Quang Thắng: 'Nghệ sĩ chúng tôi rụng tóc, bạc đầu vì Táo quân'

Quang Thắng vừa cùng các đồng nghiệp giới thiệu bộ ba đĩa phim hài "Enter", "Bờm" và "Chôn nhời 4" - ra mắt vào tháng 1 năm sau.
Quang Thắng vừa cùng các đồng nghiệp giới thiệu bộ ba đĩa phim hài "Enter", "Bờm" và "Chôn nhời 4" - ra mắt vào tháng 1 năm sau.
Nghệ sĩ hài chia sẻ anh và đồng nghiệp phải cố gắng thu xếp lịch cá nhân để trở lại chương trình "Gặp nhau cuối năm" Tết này.

- Anh và các nghệ sĩ đã chuẩn bị cho Táo quân 2017 đến đâu?

- Chúng tôi sẽ tập chương trình vào cuối tháng này. Tôi và các đồng nghiệp mỗi người có một công việc riêng. Tôi đang công tác ở đoàn Kịch nói Hải Phòng, Công Lý thì ở Nhà hát Kịch Hà Nội, Quốc Khánh và Xuân Bắc làm ở Nhà hát Kịch Việt Nam, Tự Long công tác tại Nhà hát Chèo Quân đội, Vân Dung và anh Chí Trung lại bên Nhà hát Tuổi trẻ... Cuối năm, ai cũng rất bận, không thể tụ tập đông đủ ban ngày. Thông thường, mọi người cứ luyện tập với nhau buổi đêm xong là 8h hôm sau lại có mặt ở cơ quan như bình thường. Bất đắc dĩ chứ chúng tôi chẳng muốn tập luyện về đêm làm gì, vừa rụng, bạc tóc, ăn uống chỉ có gói mỳ tôm là may (cười).

- Sống và công tác chính ở Hải Phòng, anh thu xếp chỗ ăn ở thế nào khi lên Hà Nội ?

- Tôi thuê một khách sạn ở gần cầu Long Biên. Chỗ đó tuy xa nhưng lại gần bến xe khách, tôi tiện đường về Hải Phòng hơn. Ngày trước, tôi cũng hay ngủ nhờ nhà Công Lý. Buồn cười ở chỗ Lý khi ngủ thì nghiến răng ken két, tôi thì ngáy o o. Thế mà sáng dậy, hai đứa vẫn biết nhau ngủ thế nào rồi cãi cọ như hát hay.

- Vì sao anh chưa bao giờ đưa vợ con đi xem mình diễn Táo quân như các đồng nghiệp Xuân Bắc, Tự Long?

- Tôi cũng muốn lắm nhưng vợ và ba con tôi đều sống ở Hải Phòng, cách Hà Nội tới hơn 100 km nên việc đi lại hơi bất tiện. Mấy mẹ con đi đêm hôm nhiều khi không yên tâm.

Ba đứa nhà tôi tính nết mỗi đứa một kiểu, không phải dễ chiều như con của Xuân Bắc hay Tự Long. Có đứa còn không thích vào nhà hát, không thích xem bố biểu diễn. Trong khi đó, vợ chồng tôi lại chẳng biết gửi con cho ai. Cực chẳng đã, tôi phải nhờ vợ ở nhà chăm con hộ.

Quang Thắng: 'Nghệ sĩ chúng tôi rụng tóc, bạc đầu vì Táo quân' ảnh 1 Gia đình hạnh phúc của Quang Thắng.

- Bao lâu anh về thăm vợ con một lần?

- Cứ lúc nào rảnh là tôi lại về nhà. Nếu có lỡ hứa với vợ con sẽ về mà không có xe khách, tôi sẵn sàng "vẫy" container để đi nhờ.

Có lần, người ta nhận ra tôi và mời lên xe ngồi. Họ bảo: "Anh ngồi đây nói chuyện thật vui cho bọn em đỡ buồn ngủ. Em chở anh về tận nhà miễn phí". Lúc đầu ngồi ở sau xe, tôi có kể được dăm ba câu chuyện cười thật. Nhưng dần dà, vì mỏi người, tôi ngả dần ra rồi ngáy o o lúc nào không biết. Đến khi tới nhà, họ mới vỗ vai tôi bảo: "Thôi mời ông tỉnh. Nãy lên xe nhờ ông kể chuyện cười mà cuối cùng lại ngáy như thế thì chúng tôi còn buồn ngủ hơn" (cười).

- Các con anh nói gì khi thấy bố suốt ngày xa nhà?

- Nhiều lúc xa nhau lâu ngày, có đứa còn quên cả mặt bố. Có buổi đêm tôi về nhà, thấy con bật dậy, mở tròn mắt nhìn mãi mà không nhận ra ai. Đến khi tôi nói: "Bố đây" rồi vỗ về cháu theo cách mình vẫn làm, cháu mới nhận ra và đi ngủ tiếp.

- Trong mắt anh, vợ là người thế nào?

- Vợ tôi xinh, tôi rất tự hào về cô ấy. Tôi cũng muốn khoe với mọi người nhưng vì cô ấy ở xa, chứ không phải muốn giấu giếm gì. Vợ giúp tôi rất nhiều trong công việc cũng như cuộc sống. Cô ấy nhiều lúc còn phải cùng tôi học thuộc lời diễn cho Táo quân. Thấy chồng tập ở nhà mà quên đoạn thoại nào là vợ tôi nhắc ngay.

Cô ấy là người tốt và hiền lành nhưng không giỏi lắm về mặt xã giao, ngay cả đối với giới văn nghệ sĩ. Nhiều khi để cô ấy tự nói chuyện với một ai đó, ví dụ Tự Long, tôi thấy vợ xưng "chị, em" loạn xạ vì hồi hộp, lúng túng. Nói chung, nếu để miêu tả về vợ, tôi nghĩ có một từ ngắn gọn, súc tích nhất, đó là "OK".

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.