Kết quả thanh tra giai đoạn 2016-2018 cho thấy, Quảng Nam có16 dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 172,4 ha. Các chủ dự án đều lựa chọn phương án xin nộp tiền trồng rừng thay thế và đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt, với tổng số tiền 13,8 tỷ đồng nộp về Quỹ BV&PTR tỉnh để triển khai. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra hồ sơ năm 2019, còn 11,3 ha chưa thực hiện.
Trong giai đoạn 2016-2018, nguồn kinh phí thu được từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR)đưa vào Quỹ BV&PTR là trên 324,8 tỷ đồng và Quỹ đã chi gần 279,3 tỷ đồng… Đáng lưu ý, đoàn thanh tra phát hiện, năm 2016 Quỹ BV&PTR Quảng Nam chi trả cho 5 Hạt kiểm lâm 5,1 tỷ đồng gồm: Hạt Kiểm lâm Nam Trà My 3,3 tỷ đồng, Hạt Kiểm lâm Đại Lộc 535 triệu đồng, Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My 151 triệu đồng, Hạt Kiểm lâm Nông Sơn hơn1,1 tỷ đồng, Hạt Kiểm lâm Duy Xuyên 16 triệu đồng. Theo đoàn thanh tra, Quỹ BV&PTR chi số tiền trên là “có vấn đề”.
Các quyết định chi nêu trên do UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt cho Quỹ BV&PTR cho các hạt kiểm lâm-tổ chức không phải là chủ rừng để các hạt kiểm lâm trích lại 10% nguồn kinh phí DVMTR là chưa đúng với quy định tại Nghị định 99/2010 về chính sách chi trả DVMTR.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt hệ số K= 1 (đối với rừng tự nhiên), K=0,9 (đối với rừng trồng) để tính toán chi trả dịch vụ môi trường. Tuy nhiên, việc áp dụng cào bằng hệ số K=1, không căn cứ vào loại rừng, trạng thái rừng, quy hoạch 3 loại rừng và mức độ khó khăn là không đúng theo quy định tại Thông tư số 80 (năm 2011) của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn phương pháp xác định tiền chi trả DVMTR.
Tại kết luận thanh tra, Tổng cục Lâm nghiệp cũng chỉ ra nhiều sai sót ở một số chủ rừng. Đơn cử, tại Ban quản lý (BQL) Rừng phòng hộ huyện Đông Giang, năm 2017 đã sử dụng kinh phí 10% tiền DVMTR để tổ chức 27 hội nghị với 966 người tham gia.
Trong chứng từ đơn vị này ghi là họp giao ban với UBND xã, thôn, bản và hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng với tổng số tiền là trên 157 triệu đồng. Theo Thanh tra của Cục Lâm nghiệp chi như vậy là chưa phù hợp với nội dung chi “tổ chức tập huấn; hội nghị; hội thảo” đã được quy định cụ thể.
Tương tự, BQL Khu bảo tồn loài Sao La năm 2016 đã sử dụng kinh phí 10% để chi cho các hạng mục nhà công vụ, tường rào cổng ngõ, sân nền với hơn 400 triệu đồng là chưa phù hợp nội dung chi theo quy định.
Ngoài ra, đoàn thanh tra còn phát hiện tại BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Tranh, năm 2018 đã sử dụng kinh phí tự bảo vệ để chi mua bảo hiểm ô tô, tiếp khách, mua trang thiết bị… là chưa phù hợp với nội dung chi.
Từ kết quả thanh tra, Tổng cục Lâm nghiệp kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở NN&PTNT, Quỹ BV&PTR tỉnh Quảng Nam và các đơn vị liên quan khắc phục, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý theo quy định.
Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu BQL quỹ BV&PTR Quảng Nam: Làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan, xử lý theo quy định pháp luật liên quan đến vấn đề Quảng Nam áp dụng hệ số K không đúng quy định: Làm rõ các khoản chi sai đối tượng cho các hạt kiểm lâm về kinh phí 10% từ phí DVMTR và sử dụng kinh phí 10% để thanh toán tiền hội nghị nhưng lại ghi chứng từ là “họp giao ban”.
Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu Sở NN&PTNT, Quỹ BV&PTR tỉnh Quảng Nam và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra và báo cáo kết quả về Tổng cục trước ngày 30/10 tới.