Trong cuộc đời binh nghiệp của tướng Phạm Thanh Ngân, có một điều khá thú vị là phần lớn những kỷ vật của ông đều gắn với những kỷ niệm về Bác Hồ: Ông được Bác Hồ tặng tám chiếc huy hiệu, vì tám lần bắn rơi tám chiếc máy bay. Ông cũng là một trong những Anh hùng không quân được trực tiếp gặp Bác Hồ, được Bác tặng chiếc đồng hồ có khắc chữ ở mặt sau “Bác Hồ tặng Phạm Thanh Ngân, tháng 12 năm 1968”...
Ông khệ nệ mang chiếc cặp đựng những kỷ vật của mình ra tìm chọn những thứ trao cho nhân viên bảo tàng. “Đây là 8 chiếc Huy hiệu Bác Hồ tặng sau mỗi lần bắn rơi máy bay Mỹ. Còn đây là chiếc đồng hồ do Liên Xô sản xuất, mặt sau khắc chữ” Bác Hồ tặng Phạm Thanh Ngân, tháng 12 năm 1968”. Còn đây là bức ảnh Bác Hồ chụp với Anh hùng chiến sỹ thi đua tiêu biểu hai miền Nam Bắc tại Phủ Chủ tịch ngày 20 tháng 7 năm 1968...”, Tướng Ngân bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những kỷ vật mà cả cuộc đời chinh chiến trận mạc ông gắn bó.
Ông kể: “Dạo đó đang là đầu mùa thu, 15 Anh hùng, chiến sỹ thi đua, thanh niên xung phong, du kích tiêu biểu, có nhiều thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu xuất sắc ở hai miền Nam Bắc được mời đến Phủ Chủ tịch gặp Bác. Nhận được giấy triệu tậm của Quân chủng, tôi mừng lắm. Chỉ mong sao cho đến ngày được gặp Cụ, thế rồi ngày đó cũng đến”.
Bước chân vào Phủ Chủ tịch, một dãy bàn dài phủ khăn trắng, dưới vòm cây xanh mát, quanh vườn tràn ngập hương hoa ngọc lan và tiếng chim ríu rít. Bác ngồi giữa bàn, hai bên là hai chiến sỹ gái ở miền Nam mới ra. ở dãy đối diện có bác Phạm Văn Đồng. Đứng dưới gốc cây là nhà báo Bớc-sét. Chúng tôi kế tiếp nhau ngồi quanh hai bác. Trên bàn bày hoa, nước. Bác đã chuẩn bị sẵn mời chúng tôi. Bác hỏi thăm sức khoẻ của bộ đội và du kích, hỏi những khó khăn trong sinh hoạt và chiến đấu. Mỗi người đều được Bác hỏi chuyện. “Khi đến lượt tôi, Bác hỏi: “ Cháu kể chuyện đi?”. Tôi bẽn lẽn: “Thưa Bác, cháu kể chuyện về không quân ạ !”. Tôi lần lượt kể cho Bác nghe những trận chiến đấu của mình...
Phạm Thanh Ngân bắt đầu tham gia chiến đấu từ tháng 6 năm 1966, khi địch đánh kho xăng Đức Giang ( Hà Nội) và Thượng Lý (Hải Phòng)…mở đầu bước leo thang mới đánh phá hệ thống xăng dầu và Thủ đô Hà Nội. Lúc đầu Phạm Thanh Ngân rất bỡ ngỡ, vì ngay cả ở dưới mặt đất còn chưa đánh địch bao giờ huống chi đánh chúng ở trên trời. Được đồng chí Trần Hanh truyền đạt cho một số kinh nghiệm, nhưng khi gặp địch trận đầu, địch rất đông, gấp hàng chục lần máy bay của ta, lần đầu tiên tham gia chiến đấu, Ngân không bắn rơi được máy bay Mỹ nào. Đến khoảng tháng 10, tháng 11 năm 1967, Phạm Thanh Ngân tham gia các trận chiến đấu dồn dập hơn. Lại được Nguyễn Văn Cốc bay cùng. Hai người thường bay yểm hộ cho nhau.
Chiếc đồng hồ Bác Hồ tặng Phạm Thanh Ngân |
Máy bay Mỹ mỗi khi đi đánh phá miền Bắc, tốp đi đầu là bọn cường kích F-105, theo sau là máy bay F-4, F-4C để yểm hộ. Thời gian đầu, Phạm Thanh Ngân không bắn được máy bay cường kích của địch. Mục tiêu lúc đó đặt ra là phải làm sao bắn rơi được bọn cường kích để chúng không ném bom phá hoại miền Bắc được, nhất là Hà Nội. Trận ngày 18 tháng 11 năm 1967, Phạm Thanh Ngân phối hợp với tên lửa đánh một trận rất hay. Hôm đó một tốp máy bay của địch gồm 12 chiếc F-105 và 4 chiếc F-4 bám sau, xuất hiện trên bầu trời Yên Bái- Phú Thọ. Chúng bay từ Thái Lan sang, vòng xuống núp sau dãy núi Tam Đảo hướng vào Hà Nội. Sau khi phát hiện mục tiêu, Ngân nhanh chóng thông báo và lệnh cho máy bay số 2 công kích tốp cường kích bên phải còn mình xông thẳng vào tốp bên trái, mặc dù biết phía sau máy bay F-4 của địch đang bám theo. “Tôi đột ngột tăng tốc độ, phóng một quả tên lửa thứ nhất vào tốp đi đầu, sau ít giây, máy bay địch bốc cháy. Lúc này tốc độ tiếp cận rất lớn, tôi cho máy bay vọt lên rồi phóng quả tên lửa số 2 tiêu diệt chiếc F-105 thứ 2 của địch. Cùng lúc, máy bay số 2 cũng phóng tên lửa vào tốp máy bay bên phải, một máy bay địch trúng đạn bốc cháy”, ông nhớ lại. Trận đó biên đội của Ngân bắn rơi 3 chiếc, tên lửa đối không của ta cũng hạ được 6 chiếc, trong đó có một chiếc F-105 do một tên đại tá phi công Mỹ lái. Đây là trận đánh hiệp đồng tuyệt đẹp của không quân và tên lửa phòng không. Trong 2 ngày tiếp theo, biên đội của Ngân bắn rơi thêm 2 chiếc nữa...”.
Với thành tích bắn rơi 8 máy bay Mỹ, chỉ huy đơn vị bắn rơi 8 chiếc khác, Phạm Thanh Ngân được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1969. Từ năm 1989 đến năm 1996, ông là Tư lệnh Quân chủng Không quân. Từ năm 1998 đến năm 2001, ông là Chủ nhiệm Tổng cục Chinh trị. Khi đã là Uỷ viên Bộ Chính trị, Thượng tướng- Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông vẫn nhớ như in những ngày tháng chiến đấu oanh liệt đó. Hiện ông là Trưởng ban chỉ đạo tổng kết chiến lược về quân sự và quốc phòng trực thuộc Bộ Chính trị. |
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân hồi tưởng: “Tôi kể xong, bác Phạm Văn Đồng hỏi tiếp: “Thế đồng chí lái được loại máy bay gì?” Tôi trả lời: “Thưa Bác, cháu lái được MIG 17 và MG-21”. Bác Đồng lại hỏi: “Thế đồng chí lái máy bay nào tốt hơn”. Tôi trả lời: “Thưa bác, cháu lái máy bay MiG-21 tốt hơn ạ!”. Bác Đồng lại hỏi: “Thế đồng chí bay được bao nhiêu giờ rồi?”. Tôi đáp: “Thưa, được khoảng 200 giờ ạ!”. Thế số anh em mới về lái có tốt không?. Tôi trả lời: “Dạ thưa, số anh em mới về trẻ, khoẻ có kiến thức nhưng chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Các đồng chí ấy tương lai sẽ rất giỏi ạ !”...
Nghe tôi báo cáo xong, Bác Hồ căn dặn: “Các chú phải chăm học tập, rèn luyện hơn nữa, càng học tập, càng tiến bộ, càng tiến bộ thì đánh địch càng giành thắng lợi”. Tôi nhìn Bác lòng dâng trào cảm động.
Ông lấy từng kỷ vật. Chiếc đồng hồ đeo tay nhìn như còn mới. Ông nói: “đây là chiếc đồng hồ của Bác Hồ tặng cho những người bắn rơi nhiều máy bay Mỹ khi Người đến thăm Quân chủng Phòng không-Không quân. Tôi giữ nguyên trong hộp làm kỷ niệm từ đó đến giờ. Chợt nhớ ra điều gì, ông chạy vào buồng lấy ra chiếc mũ bay. Ông nói: “Còn đây nữa, chiếc mũ này cùng tôi lập chiến công bắn rơi 8 máy bay Mỹ từ năm 1966-1969. Tất cả những gì quý nhất trong cuộc đời chiến đấu, tôi trao cho bảo tàng để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Bộ đội Cụ Hồ.