Quảng Ngãi: Hoang phí hàng trăm công trình nước sạch

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hàng trăm công trình nước sạch ở Quảng Ngãi được đầu tư với số tiền hàng trăm tỷ đồng nhưng sau khi làm xong không phát huy tác dụng, bỏ hư hỏng, trong khi đó, hàng nghìn hộ dân vẫn phải sử dụng nước suối, nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh.

Tại các huyện miền núi Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long,… nhiều công trình nước sạch được đầu tư ít nhất vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng nhưng khi làm xong đưa vào vận hành liên tục gặp trục trặc kỹ thuật, nguồn nước dẫn về không có hoặc có nơi đường ống hư hỏng, thiếu chi phí vận hành.

Quảng Ngãi: Hoang phí hàng trăm công trình nước sạch ảnh 1

Công trình cấp nước sinh hoạt Đức Hòa - Đức Thạnh (huyện Mộ Đức) không đáp ứng đủ công năng. Ảnh. Nguyễn Ngọc

Điển hình như công trình cấp nước sinh hoạt thôn Mang Đen (xã Ba Vì, huyện Ba Tơ) dù đã được đầu tư hoàn thành 100% và đưa vào vận hành, nhưng đến nay vẫn chưa dẫn được giọt nước nào về cho người dân sử dụng. “Gần 3 năm nay, công trình vẫn chưa cấp nước cho người dân mà đường ống vỡ toác, bể chứa bị cỏ dại và đất đá phủ lấp”, ông Phạm Văn Hay (trú thôn Mang Đen, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ) cho biết.

Lý giải nguyên nhân, đại diện UBND huyện Ba Tơ cho biết, do tuyến ống từ đầu mối về khu xử lý có chiều dài 150m của giai đoạn I dự án bị mưa lũ cuốn trôi vào năm 2020 nên không thể dẫn nước từ suối về các bể chứa nên không có nước.

Theo thống kê, tại huyện miền núi Ba Tơ, trong số 75 công trình cấp nước sạch nông thôn thì có 40 công trình không có nước, còn lại lâm cảnh lúc có lúc không. Rất nhiều công trình đã hoàn thành sau nhiều năm vẫn chưa cấp được một giọt nước nào cho người dân, bỏ hoang nên đã hư hỏng nặng.

Tại huyện miền núi Trà Bồng hiện có 57/170 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã dừng hoạt động, số còn lại hầu hết rơi vào tình trạng “kém bền vững”. Ông Hồ Văn Truyền (ở thôn Tre, xã Trà Tây, huyện Trà Bồng) cho hay, vì sống ở địa hình đồi núi nên không thể khoan giếng, mỗi khi nắng nóng là nước suối cạn nên ai cũng khổ. Gia đình phải dùng xô nhựa, lấy nước suối mang về gạn lấy nước trong để nấu ăn, uống, phần nước đục dùng để tắm rửa.

Tương tự, tại huyện miền núi Minh Long, đến cuối năm 2022, toàn huyện có 33 công trình cấp nước sạch nông thôn được nhà nước đầu tư xây dựng tại các địa phương để cấp nước sạch cho người dân. Thế nhưng, có đến 19 công trình không hoạt động và 6 công trình hoạt động cầm chừng. Người dân mỗi ngày phải băng qua các bể nước sạch, ra tận sông suối lấy nước để sinh hoạt.

Thiết kế không phù hợp nhu cầu sử dụng

Quảng Ngãi: Hoang phí hàng trăm công trình nước sạch ảnh 2

Hàng nghìn hộ dân hàng ngày vẫn phải sử dụng nước suối, nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 513 công trình cấp nước nông thôn tập trung được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong số đó chỉ có 36 công trình hoạt động ổn định và tương đối bền vững, số còn lại (477 công trình) rơi vào cảnh phơi nắng phơi mưa, các thiết bị tại hệ thống trạm bơm bị rỉ sét, đường ống hư hỏng, bể chứa nước và nhà quản lý nứt nẻ cỏ dại mọc um tùm.

Điều này vừa gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước, vừa ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân vì thiếu nước để sinh hoạt, đặc biệt vào các tháng mùa khô.

Theo tìm hiểu của PV, nhiều công trình nước sinh hoạt xây dựng thiết kế không phù hợp với nhu cầu của người dân khiến tỷ lệ đấu nối sử dụng thấp, dẫn đến công trình “đắp chiếu” vì thu không đủ chi.

Công trình cấp nước sinh hoạt Đức Hòa - Đức Thạnh (huyện Mộ Đức), được đầu tư năm 2019 với kinh phí 10 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2021. Công suất thiết kế 800m3/ngày đêm (tương đương 500 hộ sử dụng), nhưng thực tế chỉ sử dụng 44m3/ngày đêm (28 hộ).

Tại thôn 1 và thôn 2, xã Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa) có 370 hộ dân, với hơn 1.260 nhân khẩu thì có khoảng 200 hộ thiếu nước sinh hoạt. Tại đây đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người dân có nguồn nước phục vụ đời sống, sinh hoạt, nhưng một số công trình chưa phát huy hiệu quả.

Năm 2005, Chương trình Phát triển nông thôn (RUDEP) đầu tư 2 công trình nước sinh hoạt phục vụ cho các hộ dân ở xóm Nước Ngọn và Cây Da, thôn 2. Tuy nhiên, hầu hết các đường ống cấp nước, bể chứa, van lấy nước, van xả... của 2 công trình này đều sớm bị hư hỏng.

Đầu năm 2015, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi triển khai dự án cấp nước sinh hoạt cho xã Nghĩa Thọ (nay đã sáp nhập vào xã Nghĩa Thắng), với tổng đầu tư hơn 5,8 tỷ đồng. Công trình dẫn nước từ suối qua hệ thống bể lọc rồi theo đường ống dẫn nước về từng hộ dân. Thế nhưng, do thiếu quản lý, duy tu, bảo dưỡng nên đường ống đã hư hỏng, không thể dẫn nước về cung cấp cho người dân.

Ông Võ Quốc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nguyên nhân dẫn đến các công trình hoạt động kém bền vững hoặc không hoạt động là do công tác quản lý, đầu tư xây dựng còn nhiều thiếu sót. Nhiều công trình sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư không kiểm tra, đánh giá các thông số đạt được so với thiết kế; không có quy trình quản lý, vận hành; không có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực vận hành. Sở đã kiến nghị UBND tỉnh cần ưu tiên hỗ trợ kinh phí để duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn các huyện miền núi và khu vực khó khăn về nguồn nước.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.