> 'Đột nhập' kho chứa vàng của vua Mèo
> Dinh thự vua Mèo trên cao nguyên đá
Dân phượt thứ thiệt thường nắm rõ “khoảnh khắc vàng” của các vùng miền như lòng bàn tay. Chỉ đúng thời điểm ấy thôi, đến chệch chừng một tuần thì đi rồi coi như chưa đi. Kiểu như đã đến Amsterdam dứt khoát nên đi vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5, khi hoa tulip bừng nở rực rỡ; đến Tokyo hay Seoul cũng cần chọn tháng 4, lúc hoa anh đào trổ bông; đi Cửu Trại Câu hay Bắc Kinh, ắt nên chờ bao giờ cho đến tháng 10, khi lá phong đỏ, và các loài cây úa tàn tạo thành đủ tông màu sặc sỡ, từ vàng nhạt, vàng sậm, cho đến nâu, đỏ, tím; lên cao nguyên Lệ Giang, trái lại đẹp nhất là tháng 3, tuyết bắt đầu tan, trời bớt lạnh và hoa cỏ nở xòe ngoạn mục. Phượt trong nước cũng vậy.
Một vùng cao nguyên trắng
Cha tôi là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Giờ 70 tuổi, ông vẫn còn hăng đi săn ảnh. Đầu tháng gọi điện thấy ông ở Hà Giang, giữa tháng đã ra biển Hải Hậu, cuối tháng lại về Mai Châu. Đâm ra ông thành phượt gia 4X. Ông thuộc nằm lòng: Tháng 2 hoa mận Bắc Hà, tháng 3 hoa đào Tây Bắc, tháng 4 tam giác mạch Cao Bằng, tháng 11 dã quỳ Mộc Châu, tháng 12 cải ngồng nở vàng sông Đuống. Vào mùa hoa, các nhiếp ảnh gia lũ lượt rủ nhau đi phượt để chớp được những bức ảnh độc đáo mà thực ra… nhiếp ảnh gia nào cũng có.
Tôi vốn là một phượt gia vô duyên, hoặc amateur cũng đúng, đi bất cứ đâu đều trái mùa. Lần này lên cao nguyên trắng Bắc Hà, lẽ ra theo “sách phượt” nên đi vào tháng giêng, tháng 2, mà tận giữa tháng 3 mới tới nơi, thành ra chỉ ngắm cảnh trắng trời hoa mận và rợp đất cải vàng qua ảnh của người thiên hạ post trên mạng.
Khách du lịch bình thường, không ai cất công đi vài trăm cây số chỉ để ghé thăm Bắc Hà, mà thường ghép vào một tour Lào Cai - Hà Khẩu - Sa Pa - Bắc Hà. Cũng không mấy ai nghỉ lại đêm, vì vậy mà trong khi Sa Pa nườm nượp các khách sạn đủ mọi loại sao thì Bắc Hà chỉ lèo tèo vài ba nhà khách không quá tiện nghi. Người ta coi Bắc Hà như một địa điểm phụ kết hợp.
Còn dân phượt, họ có thể ở lại mấy ngày để la cà sang tận chợ phiên Cán Cấu ở huyện Simacai lân cận hoặc đi xe trâu qua các bản làng. Từ Hà Nội, tôi chọn chuyến tàu đêm Hà Nội - Lào Cai. Đứng giữa sân ga tối tăm, lất phất mưa phùn lạnh lẽo, ngắm những toa tàu kéo dài bất tận trên đường ray với các hàng chữ tiếng Anh chạy trên sườn tàu: Pumkin Express, King Express, Victoria Express…, tôi hồi hộp hình dung lại một chương tiểu thuyết trinh thám của Agatha Christie - người thường xuyên đưa những vụ án ly kỳ lên những chuyến tàu tốc hành.
Khách đi tàu du lịch chủ yếu là người da trắng. Thường thường bậc trung thì mua vé bốn người một khoang, còn sang hơn thì bao luôn một khoang cho hai người, hoặc thậm chí một mình ngự một khoang giường nệm, tường ốp gỗ, đèn ngủ tỏa ánh vàng ấm áp, rèm buông cửa sổ kín đáo. Một khách sạn di động trên đường ray, lúc này có thể nhắm mắt mơ đến một chương tiểu thuyết lãng mạn hơn là trinh thám, và nhắm mắt mơ về một vùng cao nguyên trắng ngợp hoa mận.
Người ra đón tại điểm đỗ xe đối diện sân ga là một cô gái Mông tròn lẳn và chỉ thấp đến vai tôi. Nước da rám nắng, váy áo màu chàm, cô bé 18 tuổi hồn nhiên để nguyên những vết bầm đỏ trên cổ, chứng tích tươi mới của một cuộc tình đêm trước. Cô nói tiếng của người Hoa, người Mỹ tốt hơn tiếng người Kinh.
Cô giải thích rằng: “Vì khách của cháu chẳng mấy khi là người Việt”. Tiếng Anh của cô hướng dẫn viên bản xứ thoạt nghe rất hoành tráng, phát âm chuẩn, đúng trọng âm và ngữ điệu, nhưng nghe kỹ thấy toàn là ghép từ thô sơ kiểu “tiếng bồi”: She husband go to wedding.
Trên chiếc xe buýt đầy chật khách ngoại quốc, tôi theo cô lên cao nguyên cao hơn 1.000 mét cho kịp phiên chợ chỉ mở vào mỗi sáng chủ nhật. 60 cây số đường đồi núi, mất ngót hai tiếng mới tới nơi, nhưng bất chấp những gì cha tôi khuyên - “Nếu con muốn đến Bắc Hà thì thà đi chợ Cán Cấu tốt hơn. Vì Bắc Hà giờ xây hết ximăng chẳng khác gì chợ Đồng Xuân, trong khi Cán Cấu thì còn hoang sơ nguyên bản” - tôi vẫn hoa mắt vì màu sắc rực rỡ và âm thanh náo nhiệt của một phiên chợ cao nguyên.
Chợ phiên hấp dẫn nhất Đông Nam Á
Sáng ấy nắng xuân muộn tỏa gắt khiến con đường phố huyện khô hanh bụi mù. Trên mọi ngả dẫn về phía cổng chợ, lấp loáng những nếp váy thổ cẩm rung rinh theo nhịp bước của phụ nữ Mông, Tày, Nùng, Mán đen, Phù Lá. Họ đi từng tốp, trên lưng một chiếc gùi hoặc địu theo đứa bé đen nhẻm, má nẻ hây hây.
Chợ phiên vui vì người đông đúc. Chợ phiên đẹp vì thổ cẩm. Thổ cẩm thêu dệt cầu kỳ nhiều màu sắc bày bán không mấy người mua. Mua làm chi khi người miền núi nhà nào cũng có người biết dệt vải. Người đồng bằng nhìn thức ấy cũng thích, song nghĩ mang về nhà chả mặc được, thành ra chật tủ. Khách ngoại quốc lại không mấy khi có thói quen đi đâu sắm đấy.
Cuối cùng chợ phiên không phải chỉ để bán mua. Ấy là cái giá trị tinh thần, hầu như là nguồn vui duy nhất của dân bản khi mỗi ngày đều háo hức chờ đến cuối tuần. Người bày ra vài thứ nông cụ, người cắp theo mỗi con gà, người có con lợn nhỏ xíu, rồi những quả ớt khô túm thành chùm dài, rượu ngô đóng can, mía nương bày nguyên dóng. Chỉ có thế thôi, mà mong, mà ngóng từng ngày để được đi chợ khoe váy áo, để con trai con gái được gặp nhau lúng liếng đuôi con mắt, để đàn ông gặp bạn nhấp chén rượu ngô bên nồi thắng cố đậm đà hương vị núi.
Chợ tình Sa Pa giờ không còn nữa, chợ Sa Pa cũng thành ra chợ miền xuôi mất rồi. Giữa Sa Pa mà nhác thấy nhà hàng, khách sạn, quán bar, cafeteria… cứ ngỡ đâu như đang ở thị trấn Pháp. Nhưng Bắc Hà đây thì dẫu đã ximăng, trải nhựa, nhưng vẫn còn nguyên đó cái không gian trữ tình hoang sơ nô nức của mỗi phiên chợ vùng cao. Chẳng thế mà trong top 10 chợ hấp dẫn nhất Đông Nam Á do tạp chí Serendib (Srilanka) bình chọn thì chợ Bắc Hà xếp số 1, rồi mới đến chợ Luang Prabang (Lào), chợ đêm Chiengmai (Thái Lan), chợ Bedugun (Indonesia)...
Những người phụ nữ Mông ở chợ Bắc Hà ngây thơ như trẻ em. Khách muốn chụp chung một tấm ảnh với họ thường phải cân nhắc trước một đề nghị tươi rói mang âm sắc lơ lớ: “Chụp ảnh rồi cho tiền nhá”. Nói là thế thôi nhưng chỉ cần tặng cho đứa trẻ mắt đen nhánh đằng sau địu kia một vài chiếc kẹo thì người mẹ trẻ cũng vui lòng. Chụp xong, họ quên luôn “vụ áp phe” vừa thương thảo và xúm vào đòi xem ảnh rồi toét miệng cười khúc khích.
Đến cuối chợ, trèo lên những bậc thang ximăng, ở trên ấy có chợ trâu. Trâu đứng, trâu nằm la liệt, còn nguyên bùn khô quánh dưới nắng hanh. Khách ở chợ trâu chủ yếu là nam giới. Họ xem trâu như dân đồng bằng xem xe hơi. Người như tôi, đi chợ phiên Bắc Hà khó mà mua được thứ gì. Trâu, bò, lợn, gà, nông cụ, xống áo thì chẳng dùng được rồi, đồ ăn vặt chủ yếu có mía nương bán cả dóng, cũng ngại, vì con gái Bắc Hà ăn mía cứ để nguyên cả đẵn mà tước vỏ bằng răng.
Cuối cùng chỉ muốn ăn thử món thắng cố, phở chua và mèn mén cho bữa trưa, là những đặc sản ở nơi này. Nhiều vùng có thắng cố, nhưng thắng cố Bắc Hà được đánh giá cao hơn cả. Thắng cố được làm từ thịt lợn, bò, dê, chó… Tất tật thịt, xương, lục phủ ngũ tạng của con vật được chặt nhỏ rồi cho vào chiếc chảo khổng lồ ninh nhừ lên với các loại gia vị. Dưới mái lều thấp lúp xúp, chảo thắng cố đen cáu bốc khói nghi ngút trên bếp than củi và những can rượu ngô thơm lừng có một ma lực khủng khiếp đối với người xứ cao nguyên Bắc Hà.
Cũng như người Ý sẽ ứa nước miếng bên đĩa spagheti và một chai vang bản địa, người Nga sẽ lấp lánh tươi vui với bát súp củ cải đỏ, trứng cá muối và ly vại Vodka, thì ở đây, tôi cũng thấy người bản địa đang rất sung sướng và hãnh diện với cái món ăn mà tôi không thể. Cuối cùng đành tự hài lòng với một đĩa thịt lợn mán tẩm riềng nướng trong một nhà hàng dành cho khách du lịch ngay đầu thị trấn. Cũng tuyệt ngon.
Mơ hồ trước dinh thự cổ
Đến Bắc Hà, ngoài một chợ phiên náo nhiệt đầy màu sắc thì du khách cũng không thể không ghé qua dinh thự của Hoàng A Tưởng - một công trình được hoàn tất từ năm 1921. Đây là tòa lâu đài xây theo kiến trúc Á - Âu phối kết hợp, vì chủ nhân đầu tiên của nó là Hoàng Yến Chao (cha của Hoàng A Tưởng) đã thuê cùng lúc một kiến trúc sư Pháp và một Trung Quốc. Thổ ty Hoàng Yến Chao người Tày nhưng cai trị một vùng có tới 70% là dân tộc Mông nên vẫn được dân gọi là "vua". Tòa lâu đài của "vua" hầu như vẫn còn nguyên bản sau khi được phục chế quét vôi màu vàng như thiết kế ban đầu.
Chụp trước phòng riêng Hoàng A Tưởng và 3 bà vợ. |
Đứng trên hành lang tầng hai, ngóng ánh nắng khô hanh hắt thành vệt qua những ô cửa vòm kiểu Pháp, thấy tư dinh cổ mang dáng vẻ âm u, sầu muộn và bí ẩn như bất kỳ tòa lâu đài nào khác trên thế giới. Thời phong kiến, công trình nào càng đẹp đẽ, càng hoành tráng lại càng thấm nhiều mồ hôi, nước mắt của dân thường. Dinh thự của thổ ty Hoàng Yến Chao và Hoàng A Tưởng đã được thêu dệt không biết bao nhiêu huyền thoại.
Là châu úy Bắc Hà, với quyền lực của một tri châu cộng với sự bảo hộ của người Pháp, Hoàng Yến Chao đã huy động hàng vạn nhân công lao động quần quật trong suốt 7 năm để thành hình một dinh thự bề thế. Giữ độc quyền bán muối, vô số lợi tức từ buôn sáp ong và thuốc phiện, chưa kể áp thuế nặng lên đầu dân, thế lực cha con Hoàng A Tưởng đã tạo nên một công trình kiến trúc khiến ngay cả người hiện đại cũng phải kính nể.
Tôi đi một vòng quanh tòa nhà, từ sân sau với dãy nhà dành cho đầy tớ dẫn ra một hầm thoát hiểm mà người ta đồn rằng đến ngày hoàn thành, toàn bộ nhóm thợ thi công đã mất tích trong lòng đất. Câu chuyện thủ tiêu tốp thợ để giữ bí mật cho một căn hầm nào đó vẫn còn tồn tại dưới lòng lâu đài có vẻ nhuốm màu… lăng mộ Pharaon. Nhưng ngay cả khi chưa nhìn tận mắt căn hầm giấu vô số của cải huyền thoại đó thì tất cả hành lang, lan can, sân giữa, cột trang trí, mái ngói âm dương dù đẫm ánh mặt trời vẫn cứ nhuốm màu u tịch, khiến ngay cả màu vàng chói của nước vôi vừa được trùng tu cũng không làm cho tòa lâu đài bớt đi phần ma quái.
Dọc theo hành lang tầng hai, những căn phòng được đề biển cho biết phòng nào là của thổ ty Hoàng A Tưởng, phòng nào của vợ hai, vợ ba. Riêng bà cả được những hai phòng riêng. Ngó qua cửa kính thấy bên trong được bày biện đẹp như phòng khách sạn, với ga gối trắng muốt và giường tủ sang trọng. Có một thời gian chính quyền tận dụng những căn phòng này làm nơi nghỉ cho khách quý.
Tôi hình dung mình được làm khách quý và phải ngủ lại một trong những căn phòng kia, giữa những tiếng eo óc của một thị trấn miền núi và lướt sướt những bóng ma gia nhân đi lại ngoài hành lang, và mơ hồ vài chiếc khăn đội đầu của 3 bà vợ Hoàng A Tưởng. Có người đã được hân hạnh ngủ lại một trong những căn phòng đó, thú nhận với tôi rằng: “Anh thức trắng cả đêm. Chịu không thể nào ngủ nổi trong căn phòng nặng nề ấy”.
Dưới tầng trệt, người ta bày một gian bán đồ lưu niệm, cho thuê cả quần áo dân tộc chụp ảnh. Tôi cũng mượn một bộ của phụ nữ Tày vận vào để chụp vài tấm hình kỷ niệm, có kèm theo khăn trùm màu hoa mười giờ, trong đầu thoáng nghĩ đến căn phòng lịch lãm với chiếc gương TQ của bà ba ở tầng trên. Những bà vợ ba thường là trẻ đẹp nhất và được ông chồng đầy quyền lực yêu chiều nhất. Không biết khi còn sống, bà hoàng xứ cao nguyên ấy có mặc cái bộ giống như thế này với xủng xoẻng những vòng nhẫn hoa tai bằng bạc?
Tôi liếc nhìn dãy hành lang tầng hai, những ô cửa sổ tò vò như bao con mắt lặng lẽ thản nhiên chứng kiến những sự kiện lịch sử trải dài gần 100 năm. Nhiều người phàn nàn rằng tòa dinh thự bỗng dưng bị sơn vàng choét như nhà mới xây, phá bỏ toàn bộ cảnh quan nguyên bản. Nhưng tôi ngại rằng nếu cứ để nguyên cho lâu đài rêu cỏ âm u như thế, với mùi hương mê hoặc bủa vây của ba cây hoa mộc có tuổi đời cũng 91 năm, khéo ai ghé thăm cũng muốn dệt thêm một huyền thoại bí ẩn về ngôi nhà đã từng bị thống trị bởi quyền lực bậc nhất trên đỉnh cao nguyên trắng này.
Theo laodong.com.vn