> Kiểm tra đột xuất bể chứa các đại lý xăng dầu
> Nhiều nhà khoa học nghi hàng loạt xe cháy do xăng
Theo các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, còn nhiều kẽ hở trong quản lý chất lượng xăng dầu. Ảnh: Vũ Hạnh. |
Xăng dầu tư nhân tha hồ tác quái
Tại cuộc họp với Bộ Công Thương về việc quản lý chất lượng xăng dầu hôm qua (16-2), đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thừa nhận: Việc quản lý chất lượng xăng dầu hiện có vấn đề. Về cơ bản, khi xăng dầu nằm trong hệ thống của doanh nghiệp nhập khẩu như kho, tàu bè thì quản lý rất tốt, không phát hiện vi phạm. Chủ yếu vi phạm thời gian qua được phát hiện tại các cửa hàng xăng dầu thuộc các đại lý đầu mối, cửa hàng xăng dầu tư nhân.
Theo đại diện Petrolimex, hệ thống đại lý hiện chưa vận hành đúng Nghị định 84. Nghị định quy định mỗi đại lý, tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng với một thương nhân đầu mối, nhưng hiện nay khi vận hành họ vẫn tìm cách ký với nhiều đơn vị và không thể kiểm soát. Như vậy, xăng dầu nằm trong kho thì không thể phân định được của đầu mối nào kém chất lượng để xử lý. Bên cạnh đó, nếu phát hiện cũng chưa có chế tài xử lý.
“Đại lý họ có thể lách dưới nhiều hình thức như một chủ lập ra nhiều công ty để ký hợp đồng với các doanh nghiệp khác nhau, rồi gom lại đổ chung vào với nhau. Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng xăng dầu phải tiến hành từ kiểm soát hoạt động của hệ thống đại lý. Phải kiên quyết giám sát một đại lý đầu mối chỉ được ký hợp đồng với một doanh nghiệp nhập khẩu. Ngoài ra, chỉ có quản lý hoạt động toàn diện với các cửa hàng xăng dầu tư nhân thì mới đảm bảo được chất lượng”, vị này kiến nghị.
Cùng quan điểm trên, Phó Tổng GĐ Tổng Cty Dầu Việt Nam (PV Oil) Lê Xuân Trình khẳng định, khâu quản lý chất lượng xăng tại các doanh nghiệp đầu mối có thể hoàn toàn yên tâm. Ở các bồn chứa của doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp kiểm tra thường xuyên, có mẫu lưu, ghi rõ ngày giờ và có phòng thí nghiệm để kiểm tra các mẫu hàng.
Việc gian lận trong chất lượng xăng dầu có thể xuất phát ở khâu vận chuyển từ kho của các doanh nghiệp đầu mối đến các tổng đại lý, đại lý. Bên cạnh đó, theo Nghị định 84, doanh nghiệp đầu mối chỉ được kiểm tra tổng đại lý, đại lý về thủ tục. Cao nhất là chấm dứt hợp đồng nên khi phát hiện đại lý sai phạm cũng không có quyền xử phạt. Còn đại lý vi phạm bị phát hiện lại có thể nhanh chóng ký hợp đồng với doanh nghiệp khác khi bị cắt hợp đồng.
“Trong những thời điểm khó khăn, phần lớn các đại lý bán lẻ xăng dầu (khoảng 10.000 cửa hàng thuộc tư nhân) phải tìm cách để tồn tại trước. Theo đó, họ phải tìm cách duy trì bằng cách gian lận số lượng hoặc chất lượng. Cần có biện pháp để các đại lý thực hiện nghiêm túc Nghị định 84 và quy định về nhập xăng dầu từ các doanh nghiệp đầu mối”, ông Trình nói.
Cần cấm bán lẻ xăng dầu trong bình di động
Đại diện Cty Xăng dầu Petec cho rằng cần kiểm soát, thậm chí cấm hoạt động bán xăng dầu bán lẻ trong bình di động tại các tuyến đường. Bởi vì chất lượng xăng dầu tại đây bị thả nổi. Đại diện Petec kiến nghị cần nâng định mức chi phí tối thiểu cho kinh doanh xăng dầu lên cao hơn. Hiện, chi phí tối thiểu của các cửa hàng xăng dầu ở mức từ 850-900 đồng/lít xăng, trong khi chi phí quy định của nhà nước chỉ có 600 đồng.
Do không đủ chi phí nên các cửa hàng dễ khuất tất. Theo đại diện Petec, cũng cần có chính sách hỗ trợ lực lượng chức năng các địa phương trong việc kiểm tra, kiểm định chất lượng xăng dầu, bởi nguồn kinh phí của các cơ quan này có hạn (trong khi phí kiểm định rất lớn).
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, mới đây Thủ tướng có chỉ thị về việc công bố, xử lý các vi phạm kinh doanh xăng dầu và cần làm rõ trách nhiệm của đầu mối trong quản lý chất lượng xăng dầu thuộc hệ thống của mình. Tới đây sẽ tập trung xử lý tại một số đơn vị điển hình để tìm hiểu nguyên nhân chính. Trường hợp phát hiện có thể đề nghị tăng xử phạt đại lý, đặc biệt là với các hành vi vi phạm quy định một đại lý lấy hàng từ nhiều đầu mối.