Liên tiếp chống chọi với khủng hoảng
Trong lịch sử, PVN từng trải qua nhiều thời kỳ khó khăn, thậm chí có những năm được gọi là “đen tối”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng giai đoạn này mới là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử phát triển của ngành Dầu khí, sóng gió ập đến từ nhiều phía. Liên tiếp các cuộc “khủng hoảng” giá dầu vào cuối năm 2015 kéo dài đến đầu năm 2018. Đặc biệt, cuộc “khủng hoảng kép” từ đầu năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của Tập đoàn. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên toàn Tập đoàn, PVN vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế.
Nhờ giữ vững nhịp độ sản xuất, 8 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 372,02 nghìn tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước 45,0 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh giá dầu trung bình xuất bán 8 tháng đầu năm của PVN ở mức 44,2 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với giá kế hoạch và cùng kỳ năm, đây là kết quả rất đáng ghi nhận. Hoạt động kinh doanh của PVN có lãi. Các đơn vị thành viên trong tập đoàn đều hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, ổn định, không có đơn vị nào bị gián đoạn dòng tiền. Dòng tiền hoạt động tại các đơn vị thành viên và Tập đoàn đảm bảo tính thanh khoản thông suốt, ổn định, góp phần quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh giữ được nhịp độ phát triển. Công tác quản trị, tiết giảm chi phí được PVN thực hiện nghiêm túc. Trong 8 tháng đầu năm 2020, PVN tiết giảm 6.523 tỷ đồng, đạt 70,1% với kế hoạch đề ra (mục tiêu cả năm 2020 là 9.307 tỷ đồng).
Để đạt được những kết quả như trên, ngay khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tập đoàn đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Gói giải pháp ứng phó với tác động kép. Theo đó, các nhóm giải pháp về quản trị, tài chính, đầu tư, thị trường và về cơ chế chính sách. Mỗi nhóm giải pháp chi tiết cho từng lĩnh vực hoạt động của tập đoàn.
Bên cạnh đó, công tác quản trị và tái cấu trúc được quyết liệt thực hiện từ năm 2018 đến nay và đạt nhiều kết quả. Số lượng Ban/Văn phòng đầu mối giảm từ 33 xuống còn 18. Số lượng Phòng giảm từ 73 xuống còn 51 phòng, góp phần rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu quả công việc. Đồng thời, PVN đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rà soát hệ thống văn bản, quy chế quản lý nội bộ. Ban hành mới bộ quy chế quản trị nội bộ Tập đoàn và đã thực hiện số hóa, rà soát và nâng cao công tác quản trị rủi ro… Với những nỗ lực như vậy, PVN đã được tổ chức quốc tế xếp hạng tín nhiệm BB+.
Công tác cổ phần hoá, tái cơ cấu của PVN với nhiều kết quả ấn tượng. Tập đoàn hoàn thành cổ phần hóa tất cả các đơn vị trong danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 bao gồm: Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và Công ty TNHH MTV Lọc-Hóa Dầu Bình Sơn (BSR). Đơn vị đã hoàn thành đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch Upcom/HSX. Kết quả số tiền đã thu về là 16.442 tỷ đồng, trong đó thặng dư nộp vào ngân sách nhà nước 7.346 tỷ đồng...
Photo: ..
“Trong những giai đoạn khủng hoảng vừa qua, tôi rất biết ơn những đồng nghiệp tại PVN đã làm việc không kể ngày đêm, giờ giấc để giúp PVN vượt qua khó khăn và phát triển, đây là giá trị cốt lõi của Văn hoá dầu khí cần được bảo tồn và phát triển..”
Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng
Cần cấp bách gỡ vướng cho PVN
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cũng chỉ ra một loạt những vấn đề khó khăn, vướng mắc mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang phải đối diện. Đó là Điều lệ không còn phù hợp và Quy chế tài chính chưa được ban hành. Luật Dầu khí chậm được sửa đổi và các khó khăn thị trường, dịch bệnh; về nguồn lực, cả nguồn lực tài chính và nguồn lực con người, về hoạt động đầu tư…
Theo người đứng đầu Tập đoàn dầu khí, trong bối cảnh khó khăn kép như hiện nay, PVN mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, tháo gỡ khó khăn để PVN thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Trong cuộc làm việc vào tháng 9/2020 với PVN, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển. PVN có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao, làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong nước và ngoài ngước. PVN cũng là doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng nhất, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật công nghệ và quản lý, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao và không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng. Có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong suốt hơn 30 năm đổi mới đất nước, PVN đảm bảo an ninh năng lượng và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. PVN đã trở thành một tập đoàn dầu khí lớn mạnh trong nước và khu vực với nhiều nhà máy, công trình dầu khí quan trọng, sở hữu khối tài sản nhà nước gần 40 tỷ USD và gần 6 vạn người lao động. Trong đó, có nhiều chuyên gia giỏi đáp ứng yêu cầu quốc tế, vươn lên làm chủ thay thế được các chuyên gia nước ngoài từ công tác kỹ thuật công nghệ đến công tác quản lý.
“Ngành Dầu khí Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô cả chiều rộng và chiều sâu. Chúng ta đã hình thành được ngành Dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí đến chế biến, vận chuyển, tàng trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí, thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam. Đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong 8 tháng đầu năm 2020, trong khi các tập đoàn dầu khí hàng đầu trên thế giới thua lỗ, PVN vẫn giữ được nhịp độ sản xuất, kinh doanh, vượt 5,3% kế hoạch 8 tháng về khai thác dầu, khí.
Giai đoạn từ 2015 đến nay, PVN đóng góp 9 – 11% tổng thu ngân sách chung của nhà nước và chiếm 16,5 – 17% tổng thu ngân sách Trung ương. PVN đóng góp cho GDP cả nước trung bình hằng năm là 10 – 13%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất, vốn chủ sở hữu bình quân đạt 10,4%/năm. Tốc độ tăng tổng tài sản hợp nhất của PVN giai đoạn 2010-2019 đạt 9,7%/năm. Tổng tài sản hợp nhất đến ngày 31/12/2019 là 861,4 nghìn tỷ đồng.