CHỌN BÀI
Những bài hát của Phạm Tuyên vẫn có sức sống mạnh mẽ như Chú voi con ở bản Đôn, Cánh én tuổi thơ hay Tiễn thầy đi bộ đội chắc chắn nhiều người thuộc và hát, nên Dragon Plus quyết định tìm những bài lạ và cũng phải hợp gu âm nhạc của tuổi 7X một chút. Và tuyển tập 200 bài hát Phạm Tuyên dành cho thiếu nhi đáp ứng trọn vẹn mong muốn của nhóm.
Hoa phượng đỏ (gắn với Liên hoan Tiếng hát Hoa Phượng Đỏ do nhạc sĩ Phạm Tuyên khởi xướng) và Hát dưới trời Hà Nội đượcviết vào thời kỳ vàng son của các dàn hợp xướng thiếu nhi như Sơn Ca (Đài Tiếng nói Việt Nam), Họa Mi (Cung Thiếu nhi Hà Nội) nên được nhạc sĩ viết sẵn bè giai điệu, phức điệu rất hiệu quả khi dàn dựng cho ban nhóm.
Nhóm Dragon Plus hát cho “nhạc sĩ của tuổi thơ” nghe sáng tác của chính ông |
Hát dưới trời Hà Nộiđược đội Sơn Ca thu thanh lần đầu ngày 9/10/1977. Bài hát có bốn đoạn không lặp lại với cao trào đi lên mang dáng dấp như mộtNgười Hà Nội dành cho thiếu nhi. Dragon Plus có lợi thế với hai thành viên Phương Mai, Diệu Ánh là giảng viên âm nhạc của trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật T.Ư vừa chơi tốt nhiều nhạc cụ vừa nắm bắt và tự soạn bè rất nhanh. Do đó, chỉ trong một tuần, nhóm tập xong cả ba bài.
Một lý do nữa khiến những bài hát này gần như rơi vào quên lãng là âm nhạc ngày nay hoạt động theo cơ chế thị trường, xã hội hóa. Nên sẽ ít ai chịu đầu tư cho một dàn hợp xướng thiếu nhi tốn kém. Trong tình cảnh này, Dragon Plus “điền vào chỗ trống” một cách ngoạn mục. Mỗi clip hát tập của nhóm khi được đăng lên đều được khán giả tán thưởng, thậm chí còn được khen “bè dày như hợp xướng”.
TIỆC ÂM NHẠC TẠI GIA
Y hẹn, chiều 27/5 chúng tôi có mặt tại căn hộ của nhạc sĩ Phạm Tuyên ở tầng 3 một khu tập thể xinh xắn nằm khuất trong con ngõ của phố Vạn Bảo (Ba Đình). Nhà nhạc sĩ nằm ở tầng trên cùng nên vẫn cảm nhận được hơi nóng dù thời tiết lúc này khá dịu mát so với mấy ngày trước.
Gia đình tận dụng mọi diện tích có thể để sinh hoạt. Phòng làm việc (ngày trước) của nhạc sĩ chiếm trọn một ban công được quây kín bằng kính. Cây đàn piano đặt ngay cạnh cửa ra ban công. Nên ta có thể tưởng tượng ông vào nhà đánh đàn xong lại bước ngay ra ban công để viết nốt nhạc xuống. Khung cửa sổ còn lại của phòng khách được quây lồng sắt tạo thành một vườn treo nhỏ xinh. Trong đó có hẳn một cây cọ vươn lên xanh tốt dù sống trong một chiếc chậu chật chội.
“Chúng tôi lớn lên trong những giai điệu ngọt ngào viết cho thiếu nhi, trong đó có không ít sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Vì vậy được đến hát cho ông nghe trong dịp 1/6 đúng là một cơ hội quý giá để đáp lễ. Quý vị có thể vẫn còn ngạc nhiên khi thấy lứa tuổi 7X, 8X đắm đuối với nhạc thiếu nhi. Còn với tôi điều đó chẳng có gì lạ, cũng như việc trẻ em bây giờ say sưa với nhạc người lớn, nhạc nước ngoài vậy” - Khôi Minh.
Chị Tuyến khoe với chúng tôi một trong hai cuốn sổ bài hát của nhạc sĩ trong đó có tổng cộng độ 700 sáng tác của ông được kẻ vẽ công phu. Bên cạnh bài Hoa phượng đỏ có một chùm hoa phượng, chị cho rằng được ông vẽ theo cây phượng mọc trên vòi nước công cộng, hồi gia đình sống ở khu tập thể Khương Thượng. Hai cuốn sổ được phục chế một cách tài tình. Theo chị Tuyến: “Ngày xưa giấy mủn, dù giở rất cẩn thận, mình thỉnh thoảng lại làm rách một cái. Giờ họ quét một lớp gì đó, vá lại những chỗ sờn rách”.
MC Bạch Dương, thành viên của Dragon Plus nghĩ ra trò chơi đố nhạc sĩ đoán được tên bài hát. Nghe xong bài đầu tiên, ông bảo: “Chỉ biết là bài Hoa phượng đỏ thôi” không nhớ năm sáng tác. Rất may trong cuốn sổ “Nam Tào”, ông ghi rõ hoàn thành bài hát tháng 4/1977. Tháng Sáu cùng năm được đội Sơn Ca thu lần đầu, tháng Tám đến lượt tốp ca thiếu nhi Sài Gòn.
Báo Thiếu Niên Tiền Phongin ngày 5/8/1977, NXB Văn Hóa in tháng 12/1978. Bài hát được giải B cuộc thi Vì mầm non tổ quốc XHCN 1976-1978. Không rõ giải A là bài gì nhưng Hoa phượng đỏ có một giai điệu đẹp đến ám ảnh khiến chúng tôi hát và nghe đi nghe lại không biết chán. Chị Tuyến bày tỏ sự ngạc nhiên và xúc động khi được nghe lại bài hát: “Tôi cứ ngậm ngùi mãi, bài hay thế chả ai hát lại nữa, rất nhớ luôn!”.
Ngoài Dragon Plus, buổi diễn còn có hai cặp nghệ sĩ đặc biệt đều là hai mẹ con. Tình cờ nhóm nào cũng hát ít nhất một bài về hòa bình. Jayden Trịnh và mẹ cùng Dragon Plus ngẫu hứng Tiếng chuông và ngọn cờ, Nguyệt Ca và bé Ong hát Cánh én tuổi thơbằng cả tiếng Anh, Jayden Trịnh (sinh ra và lớn lên ở New Zealand) hòa giọng được ngay, chứng tỏ lời Anh rất chuẩn…
Dragon Plus đem đến Em muốn quanh em có hòa bình - cũng như Hoa phượng đỏ không thể tìm thấy tư liệu trên mạng. Bài hát được sáng tác tháng 11/1986 cho đặc san Tuổi 15 của báo Khăn Quàng Đỏ, được cả hai Đài Truyền hình Việt Nam và TPHCM dàn dựng dịp Tết 1987.
Bài hát phổ thơ Lê Phương Liên có tính trữ tình, man mác thể hiện mong muốn hòa bình không kém phần quyết liệt của trẻ em: “Em muốn quanh em có hòa bình/Ngập tràn ánh sáng của bình minh/ Hạnh phúc trong tay và cuộc sống/Ôi điều em muốn một niềm tin”.
Tất cả các bài hát trên đều được sáng tác vào nửa sau thập niên 1980, thời kỳ đỉnh điểm chạy đua vũ trang giữa hai cực Đông - Tây khiến cho thế giới lo lắng về một nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang đến gần.
SỨC KHỎE CỦA NHẠC SĨ
Cuối tháng 3/2022, cả nhà bị COVID-19, riêng nhạc sĩ vẫn âm tính. Ông phải cách ly trong phòng riêng. Thỉnh thoảng chắc ông cũng mỏi nên mở cửa phòng, tính hòa nhập với người thân. Mọi người vừa trông thấy đều hét lên tránh xa khỏi ông và giục ông lánh vào phòng. Cứ thế 10 ngày cho đến khi cả nhà bình phục. Chị Tuyến nói: “Rất may ông kịp đi tiêm 2 mũi, trong khu cũng có mấy cụ trên 90 tuổi chưa tiêm và đã ra đi vì COVID-19”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên ở tuổi 94 vẫn minh mẫn, có điều chứng phổi tắc nghẽn mãn tính khiến ông đi lại có phần khó khăn. Nhưng ông vẫn cương quyết không chống gậy, theo con gái cắt nghĩa vì “sợ mất hình ảnh”. Suốt cả buổi diễn, ông hầu như không nói. Chỉ hay cười, vỗ tay hay đặt hai tay lên miệng, lên ngực thể hiện sự hứng thú với những gì mà các ca sĩ bán chuyên đem lại.
Mọi người không kỳ vọng ông nói mấy nên đều cảm thấy mãn nguyện khi ông thốt lên trước ống kính truyền hình: “Tôi không nhớ được hết những bài hát của mình. Nghe thì biết đó là những bài mình viết ra cách đây nửa thế kỷ. Các bạn làm cho tôi rất vui và bất ngờ”.