Quản lý đất đai: Dễ làm sai, khó sửa

“Tổ bảo vệ thi công” ngày 10-8-2011 với đông đảo công an, dân phòng và đại diện ban ngành, khống chế vợ chồng ông Phúc Ảnh: Sáu Nghệ
“Tổ bảo vệ thi công” ngày 10-8-2011 với đông đảo công an, dân phòng và đại diện ban ngành, khống chế vợ chồng ông Phúc Ảnh: Sáu Nghệ
TP - Đất đai là tài sản lớn, là nguồn sống, nhưng người dân vẫn không có quyền định đoạt mà quyền ấy thuộc nhiều cơ quan, nhiều cấp dẫn tới thực trạng dễ làm sai mà khó sửa sai.

> Hà Nội: Giá đất đô thị cao nhất 29,2 triệu/m2

Bất cập

Ông Nhan Thủy Phúc ở số 284, khu vực Thạnh Hòa, phường Phú Thứ (Cái Răng, Cần Thơ) được cha mẹ để lại nhà cửa, lò gạch với hơn 6,4 ha đất.

Năm 1978, UBND tỉnh Hậu Giang (cũ) ra quyết định thu hồi đất làm xí nghiệp gạch ngói, ghi ranh giới: “Từ mé lộ đo vào 200 m”. Quyết định ghi mơ hồ và không giao cho ông, nhưng chính quyền ồn ào cưỡng chế, lấy đất bằng được.

Không có nơi sinh sống, ông khiếu nại. Thanh tra Cần Thơ thấy chưa cấp đất tái định cư cho ông là sai, còn phát hiện, lấy của ông Phúc ngoài phạm vi quyết định 1,4 ha đất.

Ông đòi “thực hiện đúng quyết định”, hoặc bồi thường thêm hoặc ra thêm quyết định, nhưng các cấp giải thích lòng vòng, né tránh. Xí nghiệp gạch ngói quốc doanh phá sản, khu đất giao cho Cty Cổ phần 586 làm dự án dân cư.

Giữa tháng 8-2011, Cty Cổ phần 586 làm đường trên đất chưa có quyết định thu hồi của ông nên ông ngăn cản. UBND phường Phú Thứ huy động công an, dân phòng lập “tổ bảo vệ thi công”.

Chủ tịch UBND phường Nguyễn Hoàng Phúc giải thích, làm theo chỉ đạo của quận. Chủ tịch UBND quận Mai Hồng Châu nói, chỉ bảo vệ thi công chứ không giải quyết tranh chấp đất.

Theo lãnh đạo Cty Cổ phần 586, đất được giao, đã trả tiền cho TP Cần Thơ, nay còn bị “công dân kiện hoài”. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói “sẽ cho xem xét thực tế, không định kiến”.

Thanh tra TP Cần Thơ cho biết, giở lại giải quyết giữa chồng chéo quy định là rất khó. Theo giá thị trường, 1,4 ha đất của ông Phúc hơn chục tỷ đồng.

Ở xã Thiện Mỹ (Châu Thành, Sóc Trăng), ông Nguyễn Công Khanh cho UBND xã mượn đất năm 1990, đến nay chưa đòi được.

Sau đó, UBND xã có văn bản bồi thường cho ông 1,5 nền nhà và 2.000 m2 đất ở “khu vực gần nhất để ông dễ dàng canh tác”. Các giấy tờ được Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tượng ký tên, đóng dấu, ông Khanh đang giữ.

Nhưng địa phương bội tín. Cam kết giao 1,5 nền nhà cho ông Khanh, địa phương cho rằng, nơi ở từ năm 1970 của gia đình ông Khanh ngoài đất mượn nhưng nằm trong quy hoạch chợ, và được ổn định thì coi như nền đất xã đã giao (?). Còn 2.000 m2, xã cho rằng, không có đất để trả.

Ông Khanh yêu cầu trả đất mượn, nhưng xã và huyện bác đơn. Năm 2001, UBND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định, chấp nhận khiếu nại của ông Khanh, nhưng bồi thường bằng tiền với giá rẻ mạt.

Năm 2009 và năm 2010, Thanh tra tỉnh Sóc Trăng làm việc, khuyên ông Khanh nhận tiền vì “đã phù hợp”, mà không rõ phù hợp với điều khoản luật nào. Trong lúc đó, huyện đem đất mượn cấp cho lãnh đạo nên ông Khanh ngăn cản. Khu đất hiện vẫn bỏ hoang.

Trục lợi, gian lận

Quản lý đất đai: Dễ làm sai, khó sửa ảnh 1
Vợ chồng bà Hương cùng con bên ngôi nhà sinh sống hơn 30 năm, từ khi bị thu hồi đất. Ảnh: Tuấn Anh.
 

Gia đình cô giáo nghỉ hưu Khưu Thị Kim Hương ở phường 3 (TP Sóc Trăng), bị thu hồi gần 3,6 ha đất. Trong đó, hơn 2 ha thu hồi năm 1977 để “mở rộng trường chính trị”; còn lại thu hồi về sau.

Hơn 2 ha thu hồi lần đầu, địa phương bồi thường hoa lợi trên đất mới khoảng 50% diện tích. Gần 1,6 ha thu hồi sau, bà Hương mới nhận 3 triệu đồng, kèm lời hứa 7 nền tái định cư (700 m2) nhưng bà chưa nhận.

Giữa năm 2007, phát hiện 2 ha đất thu hồi để “mở rộng trường chính trị” được chia lô cấp cho 95 người, hầu hết là cán bộ ở tỉnh, và nhiều người đã bán thu tiền tỷ.

Bà Hương nói, gia đình bà muốn được yên ổn sinh sống, con cái đông nên cần thêm vài nền tái định cư và đã mất nhiều đất, đừng bắt đóng tiền sử dụng đất mấy nền tái định cư. Bí thư Tỉnh ủy và Phó chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận, gia đình bà Hương có nhiều thiệt thòi, cần xem xét thêm.

Một số quan chức được cấp đất trên diện tích “mở rộng trường chính trị”, tỏ ra áy náy, muốn giải quyết thêm cho bà Hương để “không nhắc lại nữa”. Nhưng họ cũng nói, có quá nhiều quy định “dễ làm sai, khó sửa sai”, nên gia đình bà Hương vẫn khiếu nại đến nay.

Ở xã Thạnh Lộc (Giồng Riềng, Kiên Giang), có trường hợp chính quyền cấp sổ đỏ theo gian lận; án dân sự lại dựa vào đó phán quyết, đẩy một gia đình con của liệt sỹ vào đường cùng. Bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang ngày 17-6-1999, lập luận “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý” và “Nhà nước cấp cho ai, người đó có quyền quản lý sử dụng”.

Cha của bà Thái Thị Ngàn hy sinh, để đất cho anh em bà ở xã Thạnh Lộc. Mẹ bà Ngàn sau đó đi bước nữa với người ở xã Ngọc Chúc, sinh ra ông Đặng Văn Út. Khi các bậc cha mẹ qua đời hết, ông Út kiện ra tòa đòi đám đất bà Ngàn canh tác từ trước năm 1975.

Do ông Út có sổ đỏ được cấp năm 1997, ông đã dùng “Chứng thư cấp quyền sử dụng đất” năm 1971 của cha ở xã Ngọc Chúc, để làm sổ đỏ ở xã Thạnh Lộc. Hai xã này kề nhau nhưng hoàn toàn riêng biệt từ xưa đến nay. Hồ sơ cấp đất cho ông Út, tại UBND xã cũng như Phòng TN-MT huyện đều không có.

Đám đất là nguồn sống duy nhất của gia đình, bà Ngàn quyết không giao cho ông Út, chị em đánh nhau. Chính quyền đem công an, dân phòng đến cưỡng chế, và ba lần xử tù bà Ngàn.

Kiểm sát viên Lê Ngọc Lê, đại diện VKSND tỉnh Kiên Giang tại hai phiên tòa phúc thẩm xử tù bà Ngàn những năm trước, thừa nhận: “Chúng tôi đã có sai sót nghiêm trọng là không kiểm tra đầy đủ, chặt chẽ hồ sơ vụ án”. Mới đây, gia đình bà Ngàn làm đơn ra TANDTC cung cấp chứng cứ mới, xin xét xử tái thẩm.

Đề nghị cho dân sở hữu đất

Các nhà quản lý cũng như nhiều chuyên gia pháp lý phân tích, những rối rắm gỡ không ra trong quản lý đất, chủ yếu do, đất đai trong Hiến pháp là “sở hữu toàn dân”, trong Luật Đất đai là “sở hữu nhà nước” và trong thực tế như vô chủ.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, day dứt: “Luật đất đai của ta như một rừng chữ”. Cái “rừng chữ” ấy, theo ông Nhị, chỉ có lợi cho những kẻ trục lợi. Ông nói, luật và các văn bản dưới luật “thật tình là quá rối rắm, hiểu không hết nổi.

Trong đó lại có quá nhiều đường quanh, nẻo tắt; người ngay vận dụng là quá khó khăn, kẻ cơ hội, tham nhũng thì tha hồ kiếm chác”. Nguyên nhân của sự rối rắm, ông Nhị phân tích: “Cốt lõi của cái khó là nói sao để tránh cái “quyền sở hữu” của người dân nên mới có cấu trúc văn bản
phức tạp”.

Thành ủy Cần Thơ vừa có Báo cáo tổng kết nghị quyết “về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, trong đó đề nghị giao quyền sở hữu đất
cho dân.

Theo Thành ủy Cần Thơ, vì người dân chưa có quyền sở hữu nên sinh ra nhiều bất cập khác “về giá đất, về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường đất, giải quyết khiếu kiện”. Bất cập tạo điều kiện cho một bộ phận cán bộ, đảng viên trục lợi “gây ra sự bất bình trong quần chúng nhân dân”.

Nên trao quyền sở hữu đất cho người dân là “sửa đổi một cách cơ bản Luật Đất đai hiện hành cho phù hợp với thực tế tình hình phát triển xã hội hiện nay, khắc phục những vướng mắc giữa lý luận và thực tế về sở hữu đất đai”.

Lý do mấu chốt nhất là khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, mà mỗi người dân thoạt nghe đều rất khoái, nhưng suy ra thì không có mình trong cái “toàn dân” ấy”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG