Tái khởi động dự án điện hạt nhân:

Bộ Công thương: Sẽ lựa chọn công nghệ hiện đại nhất cho dự án điện hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Liên quan đến vấn đề khởi động lại dự án điện hạt nhân, trả lời câu hỏi của báo chí tại họp báo của Bộ Công Thương mới đây, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2009 Việt Nam đã nghiên cứu triển khai dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, Quốc hội đã quyết định tạm dừng nghiên cứu triển khai.

Theo ông Hùng, Bộ Công Thương đánh giá việc phát triển điện hạt nhân thời gian tới là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng mục tiêu Net Zero. Tuy nhiên, việc phát triển như thế nào sẽ được nghiên cứu kỹ và đánh giá toàn diện để đề xuất trong Quy hoạch 8 rà soát điều chỉnh.

Bộ Công thương: Sẽ lựa chọn công nghệ hiện đại nhất cho dự án điện hạt nhân ảnh 1

Nhà máy điện hạt nhân Civaux tại Civaux, Pháp

Về khởi động lại dự án điện hạt nhân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, căn cứ Quy hoạch điện VIII và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đang nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về việc triển khai.

Theo ông Tân, hiện sức ép liên quan đến năng lượng tái tạo rất lớn nên một số nước phát triển đã sử dụng điện hạt nhân tăng gấp 2-3 lần. Như Nhật Bản, mặc dù từng xảy ra sự cố, quốc gia này ước tính tỷ trọng điện hạt nhân chiếm 20-25%.

Điện hạt nhân cần đáp ứng các tiêu chí gì?

Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), có 19 vấn đề về cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển điện hạt nhân phải được quan tâm xây dựng và hoàn thiện trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân.

Cụ thể, gồm: Các cam kết của quốc gia; An toàn hạt nhân, công tác quản lý; Đầu tư và thu xếp tài chính; Khuôn khổ luật pháp; Thanh sát hạt nhân; Khuôn khổ pháp quy; Bảo vệ bức xạ; Hệ thống lưới điện; Phát triển nguồn nhân lực; Sự tham gia của các tổ chức khác nhau ở trong nước vào dự án điện hạt nhân; Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hỗ trợ; Bảo vệ môi trường; Lập kế hoạch ứng phó; An ninh hạt nhân và bảo vệ thực thể; Chu trình nhiên liệu hạt nhân; Chất thải phóng xạ; Sự tham gia của công nghiệp trong nước; và Tổ chức mua sắm trong dự án điện hạt nhân.

Đối với cơ sở hạ tầng về an toàn và an ninh hạt nhân, có 20 vấn đề cần được quan tâm xây dựng.

“Về công nghệ, quan niệm của Bộ Công Thương là sử dụng công nghệ kiểu mới, tiên tiến và đặc biệt là đã được áp dụng thực tiễn, đảm bảo tối đa an toàn. Điện hạt nhân phải đưa mức an toàn lên tối đa, rủi ro về 0”, ông Tân nhấn mạnh.

Về thời điểm cụ thể khởi động lại dự án điện hạt nhân, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp nghiên cứu sau đó báo cáo trình Chính phủ có chủ trương để tiến hành nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch điện, khi đó mới có cơ sở tiếp tục triển khai.

Liên quan đến việc đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân, báo cáo tại Quốc hội về dự án Luật Điện lực sửa đổi ngày 21/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Nhà nước sẽ độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện loại này, do đây là dự án quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia. Việc đầu tư xây dựng, vận hành và chấm dứt hoạt động, cũng như đảm bảo an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định liên quan.

Dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng nhằm đảm bảo an toàn cao nhất. Bên cạnh đó, tuỳ thuộc tình hình kinh tế, xã hội từng thời kỳ, dự thảo luật quy định Thủ tướng sẽ quy định cơ chế đặc thù, để triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân…

Có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở đâu?

Ngày 17/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 906/QĐ-TTg phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030.

Theo đó, có 8 địa điểm có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. Mỗi địa điểm có khả năng xây dựng từ 4 đến 6 tổ máy điện hạt nhân:

1. Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

2. Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

3. Thôn Lộ Liêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

4. Vũng La, thôn Phú Hải, xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

5. Thôn Sơn Tịnh, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

6. Bãi Chà Là, thôn Bình Tiên, xã Cống Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận.

7. Thôn Gia Hòa, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

8. Thôn Văn Bân, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Chúng ta đã có gì cho dự án điện hạt nhân?

Đề xuất chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận được Chính phủ trình Quốc hội vào cuối 2009 với việc dự kiến xây dựng hai nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, tổng công suất 4.000 MW đặt tại huyện Thuận Nam và Ninh Hải. Tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu 200.000 tỷ đồng.

Việc nghiên cứu địa điểm đặt nhà máy điện hạt nhân đã được các bên tham gia xem là quan trọng và làm kỹ lưỡng. Các công việc chuẩn bị đầu tư, cơ sở hạ tầng dự án này được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, EVN triển khai trong 6 năm.

Bộ Công thương: Sẽ lựa chọn công nghệ hiện đại nhất cho dự án điện hạt nhân ảnh 2

Tháp giải nhiệt tại nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh NPP ở Novovoronezh, Nga

Riêng số tiền viện trợ không hoàn lại từ Nga và Nhật Bản để nghiên cứu khả thi (FS) của hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 lên tới 30 triệu USD mỗi dự án.

Về nhân lực cho dự án điện hạt nhân, từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo cử 381 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại các trường đại học của Liên bang Nga; đã thực hiện 242 lượt thực tập nước ngoài 3 tháng cho giáo viên, giảng viên các trường đại học về điện hạt nhân. Ngoài ra, EVN đã cử 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân ở Liên bang Nga, Pháp và 33 kỹ sư đi đào tạo cán bộ khung vận hành nhà máy tại Nhật Bản.

Tới trước thời điểm dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dừng, đã có 7 dự án thành phần do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và UBND tỉnh Ninh Thuận đầu tư, với số vốn trên 2.300 tỷ đồng.

Đối với nhà máy điện hạt nhân số 1 Ninh Thuận, trước đây Việt Nam đã khẳng định sẽ lựa chọn công nghệ VVER1200 hiện đại nhất thế hệ III+ của Nga. Dự án số 2 đưa ra hai ứng viên công nghệ lò áp lực mới nhất thế hệ III+ do Nhật Bản hợp tác với Pháp thiết kế (ATMEA1), hoặc liên danh thương mại với Mỹ (AP1000).

MỚI - NÓNG