Quần vợt, Big Minh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và…

Quần vợt, Big Minh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và…
TP - Và một nhân vật khác nữa, Lý Quý Chung. Ông là một nhà báo lão luyện của làng báo Việt Nam trước và sau 1975, một chủ bút độc lập quả cảm, đồng thời là một dân biểu Quốc hội, một nghị sĩ đối lập ở nghị trường miền Nam trước 1975 chống lại chính quyền Sài Gòn của Nguyễn Văn Thiệu.

>Cà Mau: Sẽ có đường mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ngày 30 Tháng Tư 1975, ông là một nhân chứng trong Dinh Độc Lập. Nhưng, bài viết này chỉ nhắc đến ông ở khía cạnh thú vị khác, liên quan đến trái banh nỉ.

Tổng thống Dương Văn Minh và thú đam mê tennis

Trong tập Hồi ký không tên, nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng 12 – 2004, tác giả Lý Quý Chung có đến 34 lần trực tiếp nhắc tới từ quần vợt và 8 lần nhắc tới từ tennis. Đó cũng là một thú đam mê của các chính khách, trong đó có đại tướng Dương Văn Minh, tức Big Minh, tức Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà.

“Đêm đầu tiên cũng là đêm cuối cùng ở Dinh Độc lập, ông Minh đùa: “Mình đã vào đây rồi và đã nhìn thấy nó nhưng mình sẽ không có cơ hội cầm vợt bước ra sân”.

Hồi ký kể, quần vợt là một thú đam mê của Big Minh. (Gọi đại tướng Dương Văn Minh là Big Minh để phân biệt với một tướng Minh khác, Trần Văn Minh, được gọi là Minh nhỏ). Hồi trẻ Big Minh còn chơi bóng đá. Ông từng là thủ môn của đội Thủ Dầu Một những năm 40.

Big Minh là một đấu thủ tennis có hạng tại miền Nam vào những năm 50, thế kỷ trước. Và mãi đến sau này ông vẫn một tuần 3 buổi đều đặn ra sân quần vợt. Chính Big Minh là người khuyến khích nhà báo, nghị sĩ Lý Quý Chung chơi tennis bằng cách tặng một cây vợt Spalding, một túi đựng vợt và banh, đồng thời mời đến sân số 4 ở Sẹc Tây vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu để cùng chơi với nhóm của ông.

Nhóm Dương Văn Minh chính thức thành lập năm 1970 nhằm vận động cho ông Minh ứng cử Tổng thống. Họ là tập hợp của những người mong muốn có một chính phủ mới không theo đuổi chiến tranh, hoạt động cho hoà giải và hoà hợp dân tộc. Sẹc Tây là tên thường gọi của Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn (Cercle Sportif Saigonnais), nay là Cung Văn hoá Lao động TP HCM.

Cũng theo lời kể của tác giả Lý Quý Chung, Sẹc Tây có những quy định hết sức chặt chẽ với các hội viên của mình, không dành cho bất cứ ai một ưu tiên hay ưu đãi nào, dù đó là bộ trưởng, tướng lãnh hay một nhà tài phiệt nổi tiếng. Thế nhưng hội đồng quản trị Câu lạc bộ Sẹc đã phá vỡ thông lệ của mình khi dành riêng cho ông Minh sân số 4, nơi có mặt sân tốt nhất, mỗi tuần 3 buổi sáng.

Và cũng chỉ có sân số 4, khi ông Minh chơi thì mới được đặt các ghế ngồi xuống sân. Ông Minh được mô tả là một vị tướng ăn nói nhỏ nhẹ, vừa trí thức vừa khiêm tốn.

Dù là hồi ký chính trị nhưng như đã nói, cuốn sách đề cập khá nhiều về tennis, một mặt vì quả bóng tennis có mặt trong các cuộc gặp gỡ, bên cạnh công việc, sự nghiệp của các chính khách. Mặt khác đó là thú chơi thực sự đam mê của họ.

Nhà báo Lý Quý Chung chơi tennis trong 3 năm, từ chỗ chưa xếp hạng, đã lên hạng nhất của câu lạc bộ. Tất nhiên, ngoài hạng nhất, còn có ngoại hạng. Lúc bấy giờ ở Sẹc Tây, xếp ngoại hạng là những cây vợt như Ôn Văn Năng – cha của tay vợt Ôn Tấn Lực những năm 90, Huỳnh Phú Quý – cha của tay vợt vô địch nữ Huỳnh Mai Huỳnh sau này. Nhà báo, nghị sỹ nổi danh đối lập này bấy giờ tuổi ngoài 30 đều đặn mỗi ngày chơi không dưới 3 set đơn, có ngày đến 4 set. Theo cách nói bây giờ là “giờ bay” nhiều.

Ông Chung chơi 3 năm bằng người khác chơi 6 năm. Sở dĩ ông tiến nhanh là vì trong thời gian tẩy chay hạ nghị viện, nghị sĩ đối lập này rảnh rỗi nên ngày nào cũng vào Sẹc Tây đánh quần vợt. Và trong một lần tình cờ, vị nhà báo này có cuộc đấu tay đôi với thiếu tướng râu kẽm, nguyên thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ mà ngoài đời, ông gọi là tay võ biền và “nặng phần trình diễn”.

Lúc đó là một buổi trưa năm 1974, ông Lý Quý Chung đang chơi tại sân số 1 ở Sẹc Tây. Ông Kỳ cũng vào chơi và gợi ý đấu một set. Trận đấu có cá độ. Lý Quý Chung thắng 6-3. Vị tướng này vui vẻ ra lệnh cho đàn em không quân bắt độ theo ông gom tiền chung độ trận thua ấy. Vị nhà báo này rõ ràng là cũng khá quyết liệt ngay cả trên sân tennis! Ông nghị này có vẻ “đối lập” đến cùng, ngay cả trên sân thể thao!

Với tất cả trân trọng, tập hồi ký không nói rõ Big Minh xếp hạng gì ở Câu lạc bộ Sẹc Tây. Chỉ nói rất kỹ phong cách chơi bóng của ông Minh. Đó là một lối đánh “rất kỹ thuật và đẹp”.

Không phải chơi theo cảm hứng, hoặc theo kiểu “mẹo mực” chém cưa xẻo gảy của những người tuổi về già: Trời chiều đường xa, gặp việc bất nghĩa (trên sân bóng) cũng phải làm(!). Ông Minh là người thích nghiên cứu sách vở để điều chỉnh lối chơi.

Trong thư viện riêng của ông ở Dinh Hoa Lan – sau này vẫn được chăm giữ tử tế cho vợ chồng ông ngay cả khi họ đã ra nước ngoài – có khá nhiều sách về tennis, nhất là các sách về kỹ thuật căn bản. Ông chăm sóc từng động tác kỹ thuật, từ cú giao bóng cho đến các cú đánh bên trái và phải, kể cả cú bỏ nhỏ hết sức lắt léo.

Sở trường của ông là cú giao bóng khá nặng và cú smash nhờ lợi thế thân hình cao to. Vậy là lối chơi quần vợt của ông Minh có thể coi là thuộc dạng danh môn chính phái. Những người chơi quần vợt thường nhận biết một điều qua sách vở dạy bí kíp võ công và nội công, rằng, chiến thắng không phải là điều quan trọng duy nhất đối với môn quần vợt và với tất cả các môn thể thao khác.

Vậy thì điều gì mới thực sự quan trọng? – Chính sự cố gắng để chiến thắng và cố gắng để tiến bộ là quan trọng. Danh sách các vận động viên từ dở trở thành giỏi là vì họ có sự khát khao và ước mong tập luyện thi đấu một cách chính xác là bất tận. Hãy nhớ rằng quần vợt là môn thể thao bạn có thể chơi từ lúc 3 tuổi đến 90 tuổi, và hơn nữa, những cú đánh bóng hay sẽ tồn tại cả đời.

Trên sân bóng của đời người, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã là một cây vợt thực sự danh tiếng, khát khao và ước mong tập luyện thi đấu một cách chính xác là bất tận

Sinh thời ông Minh rất ghét ông Thiệu, và ông đã nói không bao giờ vào Dinh Độc Lập ngay cả khi trúng cử Tổng thống ông vẫn sẽ ở lại Dinh Hoa Lan. Nhưng ông Minh có nói riêng với nhà báo Lý Quý Chung là “Mình sẽ vào đó đánh quần vợt”.

Sau Dinh Độc Lập có 2 sân tennis dành cho ông Thiệu và bạn bè của ông. Câu nói này thể hiện ý chí chính trị của ông Minh, như Lưu Bị trỏ roi về hướng Trường An mà nghĩ có ngày triệt hạ quân Tào! Số phận thật trớ trêu, cuối cùng họ đã vào đó nhưng không được chơi quần vợt.

Đêm đầu tiên cũng là đêm cuối cùng ở Dinh Độc lập, ông Minh đùa: “Mình đã vào đây rồi và đã nhìn thấy nó nhưng mình sẽ không có cơ hội cầm vợt bước ra sân”. Thời khắc lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, trên ô tô từ phủ thủ tướng về lại Dinh Độc Lập. Mười giờ sáng.

Trong đời họ đã trải qua nhiều thời khắc lịch sử, nhưng theo cuốn hồi ký cho biết, thì đây là thời khắc trọng đại nhất. Trên xe, Big Minh điềm tĩnh lạ lùng, nét mặt bình thản. Lúc này ông Lý Quý Chung nói, để phá vỡ sự im lặng: “Nếu cả chính phủ Sài Gòn sau này buộc phải đi “an trí”, tôi sẽ yêu cầu được quản thúc chung với đại tướng. Để chi, đại tướng biết không?”.

Đại tướng quay qua nhìn ông Chung: “Để chi?”. “- Để đại tướng và tôi có thể tiếp tục nói chuyện tennis với nhau”. Ông Minh vỗ đùi ông Chung, cười. (Trích trang 405, sđd).

Đánh tennis với Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Chẳng những không phải đi “an trí”, hồi sau, vị nhà báo – cựu nghị sĩ này còn có dịp đánh quần vợt với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chính tại nơi đã đến và đã thấy: Sân tennis trong Dinh Độc Lập.

Lý Quý Chung cũng chính là cây bút bình luận thể thao nổi tiếng Chánh Trinh. Sau giải phóng, khi mà ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa chưa quen với lối viết ca ngợi tài năng cá nhân, khen tặng ngợi ca đích danh cầu thủ là coi như rơi vào chủ nghĩa cá nhân, thì cách viết của Chánh Trinh như thế bấy giờ được coi là mới lạ và thu hút độc giả.

Và ông tiếp tục là nhà báo nổi tiếng, xây dựng và đặt dấu ấn thành công trên nhiều tờ báo sau năm 1975. Ông được Thủ tướng Kiệt mời đánh bóng với ông tại chính cái sân tennis trong Dinh Thống Nhất (tên mới của Dinh Độc Lập). Tại đây, nhà báo Chánh Trinh kể lại chuyện ông Minh từng có ý định vào đánh sân này.

Ông Kiệt lặng im một lúc rồi nói: “Ông Minh là một con người tốt và có lòng với đất nước. Hôm ông ra đi ông có tặng tôi một cái hộp dài như cái va ly để đựng vợt, giày, quần áo, bóng…dùng để đi đánh quần vợt. Về phần tôi cũng có chuẩn bị trước, tôi tặng lại cho hai ông bà hai huy hiệu của TP. HCM để hai ông bà vẫn nhớ mình là công dân của thành phố này dù có đi xa”. (Trang 447, sđd).

Tổng thống Dương Văn Minh (bên trái) và ông Lý Quý Chung (đứng giữa). Lúc này ông Lý Quý Chung vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thông tin trong chính phủ Dương Văn Minh. Ảnh tư liệu từ hồi ký, sđd
Tổng thống Dương Văn Minh (bên trái) và ông Lý Quý Chung (đứng giữa). Lúc này ông Lý Quý Chung vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thông tin trong chính phủ Dương Văn Minh. Ảnh tư liệu từ hồi ký, sđd.

Tôi có dịp tiếp xúc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt lần đầu vào mùa hạ năm 1995. Chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Quốc khánh Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tôi dẫn các em hội bút Hương Đầu Mùa của báo Hoa Học Trò vào Văn phòng Thủ tướng để Thủ tướng nói chuyện. Tôi nhớ trong câu chuyện ngắn gọn với các em, Thủ tướng nói: Kỷ niệm 50 năm, nói về năm mươi năm trước là rất quan trọng, rất ý nghĩa.

Nhưng một điều cũng rất quan trọng và ý nghĩa, là nói về năm mươi năm sau, nghĩ về năm mươi năm sau, làm gì cho năm mươi năm sau? Tôi nghĩ, lời phát biểu này thật giản dị mà minh triết. Là tư duy tích cực của một nhà kiến thiết. Phải làm gì cho tương lai chứ không chỉ nhắc hoài quá khứ. Từ đó, chúng tôi mạnh dạn cùng các em xây dựng một tờ báo thành công và để lại dấu ấn cho nhiều thế hệ.

Trong làng báo, sau này, tôi được đọc mẩu chuyện vui của Thủ tướng Kiệt. Trong một dịp vui, ông đố các nhà báo con heo khác con lợn thế nào? Và cuối cùng, ông giải đáp thật bất ngờ: Con heo ăn bắp, con lợn ăn ngô. Thật giản dị mà đầy khoan dung. Sự khoan dung văn hoá và sự cân bằng, tính đa chiều trong nhìn nhận sự vật hiện tượng…Tất cả đều có trong mẩu chuyện nhỏ của nhà lãnh đạo lớn.

Cho đến tận những giây phút cuối cùng, vị Thủ tướng này vẫn còn đau đáu với sự nghiệp đổi mới đất nước, bằng lòng khoan dung, và nhân hậu sâu sắc khi ông nói về hoà giải hoà hợp dân tộc, về câu chuyện một triệu người vui một triệu người buồn, về những điều không mới nhưng chưa cũ.

Trong hồi ký, nhà báo Chánh Trinh không nói Thủ tướng Kiệt đánh tennis như thế nào, phong cách ra sao. Nhưng trên sân bóng của đời người, ông đã là một cây vợt thực sự danh tiếng, khát khao và ước mong tập luyện thi đấu một cách chính xác là bất tận. Ông đã trọn đời chơi bóng, trọn đời cố gắng để chiến thắng và cố gắng để tiến bộ. Và những cú đánh bóng hay của ông đâu chỉ tồn tại cả đời.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.