Quá trình bắt giữ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có gì đặc biệt?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mỗi ngày, hàng trăm người bị lực lượng thực thi pháp luật New York bắt giữ. Cựu Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ trở thành một trong số đó vào tuần tới.
Quá trình bắt giữ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có gì đặc biệt? ảnh 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Ông Trump bị truy tố liên quan đến những khoản tiền đã trả trong chiến dịch vận động bầu cử năm 2017 để “bịt miệng” người lên tiếng đã có quan hệ ngoài hôn nhân với ông, các luật sư của ông xác nhận ngày 30/3. Đây là vụ án hình sự đầu tiên đối với một cựu tổng thống Mỹ.

Dù cho rằng đây là “cuộc đàn áp chính trị” của một công tố viên Dân chủ nhằm vào “một người hoàn toàn vô tội”, ông Trump sẽ phải trình diện vào tuần tới, AP dẫn nguồn tin nắm được tình hình cho biết. Người này tiết lộ chi tiết quá trình trình diện diễn ra như thế nào.

Văn phòng Chưởng lý quận Manhattan Alvin Bragg cho biết đã liên lạc với luật sư của ông Trump để thực hiện quy trình đầu thú và buộc tội.

Với bất kỳ bị cáo nào ở New York, dù nghèo khó hay quyền lực, bị cáo buộc hình sự nghĩa là đều phải lấy dấu vân tay và chụp ảnh, trả lời một số câu hỏi cơ bản như tên và ngày sinh, rồi bị buộc tội. Tất cả bị cáo đều bị giam giữ trong ít nhất 7 giờ đồng hồ.

Có thể có những khác biệt về nơi diễn ra các bước đó, thời gian diễn ra hay bị cáo có bị còng tay hay không. Những điều đó phụ thuộc vào tính nghiêm trọng của vụ án và liệu bị cáo có đến đầu thú hay không.

Tuy nhiên, không có quy trình nào cho việc mật vụ Mỹ bảo vệ cựu tổng thống trong những lúc như vậy. Các mật vụ có nhiệm vụ bảo vệ các cựu tổng thống cho đến khi họ khẳng định không cần nữa. Ông Trump có thể vẫn sẽ yêu cầu các đặc vụ luôn ở bên cạnh.

“Đây sẽ là một ngoại lệ đặc biệt”, luật sư Jeremy Saland, một cựu công tố viên ở Manhattan, cho biết.

Saland dự đoán, nếu ông Trump bị truy tố, một quy trình tương đối nhanh chóng và được chuẩn bị cẩn thận sẽ diễn ra mà không cần bảo lãnh. Một cựu tổng thống sẽ không bị còng tay đi trên phố hay qua hành lang toà án đông đúc báo chí.

Nếu bị cáo được thông báo về bản cáo trạng hay việc sắp bị bắt, họ thường đến đầu thú để quy trình diễn ra bớt phức tạp và chứng tỏ họ không trốn tránh để có thể được tại ngoại.

Khi Allen Weisselberg - cựu giám đốc tài chính của tập đoàn Trump – bị truy tố với tội danh gian lận thuế năm 2021, Weisselberg đã đến trình diện trước khi toà án bắt đầu làm việc, mục đích là để tránh khả năng trở thành mục tiêu chú ý của truyền thông.

Weisselberg bị buộc tội rồi được thả sau 8 tiếng, sau đó phải đi qua một dãy ống kính của báo chí dọc hành lang để vào phòng xử án.

Ông trùm điện ảnh Harvey Weinstein đến đầu thú tại cơ quan cảnh sát Manhattan năm 2018 để đối mặt với các cáo buộc cưỡng hiếp và các tội danh liên quan đến tình dục khác. Ông ta bị giam trong một thời gian ngắn trước khi bị còng tay và đưa đến phòng xử án trước con mắt của hàng loạt phóng viên đứng ở hành lang và những người la ó.

Trong vòng khoảng 3 giờ đồng hồ sau khi đầu thú, Weinstein được thả với khoản tiền bảo lãnh 1 triệu USD và thiết bị giám sát điện tử.

Một vụ bắt giữ theo quy trình cũng vẫn là bắt giữ. Các bị cáo phải giao nộp điện thoại di động và một số vật dụng cá nhân để bảo đảm an toàn, và luật sư không được tháp tùng trong quá trình này. Người của cơ quan công tố thường khuyến cáo bị cáo mang ít đồ và im lặng để tránh có những phát ngôn bất lợi.

Năm 2011, khi một người dọn phòng khách sạn cáo buộc giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và ứng viên tổng thống tiềm năng của Pháp Dominique Strauss-Kahn tấn công tình dục, bị cáo bị bắt tại sân bay Kennedy.

Strauss-Kahn sau đó bị thẩm vấn trong suốt 36 tiếng đồng hồ, trải qua nhiều cuộc kiểm tra khác nhau trước khi bị buộc tội và bắt giam mà không được tại ngoại. Sau nhiều ngày bị giam trong nhà tù Đảo Rikers khét tiếng của thành phố, Strauss-Kahn được phép tại ngoại với số tiền bảo lãnh 1 triệu USD và bị quản thúc tại gia.

Cơ quan công tố Manhattan cuối cùng đã huỷ vụ án hình sự, sau khi Strauss-Kahn dàn xếp dân sự với người tố cáo.

Theo AP
MỚI - NÓNG