nước ngầm, nên cần nhận thức rõ việc này. ĐBSCL sụt lún gấp 10 lần nước biển dâng, lún sụt chủ yếu do tác động của con người. Bởi ĐBSCL là vùng đất mới, nếu không giữ được nước, không giữ được trầm tích sẽ lún. “Chính sách, giải pháp đã có nhiều, nhưng đã tới lúc phải đi vào bản chất, căn cơ lâu dài, hướng tới hàng chục năm, thậm chí trăm năm cho ĐBSCL phát triển bền vững”, TS Bình nói.
Sụt lún tại vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) vào đầu năm 2024 Ảnh: Tân Lộc |
PGS.TS Lê Anh Tuấn (giải viên Trường ĐH Cần Thơ) kiến nghị, các địa phương ĐBSCL phải lập bản đồ các khu vực nguy cơ sạt lở. Việc quản lý sông rạch phải chặt chẽ hơn. Ngành thủy lợi cần nghiên cứu để có những đề xuất xây dựng công trình ổn định lòng sông ở các vị trí xung yếu về kinh tế và dân cư. Các vùng ven biển phải ưu tiên giải pháp trồng rừng ngập mặn, trồng cây giữ đất trước khi tìm kiếm các giải pháp công trình kè kiên cố. Các địa phương vùng ngập lũ nên giảm bớt diện tích đê bao cho trồng lúa vụ 3, mở đê đón lũ để nhận phù sa thay vì để dòng lũ xiết hơn về phía hạ lưu…
(Còn nữa)