Mô hình thư viện số lan tỏa văn hóa đọc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mô hình thư viện số do Huyện Đoàn Vạn Ninh (Khánh Hòa) xây dựng, thiết kế đã được triển khai đến 100% Đoàn cơ sở trực thuộc và 80% nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn, tổ dân phố, trường học trên địa bàn huyện, thu hút nhiều bạn trẻ đến trải nghiệm.

Đọc được nhiều loại sách

Buổi chiều được nghỉ học, em Phan Tấn Vương (học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) rủ các bạn ra nhà sinh hoạt cộng đồng của tổ dân phố số 13, thị trấn Vạn Giã, để tìm tài liệu học tập. Từ ngày có dán mã QR ở đây để truy cập vào thư viện số, Vương không cần phải lên trường mượn sách như trước nữa. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, quét mã QR là Vương có thể chọn được cuốn sách mình cần.

Mô hình thư viện số lan tỏa văn hóa đọc ảnh 1

Với chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, quét mã QR là các bạn trẻ có thể truy cập vào thư viện số đọc được nhiều loại sách

“Em thấy thư viện số này có rất nhiều loại sách mà em cần, từ sách lịch sử cho đến sách văn học, sách dạy kỹ năng. Ngoài tìm các loại sách phục vụ cho việc học thì khi rảnh rỗi em cũng vào tìm các sách truyện để giải trí”, Vương chia sẻ.

Em Trần Thị Bích Thảo (học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Vạn Ninh) cũng thường xuyên xuống nhà sinh hoạt cộng đồng đọc sách. “Mô hình thư viện số thực sự rất tiện ích. Ở trường hay về nhà em đều có thể lựa chọn được sách trong thư viện một cách nhanh chóng”, Thảo nói.

Trước kia khi cần đọc sách, Thảo phải đi tìm mượn trên thư viện của trường. Có những cuốn sách thư viện của trường không có Thảo phải bỏ tiền ra mua. “Giờ có mô hình thư viện số này, ngồi ở đâu em cũng có thể đọc được sách và hoàn toàn miễn phí, chỉ cần có điện thoại thông minh và kết nối mạng internet”, Thảo chia sẻ.

Gần đây, bà Nguyễn Thị Thất (ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh), thường xuyên dùng điện thoại của mình để vào thư viện số mỗi khi đi sinh hoạt ở nhà cộng đồng của tổ dân phố. Ban đầu bà khá bỡ ngỡ chưa biết làm thế nào để có thể vào thư viện trên điện thoại và tìm sách. Sau khi được các bạn trẻ hướng dẫn, bà đã quen hơn và chủ động tìm những loại sách bà thích.

“Tôi thường hay tìm các sách về lịch sử Việt Nam hoặc mấy sách dạy nấu ăn. Tôi thấy thư viện có đủ thứ sách. Sau khi quen rồi, tôi thấy tìm sách còn dễ hơn là đi ra thư viện”, bà Thất nói.

Phấn đấu 100% điểm sinh hoạt cộng đồng có thư viện số

Anh Võ Đình Cháu - Bí thư Huyện Đoàn Vạn Ninh cho biết, mô hình thư viện số được Huyện Đoàn xây dựng từ tháng 9 năm nay và ra mắt vào tháng 11/2024. Mô hình chú trọng phát triển không gian sách điện tử thông qua mã QR để cho người dân, ĐVTN trên địa bàn huyện tiếp cận các tài liệu nhanh chóng hơn. Mọi người đều có thể truy cập hoặc tải tài liệu cùng một lúc mà không sợ bị hạn chế về số lượng. Các tài liệu đã đăng tải sẽ được lưu trữ tốt hơn.

Bước đầu, mô hình thư viện số đã được Huyện Đoàn Vạn Ninh triển khai đồng loạt đến 100% Đoàn cơ sở trực thuộc, tại 80% nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn, tổ dân phố và trường học trên địa bàn huyện. Mô hình được thiết kế theo hình thức 3D bao gồm hơn 1.000 đầu sách điện tử. Các loại sách phân loại theo nhiều lĩnh vực, nội dung như: Lịch sử Việt Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh; kỹ năng sống; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng làm việc; văn hóa - nghệ thuật; nghệ thuật sống đẹp; tiểu sử - hồi ký; văn học Việt Nam…

Theo Bí thư Huyện Đoàn Vạn Ninh, ra mắt mô hình thư viện số là “chìa khóa” trong việc đổi mới cách tiếp cận bạn đọc, góp phần nâng cao dân trí cho người dân. Đây là xu hướng tất yếu được nhiều đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện, nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, Huyện Đoàn cũng gặp không ít những khó khăn.

“Đầu tiên là khó khăn để có nguồn tài liệu điện tử, việc sưu tầm tài liệu gặp phải vướng mắc về vấn đề bản quyền. Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên, đoàn viên ở các Đoàn cơ sở có trình độ không đồng đều nên cần có thời gian để đào tạo thêm. Đặc biệt, mô hình thư viện số khó tiếp cận rộng rãi đến người dân khi hạ tầng công nghệ chưa đầy đủ. Từ các thiết bị sử dụng chung đến mạng wifi miễn phí đều chưa thể đầu tư ở những điểm có dán mã QR”, anh Cháu cho hay.

Cũng theo anh Cháu, để thu hút ngày càng nhiều người tiếp cận mô hình thư viện số, Huyện Đoàn Vạn Ninh sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trên hệ thống các trang mạng xã hội như: Fanpage của Huyện Đoàn, fanpage của các Đoàn cơ sở trực thuộc; tiếp tục nâng cấp, cải tiến và mở rộng quy mô của mô hình để đáp ứng yêu cầu của cộng đồng; phấn đấu đến năm 2025, đạt 100% các địa điểm sinh hoạt, vui chơi, giải trí trên địa bàn huyện Vạn Ninh được trang bị thư viện số.

Chị Võ Thị Quỳnh Quyên (nhân viên thư viện, Trường Tiểu học Vạn Giã 1, huyện Vạn Ninh), cho hay, mô hình thư viện số này rất hữu ích đối với học sinh, cán bộ, giáo viên trong khối trường học. So với thư viện truyền thống thì thư viện số có số lượng đầu sách lớn và đa dạng, cập nhật mới liên tục và tìm sách dễ dàng hơn rất nhiều. Từ việc triển khai mô hình thư viện số đến các trường học của Huyện Đoàn đã góp phần rất lớn vào kế hoạch chuyển đổi số trong hoạt động thư viện của nhà trường.

MỚI - NÓNG
Chuối Việt Nam 'nhảy vọt’ ở Trung Quốc
Chuối Việt Nam 'nhảy vọt’ ở Trung Quốc
TPO - Xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024 đạt hơn 7,2 tỷ USD - con số kỷ lục từ trước tới nay. Trong đó nhiều mặt hàng trái cây tăng trưởng 20-40%, đặc biệt chuối tươi chiếm tới 42% thị phần và vượt qua cả Philipine, Ecuado tại thị trường Trung Quốc.