Quảng Ngãi lên phương án di dời gần 15.000 hộ dân

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi làm việc với UBND huyện Bình Sơn về công tác ứng phó mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi làm việc với UBND huyện Bình Sơn về công tác ứng phó mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Ngọc
TPO - Trước tình hình mưa lớn kéo dài trên diện rộng, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang dâng cao vượt mức báo động 3, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã lên phương án di dời gần 15.000 hộ với gần 53.000 nhân khẩu.
Chiều 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã đi thị sát, kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ tại xã Bình Minh, huyện Bình Sơn nơi được xác định là địa bàn có nguy cơ cao, chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ.
Tại đây, ông Minh yêu cầu đơn vị trực chiến tiếp tục duy trì, không chủ quan khi bão đã suy yếu. Nếu lũ trên các sông tiếp tục lên cao và mưa lớn dự báo còn kéo dài cần chủ động di dời người dân, đảm bảo không người dân nào ở trong vùng lũ.
Quảng Ngãi lên phương án di dời gần 15.000 hộ dân ảnh 1       Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh (bên phải) yêu cầu các đơn vị, không chủ quan lơ là vì lũ trên các sông tiếp tục lên. Ảnh: Nguyễn Ngọc
“Không chỉ ở Bình Sơn mà các địa phương cần hết sức chủ động trong việc thực hiện phương châm phòng chống lụt bão với tinh thần “4 tại chỗ”. Trong đó lưu ý, UBND các địa phương phải chăm lo đầy đủ cho bà con nhân dân, không được để bất cứ hộ dân nào bị thiếu đói, thiếu ăn trong những ngày bão lũ xảy ra”, ông Minh chỉ đạo. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bình Sơn cho biết, hiện tại lực lượng chức năng đã di dời 50 trường hợp già yếu đến nơi an toàn. Cùng với đó, khẩn trương di dời tài sản, gia súc của người dân đến vị trí cao ráo tránh lũ.
Quảng Ngãi lên phương án di dời gần 15.000 hộ dân ảnh 2     Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh (ở giữa) thị sát, kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ tại xã Bình Minh, huyện Bình Sơn. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay lũ trên các sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ đang ở mức BĐ 3 và có khả năng lên cao, riêng sông Trà Câu đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Cụ thể, mực nước lúc 15 giờ ngày 11/10 trên các sông như sau: Trên sông Trà Bồng tại trạm Châu Ổ: 4,16m, dưới mức BĐ 3: 0,34m; trên sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc: 5,86m, trên mức BĐ 2: 0,36m; trên sông Vệ tại trạm sông Vệ: 4,71m, trên mức BĐ 3: 0,21m; trên sông Trà Câu tại trạm Trà Câu: 5,18m, dưới mức BĐ 3: 0,32m. Dự báo trong 6 đến 12 giờ tới, lũ trên các sông trong tỉnh tiếp tục lên. Mực nước trên các sông có khả năng lên ở mức: Trên sông Trà Bồng tại trạm Châu Ổ 4,5m, ở mức BĐ 3; trên sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc 6,3m, dưới mức BĐ 3: 0,2m; trên sông Vệ tại trạm sông Vệ 5m, trên mức BĐ 3: 0,5m; trên sông Trà Câu tại trạm Trà Câu 4,5m, ở mức BĐ 2.
Quảng Ngãi lên phương án di dời gần 15.000 hộ dân ảnh 3     Hiện mực nước trên sông Trà Bồng đang ở mức BĐ 3 và có khả năng tiếp tục lên. Ảnh: Nguyễn Ngọc
Hiện dung tích hồ chứa thủy điện, thủy lợi tại tỉnh Quảng Ngãi đang đầy dần. Hiện đạt mức trung bình 53% dung tích thiết kế. Trong đó, 119 hồ tràn tự do đạt hơn 45% dung tích thiết kế; 5 hồ có van điều tiết đạt hơn 54% dung tích thiết kế. Riêng hồ thủy điện Đắkđrinh đang ở cao trình hơn 400m (dung tích chứa hơn 168 triệu m3) gần 68% dung tích hồ.  Với thực tế trên, ông Minh cũng đã yêu cầu các đơn vị lên phương án ứng phó mưa, lũ sau bão số 6. Xác định khu vực có nguy cơ cao là các xã dọc lưu vực 4 sông lớn của tỉnh bao gồm các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa và TP. Quảng Ngãi. Đồng thời, lên phương án di dời dân vùng sạt lở ở các huyện miền núi Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà và Trà Bồng.  “Hiện tại, các huyện miền núi đã xuất hiện sạt lở, tình hình mưa lũ còn kéo dài các điểm sạt lở sẽ nhiều hơn. Ngoài lên phương án giúp dân và trực chiến ứng phó sạt lở, phải tính chuyện tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bà con khi cần”, ông Minh nói.
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.