Quân đội Thái và sự phổ biến vũ khí ‘Made in China’

Quân đội Thái và sự phổ biến vũ khí ‘Made in China’
TPO - Hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN) vừa lần đầu tiên tiến hành bắn thử tên lửa chống hạm tầm trung C-802A do Trung Quốc sản xuất vào hôm 5/4, theo tạp chí Jane’s.

Loại vũ khí này, là phiên bản xuất khẩu của dòng tên lửa YJ-83 đang có trong kho của hải quân Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLAN), đã được phóng đi từ khinh hạm Chao Phraya (thuộc lớp tàu Type 053 HT (H) cũng do Trung Quốc sản xuất, tại một địa điểm trên biển Andaman.

Theo Jane’s,  tên lửa YJ-83 “made in China” được triển khai để tấn công một mục tiêu giả định đang di chuyển, được làm bằng vật liệu phản xạ sóng radar, lúc đó cách cửa sông Kraburi, biên giới giữa  Thái Lan và Myanmar 100km. RTN cho hay, quả đạn tên lửa đã đạt vận tốc Mach 0,94 trước khi đánh trúng mục tiêu.

Quân đội Thái và sự phổ biến vũ khí ‘Made in China’ ảnh 1 Tàu Chao Phraya bắn tên lửa C-802A

Tên lửa C-802A có chiều dài tổng thể 5,15m, đường kính 360mm, nặng 800kg. Loại tên lửa này có thể được triển khai trong bão gió đến cấp 5, có thể mang theo đầu đạn nặng tới 190kg và tốc độ cao nhất là Mach 0,9 (1100km/h).

Tên lửa C-802A có tầm bắn tối thiểu 15km và tối đa 180km. Loại tên lửa có đường bay lướt trên mặt biển ở khoảng cách 20m nhưng đến pha cuối giảm độ cao còn 5m trước khi lao vào mục tiêu.

Tên lửa được trang bị hệ thống định vị quán tính và radar để dẫn đường tới mục tiêu, radar chi được bật lên ở pha cuối.

Sự kiện này một lần nữa khẳng định tính phổ biến của các loại vũ khí “made in China” trong quân đội Thái Lan.

Theo National Interest, Thái Lan có lịch sử lâu dài vận hành  và sử dụng thiết bị quân sự có nguồn gốc Trung Quốc, bắt đầu từ những năm 1980 khi Bắc Kinh bán vũ khí và thiết bị quân sự cho Thái Lan “với giá hữu nghị”, hoặc nói chính xác hơn là giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường, nhằm đối trọng với quân đội Việt Nam lúc đó đang tấn công quân diệt chủng Khmer Đỏ ở Campuchia.

Tuy nhiên, các vấn đề về chất lượng, thiếu dịch vụ hỗ trợ hậu mãi và các điều khoản liên quan đến việc cung cấp linh kiện đã cản trở việc sử dụng của hầu hết thiết bị quân sự Trung Quốc trong quân đội Thái Lan.

Trong năm 2010, lục quân Thái Lan đã phải sớm loại biên các xe tăng Type-69II MBT do Trung Quốc sản xuất bằng cách thả chìm xuống vịnh Thái Lan để làm các dải vật chất nhân tạo cho tôm cá làm chỗ trú ẩn.

Quân đội Thái và sự phổ biến vũ khí ‘Made in China’ ảnh 2  Xe tăng Type-69II MBT trong lục quân Thái Lan

Để giải quyết mối e ngại về chất lượng  liên quan đến vũ khí “China”, Bắc Kinh đề nghị Thái Lan cho xây dựng một trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu ở Khon  Kaen. Cơ sở này cho phép các ngành công nghiệp ở Thái lắp ráp, sản xuất và bảo dưỡng các thiết bị cho lục quân Thái Lan đồng thời cũng chuyển giao công nghệ cho ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của nước chủ nhà. Hơn nữa, để giải quyết vấn đề trước đây, trung tâm này cũng đóng vai trò nơi cung cấp linh kiện và các dịch vụ hỗ trợ hậu mãi.

Không giống như lục quân, RTN có ít kinh nghiệm sử dụng vũ khí và thiết bị Trung Quốc hơn. Cho đến những năm 1990, hải quân Thái Lan chủ yếu vận hành vũ khí phương Tây, các hoạt động huấn luyện và học thuyết quân sự cũng chịu ảnh hưởng lớn từ phương Tây.

Trong những năm 1990, RTN bắt đầu mua tàu chiến do Trung Quốc sản xuất làm tàu chủ lực của hải quân. Tàu lớp Chao Phraya vốn là một biến thể của khinh hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Giang Hồ (Type-053), được trang bị các tên lửa chống hạm C-801 hiện đại, là phiên bản xuất khẩu của dòng tên lửa YJ-81 của Trung Quốc. Mà YJ-81 là “hàng nhái” của loại tên lửa MM-38 Exocet do Pháp chế tạo. Các thiết bị, vũ khí khác trên tàu Chao Phraya cũng có xuất xứ Trung Quốc. Trong hải quân Thái Lan còn có tàu chở dầu Similan cũng là tàu do Trung Quốc sản xuất.

MỚI - NÓNG
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
TPO - Sự tham gia của 60 nam vương quốc tế cùng loạt hoa hậu, á hậu Việt tại giải chạy quốc tế góp phần kích cầu du lịch, quảng bá văn hóa, ẩm thực thành phố Vũng Tàu đến bạn bè quốc tế.