Tham dự lễ kỷ niệm, về phía Việt Nam có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải...
Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào do đồng chí Phankham Viphavanh (Phăn–Khăm Vị-pha-văn), Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước dẫn đầu, cùng đông đảo cán bộ, lưu học sinh Lào đang học tập, công tác tại Việt Nam đã tham dự Lễ kỷ niệm.
Ôn lại truyền thống quan hệ hai nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cách đây 55 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam và Lào bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt, nhưng với những thắng lợi quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao của cách mạng Lào, Hiệp định Geneva 1962 về Lào đã được ký kết, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho cách mạng hai nước Lào và Việt Nam.
Với thời cơ và điều kiện thuận lợi đó, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962. Ðây là sự kiện lịch sử trọng đại, là dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Sau khi hai nước được giải phóng hoàn toàn vào năm 1975, để đưa quan hệ Việt Nam - Lào phát triển toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu, hai nước đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18/7/1977, trong đó nhấn mạnh: "Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị không gì lay chuyển được giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, tình đồng chí vĩ đại giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào được tôi luyện trong mấy chục năm đồng cam cộng khổ, cùng chiến đấu, cùng chiến thắng kẻ thù xâm lược, cùng hợp tác và giúp đỡ nhau xây dựng đất nước là một truyền thống quý báu, một sức mạnh vô địch của hai dân tộc, hai Đảng...".
Bốn mươi năm qua, Hiệp ước đó đã trở thành cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để không ngừng củng cố và phát triển quan hệ giữa hai nước, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Tổng Bí thư khẳng định: Những bài học lịch sử của mối quan hệ mẫu mực Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, những tư tưởng chỉ đạo và nội dung hợp tác nêu trong bản Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tiến trình phát triển của mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, để tăng cường hợp tác toàn diện, đưa quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam lên tầm cao mới, hai bên cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách và tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả những thỏa thuận, mục tiêu chiến lược đã đặt ra với tầm nhìn rộng hơn, toàn diện và lâu dài hơn nhằm không ngừng củng cố, tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam -Lào.
Dù khó khăn, gian khổ đến đâu chúng ta cũng nguyện giữ gìn và bảo vệ mối quan hệ Việt - Lào như giữ gìn con ngươi của mắt mình để mối quan hệ Việt - Lào "mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông" như lời khẳng định của Chủ tịch Kaysone Phomvihane.
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Phankham Viphavanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước Lào bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào luôn ghi nhớ, trong các trận chiến quan trọng trên đất Lào đều có máu và mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam.
Đồng chí Phankham Viphavanh khẳng định tình hữu nghị, tình yêu thương giữa hai dân tộc Lào - Việt Nam mãi mãi thủy chung trong sáng không bao giờ phai. Tình hữu nghị vĩ đại trong mối quan hệ đặc biệt và sự hợp tác toàn diện sẽ được củng cố, tăng cường tới mãi mai sau.
Sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước sẽ tiếp tục được vun đắp, không ngừng đơm hoa kết trái, góp phần xứng đáng cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện vì hạnh phúc và phồn vinh của các dân tộc trên thế giới.