Theo đó, mỗi địa phương có một kiểu sai phạm riêng: Nơi chia đều trên đầu hộ gia đình, nơi khấu trừ nợ, nơi cấp sai đối tượng, nơi để lại làm quỹ dự phòng...
Mức độ sai phạm cũng mỗi nơi mỗi khác. Có nơi do không có danh sách và chuẩn người nghèo nên phải chia bình quân. Nơi khác thì cố tình khấu bớt tiền của người nghèo để chia cho bà con họ hàng thân thích. Có nơi cán bộ linh hoạt trừ ngang số tiền mà người nghèo đang nợ thôn, xã.
Nhận định bước đầu của các chuyên viên thanh tra vụ việc này là sai phạm trên diện rộng với nhiều mức độ khác nhau. Dù rất khẩn trương, nhưng chúng tôi cũng rất thận trọng để phân loại các hình thức và mức độ sai phạm, để từ đó có đề xuất hình thức xử lý phù hợp.
Cũng theo ông Vân, tinh thần chỉ đạo của tỉnh là xử lý sai phạm một cách nghiêm khắc, đủ sức răn đe và lấy lại niềm tin trong nhân dân. Tùy theo mức độ sai phạm để có hình thức xử lý phù hợp. “Nặng, thì bàn giao hồ sơ sang CA xử lý hình sự. Nhẹ hơn thì xử lý hành chính như cách chức, buộc thôi việc, cảnh cáo, khiển trách...”- Ông Vân nói.
“Qua vụ này phải làm kỹ, kiên quyết, cứng rắn, nghiêm khắc để làm bài học, làm gương cho những kẻ vô cảm trước những khổ đau của đồng loại” - Ông Vân khẳng định. “Chúng tôi sẽ kết thúc vụ việc này đúng thời gian mà lãnh đạo tỉnh yêu cầu, đảm bảo minh bạch không sót người, lọt tội. Các đối tượng bị xử lý phải tâm phục, khẩu phục”.