Theo đó, ngày 8/10, Tiền Phong có bài phản ánh hiện tượng nước thải từ hoạt động sản xuất của Công ty Than Hòn Gai - TKV không được xử lý, xả ra ngoài môi trường gây ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Trước thông tin trên, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND TP Hạ Long và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh hiện tượng báo nêu; chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp khắc phục, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có), đảm bảo không để xảy ra hiện tượng ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến môi trường Vịnh Hạ Long và đời sống nhân dân khu vực; báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về UBND tỉnh trước ngày 15/10/2019 và thông tin kết quả kiểm tra, xử lý đến các cơ quan báo chí theo quy định.
Theo đó, bài viết phản ánh suối Lại dài chừng 1km có màu vàng, bốc mùi tanh nồng, chảy từ khu vực khai trường Bắc Bàng Danh của Cty than Hòn Gai - Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam, đổ thẳng vào vịnh Hạ Long.
Đầu nguồn con suối chính là cửa hầm lò trong khu vực khai trường của Cty than Hòn Gai đã dừng sản xuất trước đó. Cửa lò này đã được xây bít lại, nhưng dòng nước vàng vẫn chảy từ phía sau bức tường theo hai chiếc cống có đường kính rộng chừng 40 cm đổ vào khu bể chứa rộng hơn chục m2.
Dọc con suối chừng 700m, toàn bộ khung cảnh hai bên suối đều nhuốm một màu vàng, cây cối co quắp, trơ trọi. Những viên sỏi bị phủ một lớp phèn dày đặc. Đoạn cuối, con suối hòa cùng điểm xả thải của nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh chảy thẳng ra vịnh Cửa Lục thông ra vịnh Hạ Long.
Ông Lê Trung Toán, Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực an toàn, vệ sinh môi trường Công ty than Hòn Gai thừa nhận: dòng nước vàng của suối Lại chảy từ khu vực khai trường mỏ than ra môi trường, chưa qua xử lý. Nguồn nước này bị nhiễm chất sắt cùng một số hợp chất kim loại nặng khác. Nước nhiễm sắt, khi gặp không khí, chất sắt kết tủa, chuyển thành màu vàng và có mùi tanh.