Thu hồi hơn 1.000 m2 'đất vàng' với giá 0 đồng: Dân mong sự thỏa đáng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - TPHCM thu hồi 515,89 m2 đất của bà Nguyễn Thị Kim Thúy và 574,48 m2 đất của ông Nguyễn Trọng Khiêm tại số 680-682-682A đường Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình nhưng không có phương án bồi thường. Chính quyền cho rằng, đất nằm trong quy hoạch nên không bán và chỉ tạm cho sử dụng, còn người dân nói đó là đất có nguồn gốc nhận chuyển nhượng và thừa kế.

Không bồi thường

Theo hồ sơ, căn nhà số 680-682-682A đường Trường Chinh (phường 15, quận Tân Bình, TPHCM) có diện tích đất 7.490 m2, nguồn gốc do Công ty Taseico (thuộc UBND quận Tân Bình) quản lý và xây dựng trạm xăng dầu.

Năm 1990, do Công ty Taseico kinh doanh thua lỗ nên UBND quận Tân Bình chấp thuận chuyển nhượng trạm xăng dầu cho bà Vũ Thị Tép với giá 400 triệu đồng để trả nợ ngân hàng. Sau đó, bà Tép đã nộp đủ số tiền trên.

Thu hồi hơn 1.000 m2 'đất vàng' với giá 0 đồng: Dân mong sự thỏa đáng ảnh 1

Khu đất 2 mặt tiền đường Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình của ông Nguyễn Trọng Khiêm và bà Nguyễn Thị Kim Thúy.

Ngày 23/6/1990, Phòng Xây dựng phối hợp với Phòng Công nghiệp quận Tân Bình và Công ty Taseico đã lập biên bản bàn giao mặt bằng, văn phòng và nhà kho trạm xăng dầu cho bà Vũ Thị Tép. Bản đồ hiện trạng vị trí cây xăng số 1528-ĐĐBĐ ngày 12/12/1989 của Đoàn đo đạc Bản đồ - Ban Quản lý Ruộng đất TPHCM ghi rõ diện tích khu đất trạm xăng là 7.490 m2.

Sau đó, từ năm 1990 đến 1991, UBND quận Tân Bình đã lần lượt ban hành các quyết định về việc chuyển nhượng trạm xăng dầu; quyết định cho phép bà Vũ Thị Tép sửa chữa, cải tạo nới rộng trạm xăng và quyết định số 1583/QĐ-UB ngày 15/5/1991 để hợp thức hoá việc mua bán nhà cửa cho bà Tép nằm trong khu đất nêu trên. Bà Vũ Thị Tép đã nộp trước bạ ngày 18/5/1991 cho phần diện tích đất ở.

Năm 2003, quận Tân Bình thu hồi hơn 696 m2 trong tổng diện tích đất nêu trên để mở rộng đường Cộng Hoà, bà Tép được đền bù 100% diện tích bị thu hồi với tổng số tiền hơn 642 triệu đồng. Năm 2005, quận Tân Bình tiếp tục thu hồi hơn 1.316 m2 để nâng cấp mở rộng đường Trường Chinh giai đoạn 1 và cũng bồi thường 100% diện tích thu hồi với số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Cũng trong năm 2005, bà Tép chia phần đất còn lại cho các con.

Đến năm 2020, để thực hiện dự án tuyến metro số 2, UBND quận Tân Bình tiếp tục thu hồi hơn 1.630 m2 đất tại số 680-682-682A đường Trường Chinh. Bây giờ, khu đất này thuộc sở hữu các con của bà Tép là ông Nguyễn Trọng Khiêm và bà Nguyễn Thị Kim Thúy.

Trong đó, phần đất bị thu hồi thuộc sở hữu của bà Thúy hơn 566 m2, nhưng chỉ hơn 50 m2 được bồi thường. Phần diện tích đất gần 516 m2 không bồi thường, hỗ trợ. Còn ông Khiêm bị thu hồi hơn 1.064 m2 nhưng chỉ được bồi thường gần 490 m2, phần diện tích đất hơn 574 m2 cũng không bồi thường, hỗ trợ.

Trả lời về vấn đề này, UBND quận Tân Bình cho biết, phần diện tích hơn 574 m2 của ông Khiêm thuộc công trình mở rộng đường Trường Chinh, được UBND TPHCM cho bà Vũ Thị Tép sử dụng tạm và không được hỗ trợ về đất là theo nội dung thông báo số 627/TB ngày 30/12/2004 của Văn phòng UBND TPHCM.

Thu hồi hơn 1.000 m2 'đất vàng' với giá 0 đồng: Dân mong sự thỏa đáng ảnh 2

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Kim Thúy đã bị dán thông báo cưỡng chế thu hồi đất.

Năm 2005, bà Tép tặng cho ông Khiêm, mà ông Khiêm không thuộc đối tượng được UBND TPHCM cho tạm sử dụng. UBND quận Tân Bình căn cứ thông báo số 627/TB của Văn phòng UBND TPHCM và đối chiếu quy định pháp luật, xác định ông đã sử dụng đất theo hình thức lấn chiếm nên không được bồi thường và hỗ trợ.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Thúy bị thu hồi hơn 566 m2 nhưng chỉ được bồi thường hơn 50 m2.

Người dân mong sự thỏa đáng

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Kim Thúy khẳng định, năm 1990 mẹ ruột của mình là bà Vũ Thị Tép được vận động, nên nhận chuyển nhượng trạm xăng dầu và đã nộp số tiền 400 triệu đồng để mua toàn bộ khu đất trạm xăng. Khi các cơ quan có thẩm quyền mời bàn giao trên thực địa thì trạm xăng được xác định ranh giới rõ ràng theo bản đồ hiện trạng vị trí đất.

“Nếu năm 2005, UBND quận Tân Bình công khai thông báo 627/TB của Văn phòng UBND TPHCM về thu hồi phần diện tích đất có các trụ bơm và bình chứa xăng, dầu mà bà Tép mua từ năm 1990, nằm trong lộ giới được xác định 'không bán' và chỉ cho tạm sử dụng thì bà Tép có đồng ý bàn giao mặt bằng cây xăng để thực dự án không? Bởi, để nhận chuyển nhượng trạm xăng, dầu bà Tép đã nộp 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, năm 2005, khi quận Tân Bình tiếp tục thu hồi hơn 1.316 m2 để nâng cấp mở rộng đường Trường Chinh giai đoạn 1 thì cũng bồi thường 100% diện tích thu hồi. Vậy mà nay UBND Tân Bình lại xác định phần diện tích đất trong lộ giới có cây xăng, không bán nên không được bồi thường, hỗ trợ. Mặt khác, việc xác định như vậy là không có cơ sở thuyết phục, vì năm 1990 làm gì đã có quy hoạch lộ giới được công bố?”, bà Thúy nói.

Thu hồi hơn 1.000 m2 'đất vàng' với giá 0 đồng: Dân mong sự thỏa đáng ảnh 3

Cửa hàng xăng dầu sẽ bị giải toả để nhường đất cho tuyến metro số 2.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Khiêm cho biết, quyết định số 1583/QĐ-UB về việc hợp thức hoá việc mua bán nhà cửa cho bà Vũ Thị Tép với diện tích khuôn viên là 3.029 m2 (nằm trong 7.490 m2 đất trạm xăng), nhưng đến nay cũng chưa có Văn bản nào của UBND quận Tân Bình để xác định rõ vị trí 3.029 m2 nêu trên và loại đất theo quyết định.

"Hơn nữa, đến nay quận Tân Bình đã có 3 quyết định thu hồi đất. Đất bị thu hồi tính từ ngoài vào trong. Tại sao 2 lần trước được bồi thường 100% diện tích thu hồi nhưng lần này lại không?", ông Khiêm nói.

Do đó, ông Khiêm và bà Thúy đề nghị UBND quận Tân Bình xem xét bồi thường hơn 1.090 m2 ở số 680-682-682A đường Trường Chinh theo đơn giá đất ở, đất có 2 mặt tiền đường và tòa nhà bê tông cốt thép hầm theo quy định. Đồng thời, sớm xem xét và giải quyết hồ sơ xin giao đất để triển khai việc đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu mới nhằm đảm bảo tiến độ di dời cửa hàng xăng dầu cũ để phòng cháy chữa cháy theo đề nghị của Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM.

MỚI - NÓNG
Sắp có 100.000 ha lúa chất lượng cao ở Kiên Giang
Sắp có 100.000 ha lúa chất lượng cao ở Kiên Giang
TPO - Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu, đến năm 2025 triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 100.000 ha, tăng lên gấp đôi đạt 200.000ha vào năm 2030.