Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, sau khi Bộ TN&MT cấp phép cho Cty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm tại khu vực đảo Hòn Cau gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét khu quay tàu, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này, đặc biệt là ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia.
Vì vậy, ngày 14/7, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có văn bản gửi Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng xin ý kiến chỉ đạo vụ nhận chìm bùn nạo vét ở Công ty và Tổng công ty phát điện 3 (chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4), nhằm có sự đánh giá một cách khách quan, toàn diện tác động đến môi trường.
Theo ông Hùng, ngoài khối lượng gần một triệu m3 bùn nhận chìm đã được cấp phép cho Cty nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Tổng công ty phát điện 3 đang làm thủ tục xin phép nhận chìm thêm 2,4 triệu m3 “vật chất”.
“Ngoài phương pháp nhận chìm thì chúng tôi đề xuất phương pháp khác đó là làm kè bờ biển chống xói lở”- ông Nguyễn Mạnh Hùng nói đồng thời cho rằng: “Để tránh ảnh hưởng môi trường, chúng tôi kiến nghị xem xét có thể sử dụng vật chất nạo vét làm vật liệu bồi lấp, phục vụ các công trình lấn biển”. Giải pháp này theo người đứng đầu tỉnh Bình Thuận cũng phải qua các khâu đánh giá tác động môi trường kỹ càng, nhưng nó có tính ưu điểm là có kè, nhốt vật chất lại, khỏi “lây lan” cho vùng biển khác.
“Mong muốn của tỉnh là vụ việc sẽ được xử lý đúng mức, toàn diện, khoa học, khách quan để giải thích rõ cho cộng đồng dân cư hiểu, thực hiện tốt vấn đề trên. Trước khi Tỉnh ủy có văn bản thì UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan xem xét, có hướng xử lý”- ông Hùng nói.
PGS - TS Nguyễn Tác An- Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang cho rằng đất, cát ở biển cũng là tài nguyên có thể san lấp làm nền, lấn biển, làm đảo nhân tạo… nhưng nguyên tắc là làm ở đâu, như thế nào?
“Việc san lấp phải thực hiện ở vùng ít động lực, không san lấp ở vùng cửa sông, vùng có hoạt động kinh tế về du lịch, khu vực nuôi trồng hải sản”- ông An giải thích. Theo ông, nguy cơ về ô nhiễm phóng xạ thì chưa xảy ra vì nhà máy chỉ mới hoạt động. Cái lo về môi trường hiện nay là khói bụi, xỉ than, nước giải nhiệt từ hoạt động của các nhà máy nhiệt điện này.
Không đồng ý với việc nhận chìm bùn thải ở khu vực biển Hòn Cau, ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên - môi trường tỉnh Bình Thuận cũng đưa ra giải pháp nguồn bùn, cát nạo vét có thể đưa đi san lấp những vùng bờ biển bị xói lở, xây kè lấn biển tạo thêm nguồn quỹ đất quý giá.
Việc Bộ TN&MT cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát thu được sau nạo vét khu quay tàu và vũng nước chuyên dùng trước nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã dấy lên lo ngại ảnh hưởng đến môi trường biển, đặc biệt là khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản đối dự án trên; Hiệp hội nghề cá Việt Nam cũng có công văn kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng thực hiện khẩn cấp giấy phép của Bộ TN&MT.
Trước đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Đinh Trung trong ngày 17/7 cũng đã có tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dừng ngay dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống biển khu vực Hòn Cau, đồng thời đề xuất giải pháp dùng các “vật chất” này để xây kè lấn biển chống xói lở.