Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm: Thích ứng với thiên tai ngày càng dị thường và khốc liệt nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động của thiên tai ngày càng dị thường và khốc liệt cũng như đề xuất các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Miền Bắc nước ta vừa trải qua một thảm hoạ thiên tai nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua khi siêu bão YAGI đổ bộ và tàn phá, gây ra gió mạnh dữ dội, mưa lớn bao trùm miền bắc, lũ lịch sử trên các dòng sông và ngập lụt ở 21 tỉnh/thành phố. Hậu quả để lại vô cùng to lớn và tang thương. Tính đến ngày 28/9, bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét đã khiến 344 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất ước tính trên 81.000 tỷ đồng.

Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động của thiên tai ngày càng dị thường và khốc liệt cũng như đề xuất các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, hôm nay, Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm: Thích ứng với thiên tai ngày càng dị thường và khốc liệt.

Khách mời tọa đàm:

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn.

PGS. TS Phạm Quý Nhân, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường

TS Vũ Anh Tuân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.

TS. Nguyễn Đại Trung, Trưởng Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế thuộc Viện Khoa học địa chất và khoáng sản.

Ông Văn Phú Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển kỹ thuật Tài nguyên nước – WATEC

Ông Đặng Văn Tâm, Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng.

TỌA ĐÀM THIÊN TAI 22/10

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

22/10/2024 09:15

Biến đổi khí hậu - thách thức toàn cầu

Mở đầu buổi toạ đàm, Nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong cho rằng, từ các trận bão lũ vừa qua cho thấy thiên tai ngày càng dị thường. Ngày nay biến đổi khí hậu không còn là thách thức của Việt Nam mà là thách thức của toàn cầu.

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 1

Nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong

Các vị khách mời đến buổi tọa đàm hôm nay mỗi người ở một lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau sẽ có những chia sẻ để bạn đọc nhận diện được vì sao thiên tai ngày càng khốc liệt cũng như cách nào có thể ứng phó một cách hiệu quả.

Với buổi toạ đàm hôm nay, báo Tiền Phong với các nền tảng điện tử và báo giấy với số lượng bạn đọc lớn sẽ lan toả thông tin, thông điệp rộng rãi nhằm giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thiên tai.

22/10/2024 09:24

Clip: Sức tàn phá của siêu bão YAGI

22/10/2024 09:57

Bão YAGI - cơn bão cực kì nguy hiểm

Thưa ông, siêu bão YAGI đổ bộ miền Bắc nước ta ngày 7/9 là cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp. Tuy nhiên, xuất hiện nhiều thông tin nhận định khác nhau về bão YAGI, có thông tin cho rằng, bão mạnh nhất 30 năm qua, cũng có thông tin cho rằng, bão mạnh nhất 50 năm qua. Ông có thể chia sẻ những nhận định chính xác và đầy đủ của Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam về cơn bão vô cùng nguy hiểm này?

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn:

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 2
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn.

Bão YAGI hình thành từ một vùng áp thấp vào đầu tháng 9/2024, sau đó mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là YAGI, Việt Nam gọi là bão số 3.

Bão vào Biển Đông ngày 3/9 và rất nhanh sau đó, từ cơn bão cấp 8 mạnh lên thành bão cấp 16, cấp siêu bão. Đây là kỷ lục đầu tiên chúng tôi ghi nhận được về bão số này, là cơn bão tăng cấp nhanh nhất. Khi vào đảo Hải Nam, bão vẫn duy trì cường độ của một siêu bão. Đây là cơn bão có hoàn lưu rất rộng, mắt bão rất sắc nét, cực kỳ nguy hiểm.

Sau khi vào vịnh Bắc Bộ, bão giảm xuống cấp 14, giật cấp 17 và tiếp tục duy trì cường độ này khi hoạt động trên vịnh Bắc Bộ. Ngày 7/9, bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh - Hải Phòng với gió mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17. Tối đến đêm 7/9, bão tiếp tục ảnh hưởng đến Hải Dương với gió mạnh cấp 12, giật cấp 14-15, sau đó giảm cấp nhanh hơn và đến sáng sớm ngày 8/9, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở Tây Bắc Bộ. Trước và trong khi bão đổ bộ xuất hiện gió mạnh, lốc xoáy ở nhiều tỉnh thuộc Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội.

Hoàn lưu của bão đã gây mưa lớn diện rộng cho hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hoá. Mưa đặc biệt lớn từ 7-9/9 với lượng mưa phổ biến từ 300-400mm, có nơi trên 700mm, tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Thao, sông Lô – Gâm và sông Thái Bình, gây ra đợt lũ đặc biệt lớn trên các sông này, sau đó là Hà Nội, hạ lưu sông Hồng, sông Đáy và sông Thái Bình. Lũ ở nhiều sông đã vượt mức lũ lịch sử 60-70 năm, tức là lũ lớn nhất từ khi có số liệu quan trắc cho đến nay.

Tổng kết lại về cơn bão này để thấy có những điểm đặc biệt, kỉ lục, bất thường. Đây là siêu bão đầu tiên trên Biển Đông được cơ quan khí tượng thuỷ văn Việt Nam ghi nhận, dự. báo từ khi Việt Nam có phân định cấp siêu bão năm 2014. Trước đây, chúng ta chỉ chia cấp siêu bão đến cấp 12 nên cấp độ đo chỉ đến cấp 12 thôi. Từ 2014, chúng ta có thể đo đạc được siêu bão từ cấp 16 trở lên.

Đây là cơn bão có hoàn lưu rộng nhất mà chúng tôi ghi nhận được từ trước đến nay. Gió mạnh cấp 13-14, giật cấp 17 tại Bãi Cháy là sức gió mạnh nhất từng ghi nhận được trên đất liền nước ta. Tuy nhiên cũng cần lưu ý thêm là trước đây chúng ta chỉ xác định đến cấp 12, giật trên cấp 12.

Phạm vi ảnh hưởng của bão và gió mạnh, gió giật mạnh (cấp 8 trở lên) là rộng nhất từ trước đến nay khi hầu. hết các tỉnh ở Đông Bắc Bộ và Thanh Hoá. Chúng tôi đánh giá đây là cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay mà chúng ta đo đạc, quan trắc được.

Ngoài ra, dù đây là cơn bão không có lượng mưa nhiều nhất nhưng nhiều nơi có miền núi phía Bắc đã trải qua tháng 8 với nhiều ngày mưa lớn, dẫn đến sạt lở đất rất nghiêm trọng.

22/10/2024 10:01

Những năm qua, không chỉ bão mạnh, Việt Nam ghi nhận nhiều cực đoan về mưa lớn, nắng nóng, hạn hán. Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định như thế nào về xu thế thiên tai ở Việt Nam trong những năm qua và những năm tới?

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn:

Biến đổi khí hậu với nóng lên toàn cầu, nước biển dâng đang làm trầm trọng hơn các thiên tai thường xảy ra. Dưới tác động của biến đổi khí hậu các hiện tượng thời tiết cực đoan còn gia tăng về cường độ và tần suất. Việt Nam có bờ biển dài và nằm trong vùng giao tranh của các hệ thống gió mùa lớn nên thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, rét hại, nắng nóng, khô hạn dài ngày, mưa lớn, lũ lớn.

Về bão theo đánh giá của các nhà chuyên môn chưa có dữ liệu nói về tần suất bão tăng hay giảm nhưng có dấu hiệu cho thấy, sự gia tăng các cơn bão có cường độ mạnh. Điều này được lý giải, bão hình thành chủ yếu từ trên biển, nhiệt độ mặt biển nóng hơn, lượng hơi nước nhiều lên tạo điều kiện hình thành và phát triển các cơn bão mạnh.

Tại Việt Nam những năm qua liên tiếp xuất hiện bão mạnh cấp 12 trở lên trên Biển Đông và đổ bộ vào đất liền, chỉ trong vòng 5-6 năm, chúng ta hướng chịu khoảng 5-6 cơn bão trên cấp 12. Xu thế bão mạnh sẽ nhiều hơn, tác động đến đất liền cũng nhiều hơn. Hiện tượng El Nino và La Nina luân phiên thay đổi theo chu kỳ 5-7 năm cũng tác động đến thiên tai, thời tiết. Những năm El Nino, bão ít nhưng thường xuất hiện các cơn bão mạnh, dị thường. Những năm La Nina bão nhiều hơn nhưng thường là bão yếu và nhanh. Ngoài ra, dưới tác động của biến đổi khí hậu, mưa lớn cực đoan, đặc biệt là mưa cường suất lớn trong thời gian ngắn xảy ra ngày càng nhiều. Xuất hiện các đợt mưa lớn 300-500mm trong vòng 6 giờ, hay như tại Quảng Ninh, mưa trong vòng vài ngày lên tới khoảng 2000mm.

Mưa cực đoan xuất hiện theo xu thế mưa nhiều, mưa dài ngày, cường suất mưa rất lớn. Hậu quả tiếp theo là lũ quét, sạt lở đất, ngay cả vùng đô thị ven biển cũng có thể ngập lụt do mưa cường suất lớn. Nước biển dâng cũng là vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Cuối cùng là nắng nóng, liên tiếp các kỷ lục nắng nóng được xác lập trong những năm qua trên toàn cầu và Việt Nam.

Chúng ta thường nghe đến kỷ lục nắng nóng nhưng ngay sau đó lại xuất hiện nhiệt độ phá kỷ lục vừa thiết lập, ví dụ tại Việt Nam, trong 2023-2024 đã hơn 100 lần các kỷ lục nhiệt độ cao nhất được phá vỡ. Kỷ lục nắng nóng cao nhất ở Việt Nam ghi nhận tại Tương Dương, Nghệ An là 44,2 độ, vào năm 2023.

Ngoài ra, hiện nay cũng xuất hiện các khoảng thời gian không mưa kéo dài, dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt hơn, một phần do biến đổi khí hậu, một phần do việc sử dụng nước trên các lưu vực sông. Lũ quét, sạt lở đất cũng ngày càng nhiều, bất ngờ hơn do mưa lớn cực đoan và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội dẫn đến biến đổi địa hình, địa chất.

22/10/2024 10:11

Gây dựng lại kinh tế theo hướng bền vững

Nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong: Bão YAGI đã đi qua, đời sống người dân dần quay trở lại nhưng nỗi ám ảnh còn mãi. Người dân chắt chiu bao nhiêu năm, một trận bão đi qua, cuốn trôi tất cả, lại phải làm lại từ đầu. Ông Hải có thể cung cấp thông tin về thiệt hại do bão gây ra đến thời điểm này?

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai:

Chúng ta phải đã đặt công tác phòng chống thiên tai thường xuyên, liên tục. Nhà báo Lê Minh Toản đã lấy dẫn chứng người dân ở Quảng Bình thường xuyên bị bão lũ quét sạch tài sản. Và cứ như vậy, 5 năm hay 10 năm địa phương khó có thể phát triển được. Nhìn lại các đợt thiên tai lớn, nơi nào lãnh đạo địa phương quan tâm sâu sát sẽ hạn chế được phần nào thiệt hại.

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 3

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai

Những khu vực ngập lụt phải có giải pháp thích ứng và quản lý rủi ro nhằm đảm bảo tính chủ động. Trên thực tế, thời gian vừa qua chúng ta đã có những giải pháp ứng phó để người dân thích nghi, không phải di chuyển đi nơi khác.

Trong khi các loại hình thiên tai có xu thế ngày càng cực đoan thì quá trình phát triển kinh tế xã hội, dân số gia tăng cũng tác động đến thiệt hại. Ngày nay, các đơn vị, người dân kinh doanh, sản xuất giá trị lớn nên thiệt hại cũng rất cao. Chúng ta cần định hướng gây dựng lại thiệt hại kinh tế theo hướng bền vững.

Về cơn bão số 3 đến thời điểm này có thể khẳng định, cơn bão đã gây thiệt hại rất lớn về người và của. Về người, bão lũ khiến 345 người chết và mất tích, thậm chí một số người mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy. Trong đó, người chết chủ yếu do sạt lở đất, loại hình thiên tai 5-10 năm gần đây chúng ta cần quan tâm.

Về kinh tế, đến nay chúng tôi thống kế được thiệt hại gần 82.000 tỉ đồng. Đây cũng là thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay. Có thể so sánh với năm 2017 có nhiều bão đổ bộ nhưng tổng thiệt hại khoảng 60.000 tỉ đồng. Có thể nói, sức tàn phá của cơn bão vừa qua là hết sức khủng khiếp và diện rộng. Bão tiếp cận từ biển vào đồng bằng lên miền núi, gây sạt lở từ miền núi lại trôi xuống đồng bằng thành một vòng tròn. Trước đó trong chỉ đạo chúng ta chưa hình dung hết tác động liên hoàn, lũ xảy ra diện rộng nên công tác điều phối cũng gặp không ít khó khăn.

Tổng thể trong năm 2024 cũng là một năm đặc thù khi có lượng mưa lớn kéo dài hàng tháng gây ra các vụ sạt lở đất. Dù đã được cảnh báo nhưng đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc khiến nhiều người chết. Trong tương lai, chúng ta cần tăng cường cảnh báo để hạn chế thiệt hại về người, tài sản ở các điểm sạt lở. Tính từ đầu năm đến nay có tới 501 người chết và mất tích do thiên tai, tăng 2,38 lần so với trung bình 10 năm gần đây. Về kinh tế, thiệt hại gấp 4 lần so với trung bình 10 năm gần đây (trung bình năm các năm gần đây là khoảng 21.000 tỉ đồng/năm).

Từ những con số thiệt hại về người và kinh tế kể trên, tôi cho rằng, chúng ta cần suy ngẫm, nhìn nhận lại để có bài học kinh nghiệm ứng phó cũng như tái thiết lại kinh tế cũng như đời sống của người dân. Trong đó, chú ý đối tượng tổn thương nhiều nhất là người dân sản xuất nông nghiệp, cần có giải pháp để phòng tránh rủi ro thiên tai bất thường có thể lặp lại trong thời gian tới.

22/10/2024 10:21

Phá rừng, xẻ núi gây thiên tại khốc liệt

Trong suốt mùa hè vừa qua cũng như trong đợt mưa lũ do bão YAGI, chúng ta thấy có rất nhiều vụ sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, điển hình như lũ quét ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Theo ông, vì sao các thiên tai như lũ quét, sạt lở đất ngày càng xảy ra trên quy mô ngày càng lớn với tần suất ngày càng dày? Bên cạnh tác động của tự nhiên, có tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của con người không?

TS. Nguyễn Đại Trung, Trưởng Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế thuộc Viện Khoa học địa chất và khoáng sản:

Nguyên nhân gây sạt lở đất, lũ bùn đá ở khu vực miền núi, trung du Việt Nam trong thời gian qua rất đa dạng, trong đó đặc biệt phải kể đến các nguyên nhân khách quan như: địa hình, địa mạo, địa chất, kiến tạo, vỏ phong hóa, thổ nhưỡng, thảm phủ, khí tượng, thủy văn...

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 4

TS. Nguyễn Đại Trung, Trưởng Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế thuộc Viện Khoa học địa chất và khoáng sản

Nhìn chung, yếu tố kích hoạt tự nhiên gây sạt lở đất, lũ quét được xác định chủ yếu là do yếu tố khí tượng: mưa lớn, mưa dài ngày. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan như các yếu tố kích hoạt sạt lở đất do con người ngày càng gia tăng từ các hoạt động nhân sinh như sử dụng đất trồng cây thay đổi thảm phủ thực vật, xây dựng các công trình, phá rừng, cắt xẻ sườn đồi, núi làm đường, mở rộng đường, khai thác khoáng sản…

Các thiên tai như sạt lở đất, lũ quét ngày càng xảy ra trên quy mô ngày càng lớn với tần suất ngày càng dày ở các khu vực miền núi, trung du Việt Nam do có nhiều yếu tố và tác động tự nhiên và nhân sinh.

Về các tác động tự nhiên, đặc điểm địa hình Việt Nam khá đặc biệt với 2/3 là địa hình miền núi trung du, địa hình xâm thực, chia cắt tạo ra các theo các khe hẻm, vách núi sâu ở miền núi tạo các sườn dốc lớn, thung lũng sâu, là nơi hay xảy ra sạt lở đất, lũ bùn đá…

Bên cạnh đó hiện tượng động đất, núi lửa phun trào gần đây tại nước ta đã tạo ra 1 loại đất mềm, bở trên bề mặt, khi mưa lũ xảy ra, loại đất này rất dễ bị mất đi bộ kết dính, bị cuốn trôi gây ra tình trạng sạt lở.

Ngoài ra, hiện tượng thời tiết cực đoan gây mưa lớn, kéo dài ngày do biến đổi khí hậu gây bão (hiện tượng biến đổi En Nino sang La Nila) với tần suất lớn.

Bên cạnh các tác động của tự nhiên, các tác động nhân sinh từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở miền núi và trung du Việt Nam bao gồm: Xây dựng các công trình giao thông, điện, trường, trạm, thủy điện, đập, hồ, khai thác khoáng sản, khai tác đất, đá làm vật liệu xây dựng, thay đổi địa hình tự nhiên và thảm phủ (trồng cây công nghiệp, nông nghiệp) v.v.

Các hoạt động, phá rừng, xẻ núi làm giao thông đã ảnh hưởng không nhỏ đến địa hình tự nhiên của nước ta.

Bên cạnh đó việc khai thác quá tay thảm thực vật gây ra tác động không nhỏ.Ví dụ như, cách đây 30-40 năm tại Đồng Văn Cao Bằng có lớp phủ thực vật khá phong phú, nhưng hiện nay do tình trạng khai thác quá mức, lớp phủ chuyển sang thảm phủ.

Đợt mưa bão vừa qua tôi cũng đã đi khảo sát một số nơi, sạt lở ở miền Bắc một phần do khai thác khoáng sản tại các nơi gây đứt gãy sâu. Khi hoàn lưu bão YAGI đi qua gây mất kết dính, tạo nên sạt lở.

Hiện nay có một số động đất nhẹ do các trạm thủy điện tích nước, tích tụ năng lượng dưới lòng đất. Đâu đó tại các địa phương, người dân vẫn cảm nhận được rung lắc nhẹ trong lòng đất. Nhưng rung lắc này làm nứt gãy diễn ra gây tác động đến tự nhiên.

Hiện nay, các đơn vị đã có nhiều cảnh báo sớm tới cho người dân, tuy nhiên công tác thích ứng với thiên tai cần đi sâu đi sát hơn nữa. Các địa phương nên chủ động di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

22/10/2024 10:27

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 5
Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 6
Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 7
Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 8
Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 9
Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 10
Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 11
Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 12
Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 13

Ảnh: Như Ý

22/10/2024 10:36

Hải Phòng 'gồng mình' chủ động chống bão

Quá trình ứng phó với siêu bão YAGI, Hải Phòng nhận thấy đâu là những khó khăn lớn nhất, có dấu hiệu chủ quan hay không? Hải Phòng đã chủ động như thế nào và kĩ năng ứng phó với bão ra sao giảm thiểu. Sau siêu bão YAGI, thành phố sẽ triển khai những giải pháp gì để nâng cao khả năng thích ứng cũng như phòng chống, khắc phục hậu quả của thiên tai?

Ông Đặng Văn Tâm, Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng:

Hải Phòng cùng với Quảng Ninh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3 ghi nhận cơn bão ở cấp 12, giật tới cấp 15.

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 14

Ông Đặng Văn Tâm, Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng

Hải Phòng chủ động trong công tác phòng ngừa. Chưa bao giờ có cơn bão nào lại có sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Nếu như các cơn bão trước chỉ có văn bản chỉ từ địa phương nhưng trước cơn bão này thì ban thường vụ tỉnh ủy đã trực tiếp chỉ đạo. Lần đầu tiên cả hệ thống chính trị của Hải Phòng vào cuộc từ sớm, từ xa trước khi bão đổ bộ vào Biển Đông.

Theo thống kê, tổng thiệt hại cơn bão số 3, Hải Phòng đã thiệt hại 2 người chết và 81 người bị thương, 1 chiến sĩ hy sinh khi hỗ trợ nhân dân khắc phục sau bão.

Tổng thiệt hại cơn bão gây ra là trên 13.000 tỷ, trong đó thiệt hại của người dân hơn 7.200 tỷ, cơ quan nhà nước ở Hải Phòng là hơn 1.800 tỷ, của doanh nghiệp hơn 4.000 tỷ.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sát sao và sự đồng thuận của nhân dân con số như trên là con số thấp nhất. Nếu cơn bão này không có sự vào cuộc nhất thì thiệt hại số 3 vào Hải Phòng lớn hơn nhiều.

Sau cơn bão, chúng tôi đánh giá, khó khăn lớn nhất của Hải Phòng chính là cơ sở hạ tầng. Khi bão số 3 diễn ra và sau báo thì hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn. Các mạng viễn thông mất sóng, như ở đảo Cát Hải mất liên lạc vài ngày sau bão.

Giải pháp sau cơn bão, thì thành phố Hải Phòng chỉ đạo đầu tư hệ thống điện, viễn thông, cấp thoát nước đô thị.

Công tác trồng cây xanh đô thị. Ở Hải Phòng lượng cây xanh đô thị nhiều nên chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu trồng cây gì hợp lý chống chịu với bão, và trồng ở đâu. Chúng ta tham khảo các nước thì họ không trồng cây xanh ven đường mà trồng theo khu.

22/10/2024 10:46

Hiện tượng thời tiết cực đoan còn tiếp diễn

Thưa PGS.TS Phạm Quý Nhân, không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, thiên tai cũng ngày càng dị thường và khốc liệt, mới đây nhất chúng ta thấy hình ảnh hoang mạc Sahara ở Châu Phi chìm trong biển nước. PGS có thể lý giải vì sao biến đổi khí hậu lại làm cho thiên tai ngày càng dị thường, khốc liệt?

PGS. TS Phạm Quý Nhân, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường:

Theo ghi nhận, lũ lụt tại hoang mạc Sahara ở Châu Phi là trận lũ lụt lớn nhất trong 50 năm vừa qua. Ngoài ra các trận lũ lụt lớn ở Đông Phi đã xảy ra rất bất thường khiến hàng trăm người thiệt mạng kéo dài từ tháng 3 đến nay. Ngoài ra tại khu vực Vùng Vịnh - nơi khí hậu khô hạn quanh năm, nhưng tháng 4 vừa qua cũng đã xảy ra tình trạng ngập lụt. Vào tháng 4 vừa qua tại Quảng Đông, Trung Quốc cũng ghi nhận trận mưa kéo dài trăm năm có 1.

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 15

PGS.TS Phạm Quý Nhân, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường

Tháng 6/2024 tại Thánh địa Hồi giáo chết hàng nghìn người do nắng nóng. Năm nay, Ecuado đã phải chịu trận hạn hán tồi tệ nhất trong 61 năm vừa qua. Đến tháng 10 này tại Đại Tây Dương đã có 13 cơn bão mạnh được đặt tên, gấp đôi năm ngoái.

Đầu tháng 10, cơn bão Milton đã trút lượng mưa kỷ lục "nghìn năm có một" xuống Floria, Mỹ với lượng mưa chỉ trong 3 tiếng đã tương đương với 3 tháng.

Năm 2023 đã ghi nhận hàng trăm con số kỷ lục về tác động của thiên tai nhưng năm 2024 còn vượt cả ngưỡng kỷ lục đó.

Tôi cũng công nhận về việc hiện tượng thiên tai không chỉ có một mà thường kéo theo “một combo”. Mưa bão kéo theo sạt lở, ngập úng và nhiều loại thiên tai khác.

Theo tôi biến đổi khí hậu khiến cho thiên tại ngày càng dị thường khốc liệt. Đặc biệt là do tác động của nóng lên toàn cầu.

Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu của EU vào 8/2024 đã ghi nhận mức nóng kỷ lục vào tháng 7 năm nay với nhiệt độ đo được cao hơn 1,48 độ so với những năm trước thời kỳ tiền công nghiệp. Tại Việt Nam, mùa hè năm nay có nhiệt độ cao hơn 0,7 độ so với giai đoạn. 1991-2000. Nhiệt độ Bắc bán cầu cao hơn 0,69 độ so với giai đoạn 1991-2000. Những con số này xô đổ mọi kỷ lục trong năm 2023.

Đây cũng là nguyên nhân gây ra những hiện tượng thiên tại dị thường khốc liệt. Việc nóng lên kéo theo thay đổi nhiệt độ đại dương, cung cấp nhiều hơi nước hơn trong khí quyển gây mưa lớn hơn, bên cạnh đó cũng làm nước biển dâng.

Theo nghiên cứu của Nhật Bản nước biển dâng là nguyên nhân cường độ bão mạnh hơn, tần suất cao hơn, kéo dài hình thái cực đoan. Nghiên cứu cũng theo dõi các trận bão tại Thái Bình Dương, thời gian tan bão kéo dài gấp đôi so với 50 năm trước. Các cơn siêu bão được hình thành từ biển với thời gian kéo dài gây tích tụ thêm nhiều hơi nước hơn, sức tàn phá mạnh hơn.

Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy hiện tượng chuyển đổi từ El Nino sang La Nila đã gây tác động lớn đến khí hậu.

Việc hình thành các cơn bão tại biển đông do La Nila khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên.

22/10/2024 10:52

Cảnh báo sớm - giải pháp quan trọng

Thưa ông, cảnh báo, dự báo sớm được coi là giải pháp quan trọng để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Thời gian tới, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn sẽ có những giải pháp nào để nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo sớm thiên tai?

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn:

Chúng tôi chọn cảnh báo sớm là một giải pháp quan trọng để dự báo sớm thiên tai với công tác phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Phương châm chúng tôi là: dự báo sớm, chi tiết và tin cậy hơn.

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 16

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn

Dự báo là ước tính, dự kiến những cái xảy ra trong tương lai. Chúng ta không thể đưa ra dự kiến có chi tiết được mà khoảng xảy ra thôi.

Bão, mưa lớn thì có thông tin sớm từ biển thì có thông tin khá chi tiết nên sẽ có thông tin sớm hơn. Còn các thiên tai đột xuất, không có nhiều loại hình quan trắc thì khó có thể dự báo sớm.

Chúng tôi đặt vấn đề là: tin cậy hơn. Nhưng mỗi loại hình đặt ra độ tin cậy khác nhau. Để đạt được điều này cần nhiều giải pháp khác nhau ở cả xã hội và trong cả ngành.

Với trung tâm Khí tượng Thủy văn chúng tôi có đưa ra 4-5 giải pháp quan trọng như sau:

Thứ nhất, chúng ta cần càng nhiều số liệu thì càng dự báo tốt. Cần đặt nhiều quan trắc dày hơn để có nhiều số liệu hơn. Vùng núi dày hơn để đánh giá kĩ lưỡng để cảnh báo sớm hơn, kĩ lưỡng hơn.

Tuy nhiên, dù có đăng dày đến đâu không thể phủ hết. Vì thế, chúng ta có thể lắp rada để có thể bớt sai số nhiều hơn. Thực tế, tổng cục có quy hoạch quan trắc dày đến đâu cũng không thể hết được

Thứ 2, tăng cường hệ thống công nghệ cảnh báo sớm. Phát triển mô hình hiện đại, công nghệ số, cảnh báo thông tin từ thiên tai, tự nhiên. Đây là công việc khổng lồ không thể có trong ngày một ngày 2 được. Xu thế tất yếu là ứng dụng cách mạng 4.0 đặc biệt AI trong loại hình cảnh báo sớm. Trong đó đồng thời sử dụng 1 lúc các sản phẩm khác nhau, hy vọng đưa ra được thông tin tin cậy nhất.

Thứ 3, khí tượng thủy văn là không biên giới. Nên chúng ta cần hợp tác quốc tế và chia sẻ dữ liệu ở các nước. Tận dụng công nghệ tiên tiến các nước song phương và đa phương, đưa dữ liệu của Việt Nam vào mô hình hiện đại nhất của các nước trên thế giới.

Thứ 4, ứng dụng các phương tiện, hiện đại trong việc truyền tin trong đó truyền tin dễ hiểu, nhanh nhất dễ nhất đến các đối tượng người dân. Thiên tai là ở cộng đồng nên chỉ họ cần thông tin nhất.

Ngoài ra, còn các giải pháp khác như: nhân lực chất lượng cao vì chúng ta sẽ tự động hóa nhân lực quan trắc, tận dụng tối đa hợp tác quốc tế, cử cán bộ đi đào tạo nước ngoài; xã hội hóa vì nhà nước thôi là chưa đủ. Ngành khí tượng thủy văn được hưởng lợi nhưng doanh nghiệp và người dân cũng được hưởng lợi. Tiến tới chúng ta có thông tin nhanh nhất, chi tiết nhất, tin cậy nhất trong việc cảnh báo thiên tai.

22/10/2024 10:59

Đừng ngần ngại dự báo

Thưa ông, là đơn vị quản lý, vận hành hệ thống trạm đo mưa vnrain trên toàn quốc, ông có thể chia sẻ bức tranh, cũng như đánh giá về xu thế mưa cực đoan ở nước ta trong những năm qua?

Ông Văn Phú Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển kỹ thuật Tài nguyên nước – WATEC:

Nói về mưa, hệ thống đo mưa phục vụ cho tổng cục và địa phương có tới 2615 trạm đo trong đó có cả ở Trường Sa. Riêng khu vực Thủy điện Sơn La, chúng ta có hơn 230 trạm.

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 17

Ông Văn Phú Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển kỹ thuật Tài nguyên nước – WATEC

Qua đo lượng mưa 63 tỉnh thành, mưa cực đoan ngày càng tăng, tầng suất cũng nhiều hơn.

Ví dụ, ở Đà Nẵng, qua quan trắc chúng tôi đo được lượng mưa tháng 10/2022 có cường suất lượng mưa trên 100mm/ giờ. Câu chuyện này cho chúng ta thấy mưa cực đoan xuất hiện liên tục, phổ biến. Hay như ở Hà Giang có 5 trạm xuất hiện tổng lượng mưa ngày 700-800mm.

Qua phân tích của chuyên gia, chúng ta có hệ thống quan trắc để đánh giá xu thế. Chúng ta nói nhiều đến câu chuyện bão, lũ, sạt lở đất, trong đó, chúng ta thấy lũ và sạt lở đất gây thiệt hại nhiều nhất.

Năm 2024, riêng từ đầu năm đến nay có mưa nhiều. Chúng ta cần có cảnh báo, và xảy ra hay không xảy ra thì đó là câu chuyện khác. Nhiệm vụ của chúng ta là cảnh báo còn nếu không xảy ra thì đó là một cái phúc.

Sạt lở thì do nhiều yếu tố khác trong đó do mưa tích lũy nhiều. Chúng ta không ngại gì nếu dự báo mà sau đó không xảy ra.

Hiện tại, hệ thống của chúng tôi đều có cảnh báo. Ví dụ, mưa vượt quá 50mm thì cứ cảnh báo qua trên điện thoại, gửi tin nhắn đều đặn. Khi có số liệu thì sẽ có thể đo đưa thông tin cực đoan của thời tiết.

22/10/2024 11:19

Ứng dụng công nghệ vũ trụ dự báo thiên tai

TS Vũ Anh Tuân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam: Tôi cũng là người làm khoa học nhưng dự toạ đàm hôm nay được mở mang vì các khách mời đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về thiên tai.

Tôi xin được chia sẻ, thời gian qua, đặc biệt trong các trận bão lũ chúng ta đã thấy vai trò của công nghệ vũ trụ, nhất là khi bão số 3, tàn phá các địa phương, toàn bộ thông tin liên lạc ở mặt đất bị ngắt. Hoàn lưu bão gây lũ lụt ở miền Bắc và cũng chỉ có ảnh từ vệ tinh mới có thể quan sát được toàn bộ khu vực rộng lớn và cũng chỉ có công nghệ vệ tinh mang lại sự kết nối ổn định.

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 18

TS Vũ Anh Tuân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam

Như vậy, nếu đặt vấn đề Công nghệ vũ trụ giúp ích được gì trong phòng chống thiên tai thì tôi có thể nói rằng, có nhiều nước đã tính toán được rằng công nghệ vũ trụ có thể giảm sự thiệt hại thiên tai lên tới 10%. Như vừa qua, cơn bão số 3 gây thiệt hại hơn 80.000 tỉ đồng và nếu giảm được 10% là con số đáng kể. Đó là về tiền, còn thiệt hại về người không con số nào có thể đong đếm được.

Việc sử dụng công nghệ vũ trụ, giai đoạn trước thiên tai có chức năng nhận diện nguy cơ, cảnh báo nhằm cung cấp thông tin cho ngành khí tượng thuỷ văn hay trong thiên tai có thể cung cấp thông tin để cơ quan chức năng có giải pháp ứng cứu kịp thời. Ảnh chụp vệ tinh có thể xuyên qua mây, chụp được cả ban đêm, nên nếu cập nhật liên tục sẽ đảm bảo cung cấp thông tin cảnh báo chính xác, tránh nhiễu loạn thông tin. Bởi thông tin thực địa thường không phản ánh được toàn bộ khu vực rộng lớn. Đôi khi chúng ta thấy ở một khu vực có vẻ như không có vấn đề gì xảy ra nhưng một 1 giờ sau diễn biến có thể theo chiều hướng xấu hơn.

Sau khi thiên tai xảy ra, công nghệ vũ trụ cũng góp phần đánh giá thiệt hại để khắc phục hậu quả.

Ở Việt Nam hiện nay, ngoài vệ tinh viễn thông để liên lạc, còn có một vệ tinh viễn thám mang tên VNREDSat-1 được phóng vào vũ trụ ngày 7/5/2013 đến nay đã 11 năm. Trong khi tuổi thọ của vệ tinh là 5 năm. Vệ sinh VNREDSat-1 đến nay đã sống hơn gấp đôi tuổi thọ nên hoạt động không còn hoàn hảo. Hơn nữa, đây là vệ tinh quang học, sử dụng ánh sáng mặt trời để chụp ảnh nên không có khả năng chụp ảnh xuyên qua mây, không chụp được vào ban đêm nên khả năng theo dõi bão lũ trong thời gian qua có phần bị hạn chế. Trong khi chúng ta, thiên tai phần nhiều là do bão, lũ, sạt lở đất.

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 19

TS Vũ Anh Tuân: Sắp tới sẽ phóng thêm vệ tinh để chủ động ứng phó với thiên tai

Thời gian tới, chúng ta sẽ phóng tiếp một vệ tinh có thể khắc phục được những hạn chế của VNREDSat-1 nhằm giúp cung cấp thông tin chi tiết, rõ nét, bao quát hơn để chủ động ứng phó với thiên tai.

Ngoài ra, thời gian qua, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng đã nghiên cứu vệ tinh đưa lên quỹ đạo hoạt động. Ban đầu, các vệ tinh chỉ mang tính chất học hỏi nhưng dần dần hi vọng sẽ làm chủ công nghệ đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin trong nhiều nhiệm vụ, trong đó có phòng chống thiên tai, hạn chế được thiệt hại cho người dân.

22/10/2024 11:29

Không nên chủ quan ngay cả khi bão đã yên ả

Thưa ông, hiện nay chúng ta đã và đang triển khai Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi và trung du Việt Nam, ông có thể chia sẻ các kết quả đạt được đến nay? Theo ông, làm thế nào để có thể tăng cường hiệu quả truyền thông, nâng cao năng lực phòng tránh lũ quét, sạt lở đất cho bà con ở những vùng có nguy cơ cao sau khi chúng ta có hệ thống bản đồ tai biến địa chất đầy đủ và chi tiết hơn?

TS. Nguyễn Đại Trung, Trưởng Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế thuộc Viện Khoa học địa chất và khoáng sản:

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 20

TS. Nguyễn Đại Trung, Trưởng Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế thuộc Viện Khoa học địa chất và khoáng sản

Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đang xây dựng thuyết minh 02 nhiệm vụ bao gồm: Nhiệm vụ “Điều tra, xây dựng và cập nhật bộ thông tin dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỉ lệ 1:50.000 và tỉ lệ 1:25.000 cho 37 tỉnh trung du, miền núi Việt Nam” và Nhiệm vụ “Rà soát, đánh giá hiện trạng, áp dụng thực tiễn hệ thống các quy trình, quy định kỹ thuật liên quan đến lũ quét, sạt lở đất; hoàn thiện các quy trình, quy định, định mức, hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất, lũ quét” thuộc Đề án nêu trên và sớm trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt để thực hiện từ năm 2025.

Tuy nhiên năm 2023, Viện đã tham gia 01 nội dung nhiệm vụ thuộc Dự án “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi” do Tổng cục Khí tượng Thủy văn chủ trì và Viện đã chuyển giao cho Tổng cục Khí tượng Thủy văn các sản phẩm bao gồm: - 340 mảnh bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá của 22 tỉnh tỷ lệ 1/50.000; - 250 mảnh bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá của 15 tỉnh tỷ lệ 1/50.00; - 32 mảnh bản đồ hiện trạng và khoanh vùng nguy cơ trượt lở đất đá của 6 xã trọng điểm tỷ lệ 1/10.000; - Các ngưỡng gây sạt lở đất (12/22 tỉnh) v.v.

Các kết quả nêu trên đã góp phần vào các thông tin dự báo, cảnh báo sớm về sạt lở đất, lũ quét do Tổng cục Khí tượng Thủy văn công bố trên các trang thông tin chính thống.

Để có thể tăng cường hiệu quả truyền thông, nâng cao năng lực phòng tránh lũ quét, sạt lở đất cho người dân ở những vùng có nguy cơ cao sau khi có hệ thống các bản đồ hiện trạng, phân vùng nguy cơ, hiện trạng và khoanh vùng nguy cơ trượt lở đất đầy đủ ở tỉ lệ 1:50.000 và chi tiết hơn, một số đề xuất bao gồm:

- Công tác chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, tập huấn phải đến được ở cấp xã, cấp thôn bản và đến được người dân sống trong những vùng có nguy cơ về sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét.

- Phương pháp và tài liệu chuyển giao phải được phổ thông, dễ hiểu với chính quyền và người dân.

- Hệ thống thông tin phải được cập nhật các cấp và có địa chỉ xử lý, ra quyết định ứng phó kịp thời, dự báo, cảnh bảo sớm về sạt lở đất, lũ quét.

Đồng thời, người dân luôn luôn phải sẵn sàng ứng phó với các phương án mà địa phương đã đề ra, không nên chủ quan lơ là ngay cả trong tình hình thời tiết bình yên sau bão.

Người dân, nhất là những người sống trong khu vực cần theo dõi các dự báo, cảnh báo có tiềm năng về sạt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá v.v. được chính quyền trung ương và địa phương thông báo, cảnh báo trên các phương thông tin đại chúng như như điện đàm, hỏa tốc, khẩn, loa đài, mạng xã hội, điện đàm v.v. về các hiện tượng như lượng mưa, thời gian mưa...

22/10/2024 11:36

Khơi lại nỗi đau để đứng dậy

Một số loại hình thiên tai chỉ xảy ra trong phạm vi hẹp như lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy việc cảnh báo, dự báo thiên tai theo phạm vi hẹp là rất quan trọng. Đây cũng là khó khăn của chúng ta trong công tác dự báo, cảnh báo hiện nay. Theo ông, cần làm gì để có thể tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo thời tiết theo hướng chi tiết hoá các khu vực?

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 21

Ông Văn Phú Chính

Ông Văn Phú Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển kỹ thuật Tài nguyên nước – WATEC:

Hiện nay chúng ta nói về dự báo, cảnh báo nhưng không có dữ liệu không thể làm gì được. Chúng tôi tiếp cận ở góc độ rất đơn giản là cần phải làm chủ thiết bị công nghệ. Thiết bị nhập ngoại về, hỏng hóc không sữa chữa được là khó khăn. Chúng tôi đã chủ động nghiên cứu và đưa vào sử dụng các trạm đo mưa tự động. Hiện nay chúng tôi đã lắp đặt 2.615 trạm đo mưa và 60 hệ thống cảnh báo , trong đó không có trạm nào phải dừng hoạt động. Chúng tôi tự hào vì điều đó.

Hệ thống cảnh báo mưa như thế nào? Ví dụ, tổng lượng mưa tích lũy vượt 250mm, hệ thống cũng sẽ cảnh báo. Chúng tôi có thiết bị kết nối với trạm đo mưa, hễ mưa trên 50 mm/ giờ sẽ có còi hụ cảnh báo. Điều đáng nói, chúng tôi tiếp cận công nghệ giá thành phù hợp, dễ lắp đặt, dễ vận hành. Thực tế đã lắp cho các địa phương để cảnh báo cho người dân rất thuận lợi.

Thiết bị thứ hai tôi muốn nói đến đó là hệ thống tháp báo lũ: Ví dụ mực nước sông đã lên mức báo động 1, báo động 2, báo động 3… nhưng người dân vùng này không thể biết được. Khi có tháp báo lũ này, nước lên bao nhiêu, người dân có thể mở điện thoại xem được. Riêng công nghệ quan trắc trên đường phố đo độ ngập ở khu vực dân cư… hiện nay chưa có. Vừa rồi chúng tôi có công nghệ đo độ ngập ở thành phố Hồ Chí Minh. Đối với người dân, thông tin nước ngập lụt vô cùng hữu ích vì họ nắm để có cách ứng phó. Còn cơ quan chức năng biết được thông tin để phục vụ công tác triển khai cứu hộ, cứu nạn.

Tôi cũng cho rằng, để phòng chống thiên tai hiệu quả điều quan trọng là nhận thức của các cấp chính quyền. Thời gian qua, khi đi lắp đặt thiết bị quan trắc, có đơn vị sẵn sàng tặng thiết bị cho địa phương nhưng vẫn có nơi không nhận.

Thưa ông, các địa phương đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả của siêu bão YAGI. Tuy nhiên, thực tế vẫn bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định. Từ công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả của siêu bão YAGI, chúng ta rút ra được những bài học gì trong cả công tác phòng, chống cũng như khắc phục hậu quả của thiên tai. Chúng ta có thể chọn ra 3 từ khóa là “công tác cảnh báo sớm, kỹ năng phòng chống khắc phục, nâng cao công tác truyền thông”. Theo ông từ khóa nào là bài học quan trọng nhất cần được ưu tiên quan tâm trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai:

Theo tôi, tôi chọn cả 3 từ khóa.

Hiện tại công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả của bão có nhiều vấn đề có thể khắc phục.

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 22

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai

Thứ nhất về nguồn lực, hiện tại thiếu nguồn lực trong công tác phòng chống ứng phó với thiên tai. Theo tôi đầu tư cho công tác phòng ngừa mới là then chốt. Để trong tương lai chúng ta sẽ không phải thốt lên: “Nếu như biết trước những cơn bão xảy ra như thế này thì…”, “Nếu biết trước kết quả sẽ xảy ra thì công tác phòng chống và khắc phục sẽ tốt hơn”.

Công tác thông tin tuyên truyền về các cơn bão lớn trong lịch sử cần được đề cao, nhắc nhở lại nhiều lần không phải là để khơi lại nỗi đau mà là để đứng dậy từ nỗi đau kèm theo đó là những bài học về công tác khắc phục, phục hồi như thế nào.

Cần xác định rõ trong việc phân bổ nguồn lực để có hiệu quả nhất trong công tác, phòng chống ứng phó với thiên tai. Theo tôi, đầu tư cho dự báo sẽ có hiệu quả và tiết kiệm hơn so với khắc phục. Cụ thể đầu tư cho các thiết bị đo lường phòng ngừa quan trắc có số liệu để phân tích để dự đoán,.

Thứ 2 phải khẳng định là công tác dự báo cảnh báo là công tác quan trọng. Cần nâng cao kỹ năng phân tích công tác dự báo cảnh báo thiên tai tại Việt Nam. Nhật Bản đề cao cảnh báo động đất và núi lửa lên hàng đầu coi đó là vấn đề “sinh tồn”. Nhưng tại Việt Nam chưa đặt thiên tai lên mức “sinh tồn” vì thế công tác thích ứng còn nhiều bất cập, chúng ta cần để nhìn nhận xuyên suốt và thấu đáo hơn để phòng tránh trong tương lai.

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 23

Thứ 3, thông tin truyền thông cũng là phương tiện tin cậy để lan tỏa, mặc dù công tác dự báo cảnh báo không thể đúng hoàn toàn nhưng cũng nên tích cực truyền thông để người dân chủ động hơn trong công tác phòng ngừa. Công tác thông tin tuyên truyền về các cơn bão lớn trong lịch sử cần được đề cao, nhắc nhở lại nhiều lần không phải là để khơi lại nỗi đau mà là để đứng dậy từ nỗi đau kèm theo đó là những bài học về công tác khắc phục, phục hồi như thế nào.

22/10/2024 11:47

4 tại chỗ phòng chống thiên tai

Sau siêu bão YAGI, thành phố sẽ triển khai những giải pháp gì để nâng cao khả năng thích ứng cũng như phòng chống, khắc phục hậu quả của thiên tai?

Ông Đặng Văn Tâm, Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng:

Về phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ, yếu tố nào cũng là yếu tố quan trọng, không thể xem nhẹ.

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 24

Ông Đặng Văn Tâm, Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng

Hiện tại Hải Phòng tập trung vào một số giải pháp:

- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai cho cộng đồng.

- Coi trọng công tác phòng chống thiên tai ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, phương án, đảm bảo tính khả thực, khả thi; chuẩn bị nguồn lực theo phương châm “bốn tại chỗ” một cách thực chất.

- Trong những giải pháp cần làm trong thời gian tới, Hải Phòng tập trung nguồn lực nâng cao sức chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng: điện, viễn thông, cấp thoát nước, thông tin liên lạc…

- Thành phố cũng dành nguồn lực để thực hiện tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, công trình thuỷ lợi. Hải Phòng có hơn 400km đê, còn nhiều vị trí xung yếu, có những cống dưới đê được xây dựng từ những năm 1960, cần được xây mới, đảm bảo được sức chống chịu với thiên tai tương đương hoặc mạnh hơn bão số 3, lũ lớn vượt lũ lịch sử.

22/10/2024 11:58

Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác cảnh báo

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm ứng phó thiên tai trên thế giới mà chúng ta có thể học hỏi và ứng dụng?

PGS.TS Phạm Quý Nhân, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường:

Có thể nói kinh nghiệm về ứng phó thiên tai trên thế giới có rất nhiều nhưng có thể học được hay không hay học như thế nào là câu chuyện rất dài.

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 25

PGS.TS Phạm Quý Nhân

Tại Vương Quốc Anh công tác cảnh báo sớm đề cao tính hiệu quả. Bởi nếu thông tin cảnh báo sớm không tin cậy, thông tin giảm nhẹ hoặc sai lệch có thể làm mất đi sự tin tưởng cho người dân, khiến cho công tác phòng ngừa không đạt được hiệu quả đáng có.

Bên cạnh đó, Anh có đặc điểm địa hình khá đặc biệt với những trận sạt lở xảy ra thường xuyên, nên nhà nước chủ động xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở trước khi tiến hành quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Hiện nay tại Việt Nam ngoài yếu tố thiên nhiên, các tác động nhân tạo của con người như xây đường, xây đập thủy điện,… tác động đến 70% tới thiên nhiên. Chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến tác động của các cơ sở hạ tầng trước khi tiến hành quy hoạch, xây dựng.

Về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dự báo, ứng phó thiên tai chúng ta có thể học hỏi Hàn Quốc. Hiện nay các cơ sở vật chất tại Hàn Quốc đã được tiến hành xã hội hóa, các đơn vị thậm chí các thiết bị từ các công ty tư nhân và có thể trả lại nếu đo đạc thông tin không chính xác.

Nguồn lực của ta khá hạn chế, các đài trạm có từ thời pháp thuộc hiện nay vẫn đang được sử dụng. Việt Nam đang học việc xã hội hóa các nguồn lực nhưng do nhận thức chưa rõ ràng dẫn đến quy kết trách nhiệm chưa cụ thể.

Chúng ta có thể học từ Mỹ thể chế, thông tư, nghị định, các quy trình vận hành. Mỹ phân rõ trách nhiệm của chính quyền các bang, tiểu bang. Tại Việt Nam, thể chế, thông tư, nghị định, các quy trình vận hành đã tương đối phân rõ nhưng một số nơi vẫn chồng chéo.

Chúng ta có thể học tập tại Úc công tác thông tin cộng đồng. Chính quyền Úc tổ chức thông tin đến từng địa phương với báo, đài phát thanh, truyền hình. Bài học này chúng ta có thể học hỏi, ví dụ như Hải Phòng bị mất liên lạc do mất điện mất mạng trong cơn bão Yagi chúng ta khá khó khăn trong việc liên lạc, phổ biến công việc.

Ngoài ra chúng ta có thể học tập các xây dựng các công trình của Hà Lan - đây là vùng đất thấp với 2/3 diện tích dưới mực nước biển, nhưng có hệ thống kênh rạch thoát nước rất tốt với việc sử dụng hệ thống điện gió giúp thoát nước. Các vùng thoát lũ được xây dựng và quy hoạch bài bản và được quan tâm. Tại Việt Nam cũng có vùng thoát lũ nhưng không được quan tâm nhiều. Tại các đập thủy điện được xây dựng gần đây ít coi việc xây dựng vùng thoát lũ là cấp bách cần thiết.

Một phương pháp khác là Trung Quốc đề xuất xây dựng các thành phố bọt biển giữ nước mưa lại để sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều nước đã học hỏi các phương pháp này.

Ngoài ra còn nhiều bài học có thể nghiên cứu tiếp thu như: đề cao thăm khám, quản lý cây xanh tránh đổ gãy khi bão lũ; các nước nâng cao duy tu hệ thống thoát nước; sử dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác cảnh báo

Có thể nói kinh nghiệm trên thế giới rất nhiều, nhưng cần thay đổi từ nhận thức, từ đó đưa vào thực tế để hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất về nguồn lực.

22/10/2024 12:04

Chưa bao giờ có một thiên tai tàn phá dữ dội như bão YAGI ảnh 26

Nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong

Kết thúc buổi tọa đàm, Nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong gửi lời cảm ơn các vị khách mời, là các chuyên gia, nhà quản lý đã dành thời gian quý báu đến chia sẻ nhiều thông tin hữu ích, giúp người dân, cộng đồng hiểu rõ, nhận diện đầy đủ hơn. “Thông tin các vị khách mời chia sẻ cũng khiến chúng tôi, những người làm báo cảm thấy được mở mang và bạn đọc rất mong chờ. Chúng ta truyền thông nhiều hơn nữa để giúp người dân thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi, cách sống”, Nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong nói.

MỚI - NÓNG
'Cô tiên từ thiện' vừa bị bắt là ai?
'Cô tiên từ thiện' vừa bị bắt là ai?
TPO - Nguyễn Đỗ Trúc Phương (30 tuổi, sống tại TPHCM) từng nổi tiếng trên mạng xã hội với biệt danh "cô tiên từ thiện". Ngày 14/11, công an TPHCM cho biết đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đỗ Trúc Phương để điều tra về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.