Quá tải tràn bệnh viện vì... thuốc lá

Thuốc lá là nguyên nhân gây ra một loạt các bệnh nguy hiểm như tim mạch, ung thư, đột quỵ...
Thuốc lá là nguyên nhân gây ra một loạt các bệnh nguy hiểm như tim mạch, ung thư, đột quỵ...
“67-73% bệnh nhân nằm ở các bệnh viện, gây nên tình trạng quá tải trầm trọng hiện nay là bệnh do thuốc lá gây nên như tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư. Vài chục năm nữa, ảnh hưởng của thuốc lá sẽ càng nghiêm trọng, nếu không giảm được số người hút thuốc”.

Chết vì thuốc lá: Những con số biết nói

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết tại buổi hội thảo Đại biểu Quốc hội với chính sách, pháp luật về thuế thuốc lá diễn ra tối ngày 3/11 tại Hà Nội.

Theo ông Khuê, tổng kết báo cáo của 1.200 bệnh viện cho thấy các bệnh không lây nhiễm chiếm 67-73% số người bệnh đang nằm viện điều trị, gây quá tải cho hệ thống y tế. Trong đó chủ yếu là do các bệnh liên quan đến thuốc lá gây nên: tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ; 97,8% các bệnh ung thư phổi là liên quan đến thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế thế giới, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 1990, lượng thuốc lá người Việt sử dụng rất ít, chỉ hơn 1 tỷ bao. Còn với 5 tỷ bao tiêu thụ vào năm 2013 thì đợi 20-30 năm nữa hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Cùng với già hóa dân số, các bệnh ung thư, chuyển hóa, tim mạch sẽ rất nặng nề, tốn kém.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, con số 40.000 người chết mỗi năm liên quan đến thuốc lá là quá khủng khiếp. Nếu so sánh với số người chết vì tai nạn giao thông là mười mấy ngàn, ít hơn nhưng người ta thấy rất sợ, rất khủng khiếp. Vì thế, chúng ta phải làm sao để người bệnh chết do ung thư, các bệnh khác phải cảm thấy sợ hãi như chết do tai nạn giao thông.

“Đó là những con số biết nói, cảnh báo về sự nguy hiểm của thuốc lá. Gánh nặng bệnh tật do thuốc lá trong tương lai sẽ rất nặng nề với 5 tỷ bao thuốc tiêu thụ năm 2013. Vì thế, mục tiêu y tế đặt ra là làm sao gánh nặng y tế toàn cầu, cụ thể là y tế Việt Nam. Muốn giảm được tỉ lệ hút thuốc lá phải tăng thuế thuốc lá đủ mạnh. Như ý kiến của chị Trương Thị Mai khi nói về vấn đề tăng thuế thuốc lá, chúng ta bàn về vấn đề này như một vấn đề nhân văn, chứ không phải vấn đề về kinh tế hay chống buôn lậu”, ông Khuê chia sẻ.

Vì thế, các chuyên gia kiến nghị các đại biểu Quốc hội cần nhắc tăng mức thuế như thế nào cho phù hợp.

Mức tăng thuế thuốc lá 5% là quá khiêm tốn!

Theo dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật thuế tiêu thụ đặc biệt đang được Quốc hội cho ý kiến, mức thuế với thuốc lá được đề xuất tăng từ 65% lên 70% vào năm 2016 và tăng lên 75% vào năm 2019.

Theo đánh giá nếu tăng 5% như dự thảo luật thì giá bán lẻ tăng không đáng kể, không theo kịp mức tăng thu nhập bình quân 4,8%/năm. Vì thế, sức mua thuốc lá vẫn tăng. Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá hầu như không thay đổi và có lẽ giữ nguyên ở con con số như hiện tại.

“Nếu mức tăng thuế thuốc lá chỉ là con số thêm 5% vào năm 2015 và 5% vào năm 2019 sẽ không có tác động tới việc giảm tiêu dùng, giảm tỷ lệ hút thuốc lá. Vì thế, phải tăng ở mức đủ mạnh để làm tăng giá thuốc lá và đây là một trong những biện pháp hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa thanh thiếu niên tập hút thuốc lá và giúp những người đang hút thuốc lá giảm hay bỏ hút thuốc nhằm góp phần giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra. Giá thuốc lá càng cao, khả năng tiếp cận với thuốc lá của thanh thiếu niên nói riêng, người hút thuốc càng ít đi, ông Khuê nhận định.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng mức tăng đề xuất như trên là quá khiêm tốn, quá thấp (trung bình 1,7%/năm) trong khi chỉ số trượt giá 4-5%, tăng trưởng kinh tế bình quân ít nhất cũng hơn 5%, các năm sau sẽ vươn lên cao hơn.

“Mức đề xuất tăng thuế thuốc lá là một vấn đề các đại biểu cân nhắc xem mức tăng này phù hợp hay chưa? Mức đề xuất của Chính phủ quá thấp, cái được lớn nhất là đem lại lợi ích chung, vì lợi ích sức khỏe của người dân”, ông Tiên nói.

Hầu hết các đại biểu đều đồng tình với chủ trương tăng thuế nhưng cho rằng mức tăng như dự thảo đề xuất “quá thấp, không có gì đặc biệt, tăng quá chậm”.

Đại biểu Đặng Đình Luyến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt câu hỏi với đại diện Bộ Tài chính- ban soạn thảo: “Tại sao lại tăng rụt rè như thế, tăng 5% vào năm 2016 đến năm 2019 tăng tiếp 5%; như vậy cả giai đoạn chỉ tăng 10%”.

Đại biểu Lê Quốc Khánh, nguyên ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội, chia sẻ, bản thân ông là một người từng hút thuốc lá, nhưng khi đi qua quán internet có rất nhiều thanh thiếu niên trong đó, mùi thuốc lá bốc lên khét lẹt, đến bản thân ông còn thấy khó thở, không chịu nổi. Trẻ em ở trong môi trường khói thuốc độc hại đó sẽ nguy hiểm như thế nào. Vì thế, ông Khánh cho rằng không có lý do gì để chần chừ việc tăng thuế và phải tính toán nên tăng bao nhiêu, tăng như thế giới đề nghị là hợp lý để đạt hiệu quả giảm tỷ lệ người hút thuốc.

Theo ông Khuê, tăng thuốc lá cũng sẽ không làm thất thoát ngân sách nhà nước do buôn lậu. “Bộ Công thương cho rằng tăng thuế thuốc lá lên thì mỗi năm sẽ thất thoát khoảng 6.000 tỷ đồng do buôn lậu thuốc lá. Con số này chỉ bằng 1/4 của con số 23.000 tỷ đồng - đây là chi phí ước tính điều trị cho 5 bệnh phổ biến liên quan đến thuốc lá. Con số này còn chưa tính đến gánh nặng của bệnh tật ảnh hưởng đến gia đình người bệnh, gánh nặng tâm lý, ảnh hưởng kinh tế xã hội rất lớn”, ông Khuê khẳng định.

Bác sĩ Phạm Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada, cũng cho rằng: tăng thuế thuốc lá cũng không làm gia tăng gánh nặng thất nghiệp. Các nghiên cứu ước tính tổng số việc làm liên quan đến thuốc lá chỉ chiếm 0,31-0,35% tổng số việc làm của cả nên kinh tế- con số rất khiêm tốn. Ngành công nghiệp chỉ giữ vai trò khiêm tốn trong việc cung cấp việc làm trong nền kinh tế. Trong khi đó, tiền không mua thuốc lá có thể dùng để chi tiêu cho các mục khác, như thế nó góp phần làm tăng thêm việc làm ở các lĩnh vực khác.

Theo kiến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới đề nghị Việt Nam nên tăng thuế thuốc lá ngay từ năm 2015 từ 65 lên 105% và 2018 lên 145%. Như vậy, tỷ lệ hút thuốc của nam giới mới có hy vọng giảm xuống 39% như mục tiêu của Chính phủ. Còn trong trường hợp không thể tăng thuế ở mức này thì cần tăng để giữ sức mua không tăng. Cụ thể tăng từ 65 lên 85% vào năm 2015 và 105% vào 2018. Còn với mức tăng thêm 5% như hiện nay, các đánh giá đưa ra đều cho thấy hầu như không có tác động giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá, kéo theo đó sẽ là một loạt gánh nặng bệnh tật nguy hiểm do thuốc lá gây ra.

Theo Hồng Hải

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG