Quảng Trị:

Quăng hơn 4 triệu USD xây Trung tâm bảo trợ xã hội… để ngắm

Trung tâm Bảo trợ Xã hội 1 tỉnh Quảng Trị có quy mô bề thế với hàng loạt dãy nhà nằm trên diện tích 13,6 ha nhưng “xây xong để…ngắm”.
Trung tâm Bảo trợ Xã hội 1 tỉnh Quảng Trị có quy mô bề thế với hàng loạt dãy nhà nằm trên diện tích 13,6 ha nhưng “xây xong để…ngắm”.
TPO - Ấy là thực cảnh hiện tại của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 tỉnh Quảng Trị. Công trình được xây dựng trên diện tích 13,6 ha, hoàn thành vào cuối năm 2014 nhưng hiện vẫn chưa đi vào hoạt động được.

Hơn 4 triệu đô…

Đến Trung tâm vào thời điểm cuối tháng 11 này, nhiều người không khỏi chạnh lòng xót xa bởi ập vào mắt là hàng loạt dãy nhà rộng lớn, bề thế nằm trong khuôn viên rộng 13,6 ha tại xã Cam Hiếu ở huyện Cam Lộ đang phải để trống lạnh, vắng vẻ.

Tìm hiểu của PV Tiền Phong cho thấy, năm 2010, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt dự án xây dựng công trình Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh Quảng Trị (ngày 20/10/2016, được đổi tên thành Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp 1 tỉnh Quảng Trị) do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Trị làm chủ đầu tư với kinh phí 96,9 tỷ đồng (tương đương hơn 4 triệu USD, trong đó 77 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh Quảng Trị).

Trung tâm được xây dựng trên diện tích 13,6 ha, gồm 7 phân khu: Khu làm việc của cán bộ; văn hóa và điều trị; quản lý cai nghiện và mại dâm; tâm thần kinh; học nghề và sản xuất; chăn nuôi, tăng gia trồng trọt; khu kỹ thuật.

Quăng hơn 4 triệu USD xây Trung tâm bảo trợ xã hội… để ngắm ảnh 1
Quăng hơn 4 triệu USD xây Trung tâm bảo trợ xã hội… để ngắm ảnh 2 Dù đã được đổi tên hơn 1 năm rồi (20/10/2016), song cổng chính của Trung tâm vẫn để mặc với tên gọi cũ.

Trung tâm ra đời nhằm góp phần ngăn chặn, hạn chế tốc độ gia tăng người nghiện ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS cũng như các bệnh truyền nhiễm khác. Đồng thời giáo dục, chữa bệnh cho người nghiện ma túy, gái mại dâm và đối tượng tâm thần kinh, tạo điều kiện cho các đối tượng sau thời gian học tập, chữa bệnh tập trung ra ngoài hòa nhập cộng đồng.

Trung tâm cơ bản hoàn thành các hạng mục chính vào cuối năm 2014 với số vốn 77 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Tỉnh Quảng Trị cũng chi ra 6 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để xây dựng đường thảm nhựa dài 1,1km đi vào Trung tâm và một số đường bên trong nối các phân khu.

Quăng hơn 4 triệu USD xây Trung tâm bảo trợ xã hội… để ngắm ảnh 3
Quăng hơn 4 triệu USD xây Trung tâm bảo trợ xã hội… để ngắm ảnh 4 Nhân viên phải thường xuyên cắt cỏ, dọn dẹp ở Trung tâm… "bỏ hoang" này. Ảnh: N.V.

Xây Trung tâm xong để… cắt cỏ

Ngày 31/5/2016, UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định thành lập Trung tâm với đầy đủ “ban bệ” gồm Ban Giám đốc cùng 5 phòng chuyên môn. “Tính đến tháng 11 này đơn vị đã đi vào hoạt động được hơn 4 tháng với đội ngũ 16 cán bộ, viên chức. Song hiện Trung tâm chưa nhận được bất kỳ đối tượng nào như mục tiêu dự án đề ra”, Giám đốc Trung tâm Trần Văn Thành nói. Lý do? Ông Thành cho hay, theo Nghị định 221 ngày 30/12/2013 của Chính phủ, muốn đưa người nghiện vào Trung tâm cai nghiện theo dạng bắt buộc thì cần 37 đến 40 ngày để làm đầy đủ 17 loại giấy tờ từ cấp xã, huyện nên lúc hoàn thành hồ sơ thì đối tượng đã rời khỏi địa phương.

Quăng hơn 4 triệu USD xây Trung tâm bảo trợ xã hội… để ngắm ảnh 5
Quăng hơn 4 triệu USD xây Trung tâm bảo trợ xã hội… để ngắm ảnh 6

Ngoài 92 giường inox, hầu như ở Trung tâm không có thêm trang thiết bị nào khác.

Theo ông Thành, trang thiết bị tại Trung tâm hiện thiếu rất nhiều, gần như là “rỗng ruột”, chỉ có 92 giường inox, nên người bệnh có nhu cầu vào Trung tâm khá đông, song chưa thể tiếp nhận được. Ông Thành nói, hầu như Trung tâm không thêm trang thiết bị nào khác.

“Trung tâm muốn đảm bảo hoạt động thì cần tuyển thêm 10 đến 20 cán bộ và phải trang bị đầy đủ cơ sở vật chất. Hiện cán bộ, nhân viên ở đây đang thường xuyên cắt cỏ, dọn dẹp Trung tâm "bỏ hoang" này, nhưng cũng không xuể”, ông Thành nói.

MỚI - NÓNG