Quảng bá du lịch: Không thể bỏ kênh truyền hình Quốc tế

Hình ảnh quảng bá Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế
Hình ảnh quảng bá Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế
TP - Ngân sách hạn hẹp chỉ khoảng 2 triệu USD mỗi năm cho chuỗi hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia, tuy nhiên Tổng cục Du lịch vẫn xác định không thể bỏ qua các kênh truyền hình quốc tế uy tín.

THÊM KÊNH MỚI

Ngành du lịch phải khéo tiêu số tiền chi cho quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia khoảng 2 triệu USD mỗi năm. Ngoài các hội chợ du lịch quốc tế lớn và uy tín bậc nhất, các sự kiện xúc tiến tại các thị trường trọng điểm, Tổng cục Du lịch thường lựa chọn các kênh quảng bá trên loạt thương hiệu truyền hình quen thuộc, uy tín như BBC, CNN. Thủ đô Hà Nội cũng chọn CNN để phát sóng 15 phim quảng cáo với độ dài 60 giây trong chiến lược quảng bá thành phố năm 2019. Tất nhiên Hà Nội chịu chi, với khoảng 4 triệu USD trong vòng 5 năm liên tục.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch vừa có cuộc làm việc với đại diện kênh truyền hình Mỹ CNBC để bàn về kế hoạch hợp tác truyền thông mới. CNBC vốn là kênh tin tức truyền hình trả tiền của Mỹ, thông tin chuyên về kinh tế và tài chính. Không chỉ phát sóng nội địa, CNBC còn có nhiều phiên bản phục vụ các địa phương và quốc gia khác nhau.

Bà Sharon Koh, đại diện kênh CNBC cho biết, một trong những chương trình mới Global Traveler đi sâu khai thác lĩnh vực du lịch. Khán giả toàn cầu có thể tiếp cận điểm đến mới, con người văn hóa, di sản, ẩm thực và những thông tin hữu ích khác qua các chuyên mục như Discover, Taste, Experience, Connect. Các chuyên gia của kênh này nghiên cứu, phân tích nhu cầu của du khách châu Âu, châu Á khi tới Việt Nam đều mong muốn trải nghiệm cuộc sống của người bản địa trong hành trình du lịch.

Việt Nam xuất hiện trên kênh CNBC trong năm 2019 trong seri A journey through Vietnam (Hành trình xuyên Việt). Những điểm đến du lịch nổi tiếng như Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, TPHCM, Ninh Bình, Phú Quốc, Quảng Bình, Vườn Quốc gia Cát Tiên... xuất hiện trên kênh truyền hình này. Đại diện kênh này cho rằng, không chỉ quảng bá thắng cảnh đẹp của Việt Nam, chiến dịch quảng bá sắp tới nên tập trung hơn tới khách du lịch cao cấp, khách du lịch MICE (hội nghị hội thảo) với mức chi tiêu cao, nâng cao chất lượng du khách quốc tế.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch sau cuộc làm việc với đại diện CNBC đề nghị, kế hoạch truyền thông của CNBC về du lịch Việt Nam cần sáng tạo, đột phá và mang màu sắc riêng để tránh trùng với chiến dịch truyền thông sẵn có của du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế.

SLOGAN SÁNG TẠO

Câu chuyện không dừng lại ở việc quảng bá du lịch trên các kênh truyền hình thực tế, nhiều chuyên gia góp ý về slogan đi kèm để tăng ấn tượng với du khách. “Việt Nam vẻ đẹp bất tận” là slogan của du lịch Việt Nam trong những năm qua. Nếu bà Delilah Chan, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của CNN cho rằng slogan cơ bản đáp ứng được ba yếu tố khi xây dựng thương hiệu là rõ ràng, đơn giản và có khả năng phát triển thành các chiến dịch quảng bá lâu dài. Tuy nhiên đại diện CNBC lại có quan điểm hoàn toàn khác.

Ông Max Newnham, Giám đốc Chiến lược sáng tạo của CNBC nhận định trong Diễn đàn du lịch cấp cao 2019 rằng, slogan hiện nay chỉ phù hợp với những du khách từng tới Việt Nam. Khách du lịch chưa từng đặt chân tới Việt Nam khó được truyền cảm hứng từ con người, văn hóa cũng như thắng cảnh trong slogan đó. Vấn đề không nằm ở chỗ slogan sử dụng trong 8 năm hay bao lâu, mà sự phù hợp của slogan đó có nêu bật được nét đặc trưng độc đáo của du lịch hay không.

Trong hai thập kỷ qua, du lịch Việt Nam loay hoay đổi tới năm slogan: Điểm đến của thiên niên kỷ, Hãy đến với Việt Nam, Việt Nam-Vẻ đẹp tiềm ẩn, Việt Nam-Vẻ đẹp bất tận... Malaysia là minh chứng cho thấy việc đầu tư để chọn thật trúng slogan du lịch sử dụng dài lâu. “Truly Asia” và tới nay chưa lỗi mốt dù trải qua hơn 30 năm. Đại diện Chương trình du lịch Thụy Sĩ tại Việt Nam nêu ý kiến, việc xây dựng slogan cho thương hiệu du lịch quốc gia cần có sự đầu tư nhất quán. Malaysia mất tới năm năm trời để tìm được slogan phù hợp.

Các chuyên gia du lịch cho rằng, đến lúc Việt Nam nên lựa chọn slogan du lịch mới, vừa thể hiện nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam nhưng cũng phải đủ sức truyền cảm hứng để khám phá. Ông John Williams đại diện BBC gợi ý, slogan mới không nhất thiết đưa tên quốc gia vào, nên là cụm từ bao hàm dễ hiểu, mang ý nghĩa biểu trưng để mỗi người dân có thể truyền tải.

Quảng bá du lịch: Không thể bỏ kênh truyền hình Quốc tế ảnh 1 Du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng

Chính phủ thống nhất gia hạn miễn thị thực cho công dân các nước Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Belarus khi nhập cảnh vào Việt Nam. Thời hạn miễn tới 31/12/2022, với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh (thu hút 1,8 triệu khách quốc tế trong tháng 11), Chính phủ giao Bộ VHTTDL tiếp tục tăng cường xúc tiến, quảng bá để nâng cao chất lượng du lịch thu hút khách quốc tế.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.