Quảng Ninh xoá sổ dạy thêm tại nhà

Quảng Ninh xoá sổ dạy thêm tại nhà
TPO - Từ cuối năm 2011, nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của Tỉnh uỷ, Quảng Ninh đã cơ bản xoá sổ được dạy thêm, học thêm (DTHT) tràn lan tại nhà thầy cô giáo.

 > Dẹp dạy thêm: Tăng lương thôi chưa đủ

 
Quảng Ninh xoá sổ dạy thêm tại nhà ảnh 1

Học sinh Trường THPT Hải Đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) trong giờ học

Vắng bóng dạy thêm, học thêm

Theo khảo sát, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), việc DTHT quy mô ở nhà của các cô giáo đã chấm dứt. Cô giáo Tô Thị Dung, giáo viên trường THCS Trần Quốc Toản cho biết, các cô giáo bây giờ không dạy thêm ở nhà. Tại trường này, 100% giáo viên không dạy thêm tại nhà mà chỉ duy trì dạy thêm cho các học sinh yếu kém và các đội tuyển học sinh giỏi tại trường.

Một giáo viên trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho biết, hình ảnh buổi tối hàng chục phụ huynh chầu trực đón con học thêm buổi tối tại cổng trường giờ đây không còn nữa. Một số địa chỉ dạy thêm khá nổi tiếng tại phường Hồng Hà của các cô giáo dạy giỏi bây giờ đã chấm dứt. Một phụ huynh băn khoăn, con học sáng, chiều, tối thấy thương nhưng chương trình học quá nặng, sợ cháu không theo kịp phải tìm thầy cho con. Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, trình độ cử nhân nhưng nhiều kiến thức lớp 3 thôi đã thấy khó. Nhiều cô giáo tại Cẩm Phả khẳng định không dám dạy thêm ở nhà vì luôn nơm nớp lo lắng và cảm thấy như tội phạm, xấu hổ nếu bị phát hiện…

Bà Đỗ Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long cho biết, trước đây, một số cô giáo có dạy thêm ở nhà. Dạy thêm tại trường có thu tiền, nay không được thu tiền nhưng các thầy cô giáo vẫn thực hiện nghiêm túc chủ trương của tỉnh.

Theo Sở Giáo dục đào tạo, tất cả các huyện thị đều có kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động này. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm học 2012-2013 thì tuyệt đại bộ phận cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh đều đồng thuận ủng hộ chủ trương chấn chỉnh DTHT.

Các hoạt động dạy thêm, học thêm trong cơ sở giáo dục được tổ chức căn cứ vào nhu cầu tự nguyện của cha mẹ học sinh và học sinh, đồng thời cũng đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học của cơ sở giáo dục và được quản lý chặt chẽ. Tất cả các cơ sở giáo dục đều xây dựng chương trình, kế hoạch dạy thêm cho các lớp, có sổ sách theo dõi dạy thêm, học thêm, học sinh các lớp học thêm có đơn xin học…

Và những băn khoăn

Nhiều giáo viên không tổ chức dạy ở nhà nhưng vẫn có nhiều cách để lách luật. Nhiều cô giáo phối hợp với phụ huynh mở lớp tại nhà học sinh với dăm ba học trò gia sư, phụ đạo mọc lên ngày càng nhiều.

Chị Hoàng Thị Yến, trú tại Hồng Hà, TP Hạ Long có con học lớp 10 Trường THPT Vũ Văn Hiếu, TP Hạ Long cho biết, đang muốn tìm cô giáo dạy thêm cho con nhưng cháu bảo, các cô chỉ dạy phụ đạo trên trường đối với học sinh kém và những học sinh chuẩn bị thi học sinh giỏi. Việc ôn học luyện thi cuối cấp, đại học được ôn luyện ngay trong trường. Một số cô giáo vẫn tổ chức dạy thêm nhưng nhận rất ít học sinh chỉ trên danh nghĩa phụ đạo, gia sư. Chị Yến đang rất lo lực học con bị tụt vì không được đi học thêm…Sắp tới chị đang cân nhắc thuê gia sư hoặc cùng với các phụ huynh khác mở lớp mời cô tới dạy.

Bà Bùi Thúy Phượng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Quảng Ninh cho biết, không hẳn là nạn dạy thêm, học thêm đã hết. Ở một số cơ sở giáo dục, việc đánh giá, phân loại đối tượng học sinh chưa tốt, nên tổ chức lớp học thêm chưa phù hợp với nhóm trình độ và nguyện vọng của học sinh. Một số cơ sở tổ chức học thêm ở một số trường hiện tại là chưa đúng với quy định tại Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 20-12-2011 của Tỉnh uỷ.

Ví dụ như các lớp học thêm ở khối 10 và 11 còn tổ chức với quy mô lớn, chưa phù hợp với đối tượng (còn bố trí học sinh có học lực trung bình học cùng với học sinh có xếp loại học lực yếu, kém). Đối với các trường THPT tư thục, chất lượng đầu vào thấp, hầu hết học sinh phải học thêm, gây nên tình trạng học khá nhiều, nhưng chất lượng học thêm rất hạn chế. Một số giáo viên có số giờ dạy chính khoá và dạy thêm vượt quy định, cá biệt có giáo viên dạy tới trên 30 tiết/tuần. Tình trạng dạy thêm với danh nghĩa kèm gia sư là vẫn còn...

Trong khi giáo viên không dạy thêm nữa, nhu cầu học thêm cũng đang tăng đột biến. Cô giáo Nguyễn Thị Liềng, giáo viên Trường THCS Trọng Điểm Cẩm Phả, TP Cẩm Phả cho biết, rất nhiều phụ huynh đề nghị dạy thêm. Trường cô hiện chỉ dạy phụ đạo kèm học sinh yếu, và bồi dưỡng học sinh giỏi. Tuy nhiên, nhiều học sinh không thuộc diện này sức học đang có dấu hiệu kém đi vì chương trình học quá tải…

Một Hiệu trưởng trường THCS tại TP Hạ Long xin dấu tên cho rằng, cần phải giải quyết được vấn đề thu nhập kịp thời cho các thầy cô giáo. Nhiều trường, từ mấy tháng nay cô giáo đang dạy thêm giờ trên lớp nhưng không được thu tiền. Trong khi, nhà trường không thể có kinh phí để trả các cô. Vì tính chất môn học nên nhiều cô giáo thường xuyên phải dạy kèm nhiều tiết hơn các cô giáo khác. Trong khi đó với quy định các cô phải dạy 19,5 tiết/tuần mới được hỗ trợ kinh phí từ địa phương. Vì vậy, rất nhiều trường đã áp dụng cách, giảm cô dạy nhiều, tăng thêm giờ các cô có ít tiết dạy. Vì vậy, phần hỗ trợ thêm từ nhà nước nếu có hiếm cô giáo được nhận vì rất ít giáo viên mới đạt chỉ tiêu này…

Chưa hết, quy định không cho giáo viên dạy thêm nhưng những đối tượng cô giáo về hưu, giáo viên mới ra trường vẫn được dạy thêm. Điều này là rất không công bằng vì giáo viên mới ra trường ít kinh nghiệm, nhiều cô giáo về hưu dù nhiều kinh nghiệm nhưng trình độ hạn chế. Trong khi đó giáo viên giỏi đang công tác thì tuyệt đối không được dạy.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, chủ trương không DTHT tràn lan đang có dấu hiệu tích cực. Tỉnh không cấm dạy thêm, chỉ cấm các hoạt động dạy thêm trương trình phổ thông ngoài trường. Chỉ đạo của tỉnh bám rất sát thông tư của Bộ Giáo dục đào tạo. Nhưng ở Quảng Ninh, không chỉ chấn chỉnh DTHT mà sẽ làm rất nhiều việc khác song hành. Hiện, tại tỉnh đang đầu tư mạnh bồi dưỡng, đào đạo đội ngũ giáo viên chuyên sâu. Đánh giá năng lực giáo viên thường xuyên. Tỉnh đang làm đồng bộ nhiều việc như đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng, nâng cao đội ngũ giáo viên, kiểm soát chất lượng giáo dục thường xuyên. Chất lượng giáo dục tốt lên thì không cần phải học thêm…

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, việc chấn chỉnh DTHT tràn lan là cần thiết. Tỉnh đã ra đầy đủ quy định cũng như hướng dẫn thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, ngoài việc tăng cường kiểm tra, uốn nắn các sai phạm, tỉnh đang rất quan tâm lắng nghe phản hồi từ giáo viên, phục huynh học sinh. Những quy định nào còn bất cập, không phù hợp sẽ được bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi…

Theo Viết
MỚI - NÓNG