Thủy điện bứt phá, giúp tỉnh nghèo Lai Châu tăng trưởng GRDP đứng thứ 3 cả nước

Trong 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Lai Châu tăng 11,63%, xếp thứ 3 cả nước, tăng 41 bậc so với 6 tháng đầu năm. Tốc độ tăng trưởng “thần tốc” nhờ vào sản lượng điện của tỉnh tăng cao.

Chiếm tỷ trọng lớn

Theo Cục Thống kê tỉnh Lai Châu, trong 6 tháng đầu năm, GRDP của tỉnh ước đạt trên 5.857,7 tỷ đồng, tăng 5,54%, đứng thứ 8 Vùng Trung du miền núi phía Bắc và đứng thứ 44 cả nước.

Thủy điện bứt phá, giúp tỉnh nghèo Lai Châu tăng trưởng GRDP đứng thứ 3 cả nước ảnh 1

Công trình thủy điện Lai Châu

Tuy nhiên, sau 9 tháng, GRDP của Lai Châu tăng 11,63%, tăng 41 bậc so với 6 tháng đầu năm, xếp thứ 3 cả nước (sau tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa).

Trong đó, cơ cấu khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10.69%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 51,78% (riêng công nghiệp 44,95%); khu vực dịch vụ chiếm 31,92%; thuế trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,61%. Ngành công nghiệp là ngành có mức tăng trưởng cao nhất, đóng góp 10,24 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Theo Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Lai Châu Lê Lâm Bằng, sở dĩ ngành công nghiệp tăng cao do giá trị tăng thêm ngành sản xuất điện tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô GRDP của tỉnh.

Sản lượng điện sản xuất 9 tháng của tỉnh tăng 43,9% so với cùng kỳ, tăng 2.023 triệu Kwh. Do có 11 nhà máy thủy điện mới hoàn thành đi vào phát điện với công suất lắp máy 145,3 MW. Cùng với thời tiết mưa nhiều tạo điều kiện cho các nhà máy thủy điện tăng sản lượng.

Để hiểu hơn về vai trò của ngành điện trong nền kinh tế Lai Châu, Cục Thống kê Lai Châu phân tích. 9 tháng năm 2024 quy mô GRDP theo giá hiện hành 23.922,8 tỷ đồng; trong đó ngành sản xuất điện 10.383,03 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43,40% trong quy mô GRDP của tỉnh.

Khi tách ngành điện ra khỏi khu vực công nghiệp (các ngành giữ nguyên), mức tăng trưởng GRDP chung của tỉnh đạt 102,85%; quy mô GRDP theo giá hiện hành 13.539,7 tỷ đồng.

Còn khi tách thủy điện ra khỏi ngành công nghiệp, ngành công nghiệp chỉ đạt 139,82%, mức đóng góp của ngành công nghiệp khi không có thủy điện chỉ chiếm 0,79% điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Qua đó cho thấy nền kinh tế của Lai Châu phụ thuộc lớn vào thủy điện.

Cần phát triển bền vững

Với đặc điểm địa hình nhiều sông, suối, có độ dốc cao, dòng chảy xiết, tạo tiềm năng phát triển thủy điện. Phát huy tiềm năng này, tỉnh Lai Châu thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư vào xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn.

Theo Sở Công thương Lai Châu, Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1585/QĐ-TTg ngày 07/12/2023. Trong đó tích hợp 160 dự án thủy điện được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với quy mô tổng công suất 4.283,75MW, điện lượng trung bình năm hơn 15,5 tỷ triệu kWh.

Hiện UBND tỉnh Lai Châu cấp chủ trương đầu tư cho 124 dự án thủy điện với quy mô tổng công suất 3.918,15 MW, điện lượng trung bình năm 14.312 triệu kWh. Tổng mức đầu tư trên 130.000 tỷ đồng. Đóng góp khoảng 70% nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Trong đó, có 60 dự án đưa vào vận hành phát điện với tổng công suất 3.040,85MW, điện lượng trung bình năm 11.332 triệu kWh. Có 33 dự án đã cấp chủ trương đầu tư và triển khai thi công có khối lượng xây dựng; 31 dự án đã cấp chủ trương đầu tư nhưng chưa khởi công. Còn lại 36 dự án đã được quy hoạch nguồn điện nhưng chưa được cấp chủ trương đầu tư.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Lai Châu, định hướng phát triển công nghiệp năng lượng được triển khai thực hiện theo chủ trương, định hướng của Trung ương, của Đảng bộ tỉnh. Việc triển khai thực hiện bảo đảm đúng quy định pháp luật; phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Các dự án thủy điện được đầu tư và đi vào hoạt động phát huy hiệu quả. Góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng giá trị sản xuất công nghiệp.

Thủy điện bứt phá, giúp tỉnh nghèo Lai Châu tăng trưởng GRDP đứng thứ 3 cả nước ảnh 2

Thủy điện giúp người dân Lai Châu phát triển thủy sản trên lòng hồ.

Ngoài ra, thủy điện còn tạo tiềm năng phát triển thủy sản lòng hồ, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách. Mặt khác, thủy điện còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân thông qua chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Bên cạnh những lợi ích của thủy điện đem lại, tỉnh Lai Châu cũng thận trọng khi xây dựng các thủy điện nhỏ. Bởi các thủy điện nhỏ lấy đi một diện tích rừng khá lớn (trung bình để tạo ra 1MW điện sẽ phải đổi từ một đến 10ha rừng) và tác động xấu cho môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân.

Đặc biệt, khi nền kinh tế phụ thuộc lớn vào thủy điện, mà thủy điện lại phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, thời tiết. Nếu thời tiết không thuận lợi, sản lượng điện sẽ giảm, đồng nghĩa với việc thu ngân sách giảm. Vì vậy, để phát triển ổn định bền vững, Lai Châu cần phát triển thêm các ngành nghề khác, cần có thêm các nhà máy, khu công nghiệp.

MỚI - NÓNG