Quảng Nam sẽ 'xoá sổ' Thủy điện Đắk Di2?

Thủy điện đang là nỗi ám ảnh của nhiều người trong mùa mưa bão
Thủy điện đang là nỗi ám ảnh của nhiều người trong mùa mưa bão
TP - Ngày 26/11, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay đã chỉ đạo thu hồi quyết định về việc cho Cty CP Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long thuê đất để xây dựng Nhà máy thủy điện Đắk Di 2. “Lệnh” của vị chủ tịch được đưa ra sau 6 ngày kể từ khi Quyết định 3272 được ban hành. 

Trước đó, ngày 20/11, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký Quyết định số 3272/QĐ - UBND tỉnh (ngày 20/11) về việc cho Cty CP Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long thuê đất để xây dựng Nhà máy thủy điện Đắk Di 2 tại xã Trà Don và Trà Nam, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam (đợt 2).

Theo đó, cho Cty này thuê 31.524,2m2 đất gồm 10.609,8m2 tại xã Trà Don và 20.914,4m2 tại xã Trà Nam để đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Đắk Di 2.

Trước đó ít ngày lãnh đạo tỉnh khẳng định không chủ trương phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Nơi xây dựng thủy điện Đắk Di 2 là huyện Nam Trà My nơi vừa xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đất, vùi lấp làng mạc, nhà cửa của dân, hiện vẫn còn hơn chục mạng người chưa được tìm thấy.

Người ký quyết định này cho rằng, thủy điện Đắk Di 2 nằm trong số 36 thủy điện vừa và nhỏ đã được phê duyệt trước đó. Trong buổi trả lời phỏng vấn với PV Tiền phong, ông Hồ Quang Bửu cũng cho rằng thủy điện đem lại nguồn lợi kinh tế lớn và cũng có mặt trái, tuy nhiên chưa có cơ sở để nói rằng thủy điện là nguyên nhân của những trận sạt lở vừa qua.

Được biết, dự án thủy điện Đắk Di 2 công suất lắp máy dự kiến 12 MW. Mực nước dâng bình thường 427 m. Điện lượng trung bình hằng năm 46,45 triệu kWh/năm. Vốn đầu tư dự kiến 270 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo UBND huyện Nam Trà My, vị trí xây dựng đập và Nhà máy thủy điện Đắk Di 2 ở lưu vực sông và khu vực trồng lúa, không ảnh hưởng và không phá rừng phòng hộ và rừng tự nhiên.

Yêu cầu thu hồi, rà soát lại

Tại Quảng Nam, hiện có 46 dự án thủy điện, trong đó có 36 thủy điện vừa và nhỏ.

Vấn đề xây dựng thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ từng gây không ít tranh cãi, cảnh báo về những hệ lụy của nó. Cách đây 3 năm, tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX (năm 2017) từng có ý kiến phản đối gay gắt trước đề xuất xây dựng thêm 4 thủy điện ở huyện Nam Trà My.

Bà Lê Thị Thủy lúc đó là Trưởng Ban dân tộc tỉnh Quảng Nam từng cảnh báo, việc xây dựng thêm thủy điện mới chỉ tính đến góc độ kinh tế nhưng vấn đề lâu dài như mất đất, mất rừng “chưa được tính toán kỹ”. Diện tích đất rừng bị thu hẹp để làm thủy điện sẽ tác động đến môi trường sinh thái, gây biến đổi khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng đời sống, văn hóa của người đồng bào dân tộc miền núi gắn liền với thiên nhiên, gắn liền với rừng. “Giờ chúng ta phá dần dần thì hậu thế 100 năm sau nói chúng ta là tội đồ” - bà Thủy gay gắt.

Trao đổi với Tiền phong, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, việc ký Quyết định 3272 là chưa phù hợp. Trước khi có Quyết định 3272, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát các thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn để báo cáo Thường vụ cho ý kiến.

“Ngày 11/11 tôi đã chỉ đạo rà soát các thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh để báo cáo Thường vụ cho ý kiến, nhưng Sở Tài nguyên & Môi trường chưa nắm rõ chỉ đạo này và tham mưu ký cho Thủy điện Đắk Di 2 thuê đất là chưa phù hợp. Tôi đã chỉ đạo phải thu hồi để chờ rà soát, tổng hợp báo cáo Thường vụ cho ý kiến chung, sau đó mới xem xét” - ông Thanh nói. 

Xử phạt thủy điện tích "bom nước" trong bão lũ 500 triệu đồng
Ngày 26/11, Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế thông tin, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước đối với Cty Cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam - chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật, với mức phạt 500 triệu đồng.
Trước đó, như Tiền Phong liên tục thông tin, nhà máy thủy điện Thượng Nhật dù nhận được yêu cầu tuân thủ xả nước phòng lũ liên quan ứng phó cơn bão số 13, theo công điện của Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, nhưng vẫn ngang nhiên tích nước ở cao trình 115 mét. Ngọc Văn

MỚI - NÓNG