Hàng trăm m2 trong khuôn viên di tích quốc gia Cột cờ Hà Nội cho thuê kinh doanh ăn uống. Ảnh: Minh Tuấn. |
Di tích quốc gia thành...quán cà phê
Nhiều người đi qua di tích Cột cờ Hà Nội trên đường Điện Biên Phủ đều không khỏi thán phục cho người chủ của hệ thống nhà hàng cà phê Highlands khi thuê được cả khuôn viên của di tích lịch sử quốc gia để mở nhà hàng chiếm trọn cả trăm mét mặt tiền phố Điện Biên Phủ và không gian đẹp nhất giáp đường! Có lẽ vì vị trí đắc địa có một không hai này nên khách khứa nườm nượp vào ra, chuyện trò náo nhiệt.
Tại khuôn viên Nhà hát Lớn, cà phê Highlands cũng chiếm gần hết phần sân và chỉ để lại một lối đi với hàng chục bàn mở từ sáng đến tối.
Lô gô và màu đỏ đặc trưng dãy ô che nắng của cà phê Highlands che khuất cả một góc nhà hát.
Ngay cả toà nhà Pháp cổ bên hồ Gươm, cạnh đền vua Lê do Nhà hát ca múa nhạc nhẹ VN quản lý cũng cắt ra hàng trăm m2 cả nhà và khuôn viên cho thuê mở nhà hàng Lục Thủy.
Ngoài ra, hàng loạt các cơ sở văn hóa lớn khác cũng đang mang hàng ngàn m2 đất công ra cho thuê nhà hàng, quán nhậu.
Điển hình như Bảo tàng Cách mạng VN cho nhà hàng bia hơi Lan Chín thuê cả trăm mét mặt tiền dọc theo phố Tràng Tiền.
Bảo tàng Lịch sử VN cũng có tới một nhà hàng và 2 “căng tin” nhộn nhịp khách đêm ngày.
Rạp xiếc Hà Nội từ nhiều năm qua đã mang hàng trăm m2 nhà đất công để kinh doanh nhà hàng.
Ngoài ra, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, còn hàng chục các cơ sở văn hoá, thể thao, di tích khác tại Hà Nội đang dùng nhà công, đất công cho thuê kinh doanh nhà hàng, dịch vụ. v.v.
Đại diện Chi cục Quản lý công sản Hà Nội khẳng định tình trạng vi phạm của các cơ sở văn hóa trong quản lý, sử dụng nhà công đất công là khá nhức nhối và tập trung vào các cơ sở do cơ quan Trung ương, bộ ngành quản lý.
Đất trong khuôn viên Rạp xiếc cho thuê mở nhà hàng . |
Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội cho biết, kết quả giám sát vừa qua cho thấy: vi phạm về sử dụng nhà công, đất công khá nhiều nhưng chậm được khắc phục, xử lý.
Số lượng tài sản công, nhà công đất công trên địa bàn Hà Nội là rất lớn tuy nhiên việc quản lý còn bị buông lỏng, nhất là sự phối hợp của nhiều cơ quan trung ương với Hà Nội rất hạn chế.
Thực hiện Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp lại các cơ sở nhà đất công, đến nay mới có 18/70 bộ, ngành, cơ quan trung ương, tổng công ty kê khai.
Trong đó mới phê duyệt được 50% đề án sắp xếp. Có tới 35/51 doanh nghiệp nhà nước của Hà Nội chưa kê khai; 19/57 sở ngành, đoàn thể chưa kê khai.
Không thể biện minh sai phạm
Ông Mai Xuân Vinh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý Công sản Hà Nội cho rằng nhà công, đất công, đất di tích lịch sử, đất phục vụ cho mục tiêu văn hóa dù là Trung ương hay địa phương quản lý đều phải tuân thủ các quy định và nguyên tắc của nhà nước.
Trao đổi với PV Tiền Phong, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội khẳng định, tình trạng xây dựng mở nhà hàng tại di tích Cột cờ Hà Nội, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Lịch sử... là sai quy định về quản lý kiến trúc, quản lý di tích và cần được xử lý. Bóp méo không gian di tích, xâm phạm vùng bảo vệ I, II bản chất là đã xâm phạm vào di tích. Nếu có thì chỉ được phép mở một quầy giải khát nhỏ phục vụ du khách thăm quan, nghiên cứu... |
Việc nhiều cơ sở thể thao, văn hóa, di tích, bảo tàng cho thuê mở nhà hàng, quán nhậu kinh doanh là trái với quy định.
Trường hợp thực hiện xã hội hóa, tăng thu cho các đơn vị sự nghiệp cũng phải có nguyên tắc, phù hợp chức năng nhiệm vụ, đảm bảo công khai, minh bạch và phải được sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
“Vừa qua tôi được biết khu liên hiệp thể thao quốc gia Mỹ Đình liên doanh liên kết, kinh doanh cho thuê mặt bằng, làm dịch vụ để lấy thu bù chi. Tôi cho rằng kể cả đơn vị này được cơ quan chủ quản cho phép cũng là sai về quy hoạch, sai chức năng, sai công năng, vi phạm nguyên tắc sử dụng đất”- ông Vinh khẳng định.
Cũng theo Chi cục Quản lý Công sản Hà Nội, tuyệt đối không thể biện minh bằng cách “lấy thu bù chi” hay tăng “quỹ phúc lợi” cho cơ quan bằng cách mang đất di tích, bảo tàng ra để cho thuê nhà hàng, quán bia được vì đây là những đơn vị được ngân sách đảm bảo.
Về trách nhiệm xử lý, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, nếu vi phạm thì thủ trưởng đơn vị trực tiếp cho thuê nhà công, đất công phải chịu xử lý và sau đó đến cơ quan chủ quản cấp trên.
“Không thể biện hộ cho hành vi sai phạm. Tôi khẳng định là không có ai được phép phê duyệt dự án xây bảo tàng kèm bán bia hơi hay là dự án xây dựng sân vận động quốc gia kết hợp nhà hàng cả! Nếu bảo lấy thu bù chi kiểu này thì cứ việc đè cổ học sinh ra thu tiền vượt quy định, cắt đất nhà trường ra mở quán bia hết sao?”- ông Mai Xuân Vinh nhấn mạnh.