Quả khế chữa nhiều bệnh
> Trị nhiệt miệng bằng thảo dược
Quả khế khá giàu các vitamin và muối khoáng như kali, photpho, magiê... và vị chua của axit tartric, oxalic nên có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, sinh tân dịch rõ rệt.
Ảnh: minh họa - Internet |
Về thành phần hoá học, trong 100g khế tươi có 93,5g nước, 0,6g protit, 3,1g gluxit, 2,6g xenluloza, 10mg canxi, 8mg photpho, 30mg vitamin C... Ngoài ra, quả khế khá giàu các vitamin và muối khoáng như kali, photpho, magie... Vị chua của khế không phải do vitamin C mà do axit tartric.
Quả khế chua có nhiều axit oxalic. Tuy giá trị bổ dưỡng của khế không nhiều nhưng lại là loại quả quý về mùa hè, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, sinh tân dịch rõ rệt. Bên cạnh giá trị ăn uống, khế còn là vị thuốc được Đông y dùng từ lâu đời. Trong nhân dân ta, khế được dùng để chữa nhiều bệnh.
Chữa cảm nắng, cảm nóng: Lá khế bánh tẻ tươi 100g, lá chanh tươi 40g, rửa sạch, giã vắt lấy nước uống. Bã đắp vào thái dương và gan bàn chân. Hoặc lấy một quả khế già chưa chín, nướng qua, sắc nước uống.
Chữa lở loét, mụn nhọt: Nấu nước lá khế kết hợp với lá thanh hao, lá long não... làm nước tắm, hoặc nấu nước quả khế rửa chỗ đau hằng ngày.
Chữa dị ứng, mẩn ngứa: Lấy lá khế tươi giã nát bôi vào chỗ da nổi mẩn, kết hợp với uống nước sắc vỏ núc nác.
Chữa ngộ độc nấm: Lấy lá khế 20g, lá lốt 10g, đậu ván đỏ 20g. Tất cả đều dùng tươi, rửa sạch, cho vào cối giã nát, hòa với 200ml nước đun sôi để nguội, chắt lấy nước uống cả một lần. Thường chỉ uống 2 - 3 lần là khỏi bệnh.
Phòng bệnh sốt xuất huyết: Sắc lá khế 16g với sắn dây, lá dâu, lá tre, mã đề, sinh địa mỗi thứ 12g lấy nước uống hằng ngày trong thời gian địa phương có dịch bệnh sốt xuất huyết có thể chủ động đề phòng được bệnh.
Chữa nước ăn chân: Nướng quả khế xanh rồi cắt lát đắp vào chỗ đau (không dùng nóng quá hoặc nguội quá) ngày đắp 2 lần (1 lần trước khi đi ngủ). Trước khi đắp khế, chú ý rửa chân sạch bằng nước muối 9%.
Theo BS Hương Liên
Bee