Quản lý vỉa hè: Bên thu tiền, bên không cho bán

Quản lý vỉa hè: Bên thu tiền, bên không cho bán
TPO - Nhiều đại biểu chỉ ra có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong công tác quản lý, dẫn đến tình trạng bắt cóc bỏ dĩa và vỉa hè, lòng đường liên tục bị tái chiếm, dù các địa phương đã ra sức lập lại trật tự.

Sáng 5/7, kỳ họp thứ 5 HĐND TP HCM (khóa IX) đã diễn ra phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.

Đại biểu Diệp Hồng Duy cho rằng cách làm của chính quyền vừa qua sẽ còn tình trạng tái chiếm. Thành phố chưa giải quyết được tình trạng buôn bán hàng rong trên lòng đường. Đặc biệt là lực lượng bán hàng rong tại các chợ, siêu thị, trường học…

“Có tình trạng người kinh doanh đang thăm dò cách làm của địa phương để tái chiếm lòng đường, vỉa hè”, ông Duy cho biết.

Đại biểu Diệp Hồng Duy còn nêu một thực trạng khôi hài trong công tác quản lý vỉa hè là “một bên thì thu tiền cho bán, một bên thì không, dẫn đến tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”, lòng đường vỉa hè liên tục bị tái chiếm.

“Nhiều trường hợp người bán hàng rong rất manh động, có thể gây thương tích cho lực lượng trật tự đô thị như vừa qua ở quận Gò Vấp một phó chủ tịch phường bị chém khi xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Trong khi đó mức lương đối với cộng tác viên trật tự đô thị thấp, khoảng 2 triệu đồng/tháng mà còn không được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”, ông Duy cảnh báo.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng TPHCM đã chỉ đạo rất quyết liệt và tốn nhiều công sức nhưng, tình trạng tái lấn chiếm vẫn cứ diễn ra làm cử tri nghi ngờ về chủ trương đúng đắn này, đặc biệt là việc cho thuê vỉa hè sau khi ra quân lập lại trật tự.

Quản lý vỉa hè: Bên thu tiền, bên không cho bán ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm

“Thành phố phải giải thích rõ ràng, tính toán mức thu đồng thời phải công khai, minh bạch khi thực hiện việc này cũng như gắn trách nhiệm với từng cá nhân, người đứng đầu. Có như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh tạo được sự đồng thuận từ nhân dân”, bà Trâm nói.

Theo đại biểu Trâm, giải pháp lập lại trật tự vỉa hè là phải đảm bảo sinh kế, sắp xếp lại nơi kinh doanh buôn bán cho người bán hàng rong nhưng đến nay chỉ có 1 - 2 quận huyện làm được. Nhiều "phố hàng rong" vẫn còn nằm trên giấy, kể cả ở quận 1 dù đã có có đề án từ tháng 3.

Tại phiên khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu cũng cho rằng cử tri rất đồng tình chủ trương này nhưng cách làm thời gian qua là chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết.

Bà Châu cảnh báo nhiều người đang thăm dò cách làm của chính quyền địa phương để tiếp tục buôn bán, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè do một số cơ quan chức năng chưa thực hiện hết trách nhiệm kiểm tra, giám sát

"Dư luận nghi ngờ có tình trạng bảo kê, chống lưng hoặc lợi ích nhóm", bà Châu cho biết.

MỚI - NÓNG