Quảng Bình: Kéo điện lưới chồng lên điện mặt trời

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong khi dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Bình vừa mới hoàn thành, chưa quyết toán, thì tỉnh này lại rục rịch triển khai dự án kéo điện lưới trùm lên địa bàn 2 xã có dự án điện mặt trời.

Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới tỉnh Quảng Bình được khởi động từ năm 2010. Chính phủ Hàn Quốc nhận tài trợ thông qua hiệp định vốn vay ODA giữa hai chính phủ với số vốn 12 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 1,783 triệu USD.

Quảng Bình: Kéo điện lưới chồng lên điện mặt trời ảnh 1

Dự án điện năng lượng mặt trời vừa đưa vào sử dụng đã hỏng hóc

Đây được xem là dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam từ nguồn vốn vay ODA. Khu vực triển khai dự án trải rộng trên địa bàn 8 xã của 4 huyện, với gần 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, dịch vụ công được hưởng lợi. Quá trình thực hiện, ban điều hành dự án đã để xảy ra nhiều sai phạm trong đấu thầu, bị báo chí phanh phui, buộc phải hủy bỏ kết quả đấu thầu, thay mới giám đốc điều hành... khiến dự án bị kéo dài so với tiến độ đề ra.

Năm 2014, khi dự án năng lượng mặt trời đang triển khai thì UBND tỉnh Quảng Bình quyết định đầu tư dự án kéo điện lưới trùm lên hầu hết địa bàn của dự án năng lượng mặt trời, với số vốn hơn 360 tỷ từ ngân sách T.Ư. Để xử lí đống thiết bị năng lượng mặt trời đã nhập về sau khi kéo điện lưới, UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý cất vào kho theo đề xuất của Sở Công Thương. Tại thời điểm đó, bị dư luận phản ứng, Quảng Bình đã dừng dự án kéo điện lưới.

Một cán bộ “chạy” khỏi dự án năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình cho rằng: Việc kéo điện lưới lên vùng sâu, vùng xa là cần thiết vì dự án điện năng lượng mặt trời không đáp ứng được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trước khi kéo điện lưới, tỉnh Quảng Bình cần xử lí sai phạm của những người có chức trách trong dự án điện năng lượng mặt trời. “Gần 14 triệu USD đổ sông đổ biển, cần phải có ai đó chịu trách nhiệm chứ!” - vị này nói.

Nhiều thiết bị hỏng hóc

Sau nhiều trục trặc, đến nay dự án năng lượng mặt trời vừa mới hoàn thành, đưa vào sử dụng, chưa quyết toán, bất ngờ UBND tỉnh Quảng Bình lại triển khai dự án điện lưới lên 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch, nơi có dự án năng lượng mặt trời. Theo đó, ngày 7/7/2022, UBND tỉnh Quảng Bình ra Quyết định số 1872, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp điện lưới cho các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, do Sở Công Thương làm chủ đầu tư.

Mục tiêu của dự án này là phát triển lưới điện trung áp, hạ áp từ nguồn lưới điện Quốc gia về xã Tân Trạch, Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, đáp ứng nhu cầu năng lượng điện cho việc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng khu vực biên giới... Quy mô dự án có hơn 44km đường dây trung áp, trong đó có hơn 27km đi ngầm dưới đất và hơn 8km đường dây hạ áp, tổng vốn đầu tư là 110 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách địa phương.

Vì sao tỉnh Quảng Bình lại kéo điện lưới chồng lên điện mặt trời? Theo tìm hiểu, dự án năng lượng mặt trời vừa mới đưa vào sử dụng 2 năm nhưng đã hư hỏng, nhiều nơi không sử dụng được. Trước đây, khi thuyết minh dự án, người ta nói là điện thu về từ các tấm pin năng lượng mặt trời đủ dùng cho sinh hoạt và sản xuất, trong đó đã tính toán phát sinh hết vòng đời 20 năm của dự án. Tuy nhiên, hiện nay ở các địa bàn sử dụng năng lượng mặt trời, nhiều nơi điện thắp sáng không có. Để khoả lấp dự án “tai tiếng” này, phải chăng Quảng Bình phải kéo điện lưới.

Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Dự án năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình thừa nhận, hầu hết các địa bàn hưởng lợi từ dự án điện mặt trời đang khó khăn về điện thắp sáng vì thiết bị hỏng hóc sau khi nhà thầu bàn giao. Đến nay dự án vẫn chưa thể quyết toán nên không có nguồn để sửa chữa.

Khi được hỏi về việc kéo điện lưới chồng lên thì điện mặt trời sẽ được xử lí ra sao? Ông Hà nói, chưa quyết toán được nên chưa có phương án nào hết.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.