Lời nhắc nhở của ông khiến tôi thấm thía. Bỗng nhìn ra xung quanh thấy nhiều người cũng “phạm lỗi” như mình. Có người công kênh Nguyễn Huy Thiệp đến hàng “thánh văn” nhưng có người lại “soi” để hạ ông xuống hàng… bình thường thôi. Một nhà văn ở Sài Gòn thốt lên: “Cái chết của một văn tài càng lộ rõ một căn tính xấu xa trong văn giới Việt, đó là thói đố kỵ...”. Còn nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh có thơ, rằng: “Những kẻ xưa chửi bới ông/Đám tang lại đến khen ông hết lời/Sám hối của kẻ xu thời/Chỉ nên im lặng như một lời sorry”.
Chưa hết, việc ai đọc điếu văn trong tang lễ của tác giả “Những ngọn gió Hua Tát” cũng gây ồn ào. Nguyễn Bảo Sinh dự định đọc một bài điếu văn trong tang lễ của bạn mình song dự định không thành, ông chia sẻ bài điếu văn lên trang cá nhân, tạo dư luận nhiều chiều. Một nhà văn, nhà phê bình lại lên facebook nói rõ lí do vì sao bài điếu văn của Nguyễn Bảo Sinh không được đọc trong tang lễ, để tránh những hiểu lầm không đáng có cho Hội Nhà văn Việt Nam, đơn vị tổ chức tang lễ. Nhà văn, nhà thơ giỏi chơi facebook, cái gì cũng đưa lên “phây” cũng có khi gặp phiền là thế. May mắn, ồn ào cũng qua đi. Tang lễ diễn ra trang trọng, xúc cảm với bài điếu văn nhận được nhiều “like” của đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Nguyễn Huy Thiệp vừa nằm xuống thì “bài ca muôn thuở” lại vang lên: Tại sao giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh… chưa gọi tên Nguyễn Huy Thiệp. Một vài nghệ sỹ điện ảnh, truyền hình tên tuổi ra đi chưa nhận danh hiệu NSƯT, NSND, cũng được “khóc thay” như thế. Bất kể giải thưởng nào cũng có tiêu chí, nên tìm hiểu tiêu chí, trước khi đặt câu hỏi “tại sao?”. Bản thân Nguyễn Huy Thiệp khi viết “Tướng về hưu”, “Không có vua” chắc cũng không nghĩ đến giải thưởng danh giá. Tuy nhiên, với hai tác phẩm “Tướng về hưu”, “Những ngọn gió Hua Tát”, Nguyễn Huy Thiệp đã vào danh sách xét tặng giải thưởng Nhà nước lần này. Người ta cứ “khóc” để chứng tỏ quan tâm tới nhà văn lớn, còn thông tin về ông, tác phẩm của ông chưa chắc họ đã xem, đã đọc. Trước những lời thương tiếc khôn nguôi với Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn viết đại ý: Thương xót hay quí trọng nhà văn, chỉ cần đọc văn và mua sách của họ là đủ lắm rồi.